Không còn nhiều cửa cho địa phương vay nợ

Trong bối cảnh đó, dư địa cho chính sách hạn hẹp, nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế sẽ là những thách thức cho kinh tế Việt Nam.

Đây là cảnh báo đáng chú ý của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc Gia (NFSC) trong báo cáo Tổng quan tình hình tài chính 2016.

Nợ công tăng, ngân sách thiếu hụt

Cảnh báo này rất sát với thực tế Việt Nam . Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội trong kỳ họp lần này, tỷ lệ tương đối về nợ công đã tăng từ mức 36,5% GDP năm 2001 lên hơn gấp rưỡi - 62,2% GDP vào năm 2015. Còn xét về quy mô, nợ công tính đến năm 2015 là trên 2,6 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010 và 14,8 lần năm 2001. Tốc độ tăng nợ công 5 năm qua khoảng 18,4%, gấp hơn 3 lần tăng trưởng kinh tế là 5,91%. Tỷ lệ bội chi cũng ở mức cao. Giai đoạn 2011 - 2015 có bội chi dự toán là 872.000 tỷ đồng, song thực tế thực hiện 1,02 triệu tỷ đồng.

NFSC quan ngại về tốc độ tăng nợ công bình quân đến trên 20%/năm trong thời gian qua. Không những thế, tỷ trọng vốn vay kỳ hạn ngắn cao dẫn đến tình trạng phải vay đảo nợ, gây lúng túng, bị động trong điều hành NS. Trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị trả nợ là 176.827 tỷ đồng, tiền trả nợ chủ yếu từ NS và một số kênh huy động khác. Tổng số tiền dự kiến trả nợ năm 2016 là 12 tỷ USD.

Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Cái Lân. Ảnh: Minh Hùng

Đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, các chỉ số về nợ công tiềm ẩn nguy cơ tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cho phép. Nếu tính cả các khoản nợ khác của NS, các khoản nợ có khả năng chuyển đổi thành nợ công, có nguy cơ ảnh hưởng tới tính bền vững của nợ công, tác động tiêu cực đến cân đối NS và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Trong khi đó, nguồn thu thuế đang đối mặt với khả năng sụt giảm bởi giá dầu, thuế nhập khẩu được bãi bỏ dần, từ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng... Bên cạnh đó, các yếu tố tăng trưởng tĩnh như (lao động giá rẻ, tài nguyên, thâm dụng vốn và dựa vào đầu tư nước ngoài) đã cạn kiệt và không tạo xung lực mới, trong khi các yếu tố tăng trưởng động như: Nền kinh tế sáng tạo, khát vọng khởi nghiệp, liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu hay nền kinh tế xanh - sạch vẫn chưa phát triển tốt. Tái cơ cấu đầu tư công, DN Nhà nước, ngân hàng chưa đạt yêu cầu… “Nguồn lực hạn hẹp nhưng Việt Nam lại luôn gặp bất lợi từ thiên tai và thị trường quốc tế” - báo cáo của NFSC đánh giá.

Nhiều thách thức

Theo NFSC, thị trường tài chính đóng vai trò quan trọng và trong tầm nhìn đến 2035 sẽ ngày càng quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế của Việt Nam. Bộ KH&ĐT dự báo trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội của nền kinh tế khoảng 10 triệu tỷ đồng. Cân đối đủ nguồn vốn cho nền kinh tế đã khó nhưng phân bổ nguồn lực một cách có hiệu quả còn khó khăn hơn. Tình hình NS năm nay đã gay go và năm sau cũng sẽ tiếp tục như vậy sẽ ảnh hưởng tới thị trường tài chính Việt Nam, TS Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch NFSC nhận định và cho rằng dư địa chính sách hạn hẹp, nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế sẽ là những thách thức cho kinh tế Việt Nam.

Phân tích về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận xét, Chính phủ không còn nhiều dư địa để tiếp tục đẩy tỷ lệ nợ công/GDP lên mức cao hơn trong những năm sau đó, gây áp lực lớn trong việc hoạch định các nguồn lực tài chính phục vụ tăng trưởng giai đoạn 2017 - 2020. Đồng thời, các khoản bảo lãnh vay nợ của Chính phủ và phát hành nợ của chính quyền địa phương có thể bị thu hẹp trong giai đoạn 2016 - 2020 để đảm bảo tổng nợ công không vượt mức trần 65%GDP trong những năm tiếp theo và nợ Chính phủ không quá 55% GDP.

Thực tế cho thấy, hiện nay, phân bổ ngân sách 2017 không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng mà còn gần chục tỉnh khác là những tỉnh có đóng góp về NS T.Ư đều bị cắt giảm tỷ lệ điều tiết của NS địa phương, tăng tỷ lệ điều tiết về NS T.Ư. Cũng theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam không phải là cao mặc dù đặt mục tiêu 6,7% (năm 2017), nếu đặt mục tiêu 6,7% thì tổng quy mô GDP của Việt Nam đến hết năm 2017 mới đạt được bằng mức đề ra của năm 2016 (năm 2016 đặt mục tiêu GDP 6,7% nhưng thực tế chỉ có thể đạt 6,3 - 6,5%). Theo kế hoạch năm 2016 GDP phải đạt được khoảng 5,1 triệu tỷ đồng (năm 2016 ước thực hiện cũng chỉ ở mức khoảng 4,6 triệu tỷ đồng).

“Với tổng quy mô GDP khoảng 5,1 triệu tỷ đồng, nếu không tiết kiệm chi tiêu thì chúng ta sẽ phải đi vay nợ. Nếu đi vay nợ thì trần nợ công sẽ vượt qua con số 65% GDP, vì tổng quy mô GDP không tăng mà chi tiêu công tăng sẽ làm trần nợ công tăng. Vì vậy, Chính phủ buộc phải cắt giảm chi tiêu công của năm 2017 và đưa dự toán bội chi NSNN giảm từ 5,3% xuống 3,5% GDP. Bội chi không chỉ giảm về tỷ lệ mà còn giảm về con số tuyệt đối từ 254.000 tỷ đồng xuống 178.000 tỷ đồng. Vậy lấy đâu tiền bù vào phần cắt giảm, đương nhiên là từ ở các địa phương, các tỉnh phải gánh chịu phần chung này với cả nước” - ông Cường phân tích thêm.

Theo kế hoạch của Chính phủ, từ năm 2017 đưa ra chính sách thực hiện đầu tư theo khả năng nguồn thu, nếu nguồn thu cao được đầu tư cao, khuyến khích cho các địa phương tăng thu, đảm bảo vùng nào cũng phải cố gắng, giúp địa phương phát huy thế mạnh để có nhiều nguồn thu, nếu không sẽ tiếp tục phải thực hiện “nhận trợ cấp” khi đó đầu tư trở lại của Chính phủ có nhưng rất hạn hẹp. Trong kế hoạch đầu tư NS năm 2017, Chính phủ cũng chỉ rất rõ trước hết tập trung bố trí cho những dự án đang dở dang, đầu tư dứt điểm sau đó mới triển khai dự án mới.

Thông điệp quan trọng trong báo cáo của NFSC, năm 2016 và một số năm tiếp theo, nếu Việt Nam không đẩy nhanh tiến trình cải cách, tạo chuyển biến mạnh trong 3 khâu đột phá, kiến tạo thị trường tài chính lành mạnh, đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, thì khó lòng thực hiện được các mục tiêu cơ bản trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, “ổn định tài chính sẽ tiếp tục được coi là một trong các ưu tiên trong điều hành chính sách năm 2016”.

Chính phủ hiện nay đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: Để duy trì tăng trưởng thì không thể không đầu tư, nhưng càng đầu tư thì NS càng thâm hụt và nợ công càng tăng. Chính phủ không còn cách nào khác là phải nuôi dưỡng, tìm nguồn thu mới và giảm chi. Chính phủ phải tìm cách để khơi thông nguồn lực xã hội, để DN, người dân mạnh dạn tham gia đầu tư vốn.

TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

Nếu Việt Nam chậm thực hiện chương trình thắt chặt tài khóa thì mức độ bền vững nợ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để cân đối thu NS, không nên tạo ra các khoản thu mới mà nên mở rộng cơ sở thu. Chẳng hạn, đánh thuế môi trường, thuế thu nhập từ đấu giá tài sản… Tất nhiên, để đảm bảo nguồn NS bền vững, Việt Nam cần có một chương trình chi NS hiệu quả, nhất là chi thường xuyên (đang chiếm tới 70% tổng chi NS) để đảm bảo tốc độ tăng chi giảm lại để cân đối NS.

TS.Phạm Minh Đức Chuyên gia kinh tế của Worl bank

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khong-con-nhieu-cua-cho-dia-phuong-vay-no-272732.html