Không có sự ép buộc, chỉ tự nguyện mà thôi

Chiều 27/7/2016, UBND huyện Nam Trực đã có buổi họp báo, trả lời các thông tin liên quan đến dự án (D.A) sản xuất giầy xuất khẩu của Công ty Bunda Footwear (doanh nghiệp Trung Quốc).

Ông Nguyễn Đức Tiến (bìa trái) tại buổi họp báo. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Trực thừa nhận, với sự vào cuộc nỗ lực của các cấp, ngành địa phương, đã có trên 50% người dân “tình nguyện” trả lại đất sản xuất, nhưng đến thời điểm này D.A mới dừng lại ở việc “đồng ý chủ trương” của UBND tỉnh.

Ông Tiến cũng khẳng định không có việc người dân bị ép buộc “tự nguyện” trả lại đất. Chính quyền có cử lực lượng công an đi cùng người Trung Quốc xuống “thỏa thuận” với dân là để tuyên truyền, vận động mà thôi. Việc cử cán bộ Phòng Công thương, Ban Chỉ huy Quân sự huyện vào các đơn vị quân đội có con em địa phương công tác tại Nha Trang là có. Đây cũng là việc làm tuyên truyền chủ trương, chứ không phải ép buộc gì.

Bản chất của việc người Trung Quốc đi cùng lực lượng vũ trang và các ban, ngành của huyện xuống xã là chỉ mang tiền để trả cho dân, còn việc vận động, thương thuyết giá cả để người dân tự nguyện trả lại đất là do các ban, ngành, địa phương thực hiện.

Trong buổi họp báo, ông Tiến có thông tin mình từng đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Sở TN-MT. Nhưng khi được hỏi D.A mới dừng lại ở giai đoạn “chấp thuận chủ trương”, cơ sở pháp luật nào để doanh nghiệp Trung Quốc thỏa thuận với người dân để lấy đất thực hiện D.A thì ông từ chối trả lời mà chuyển hướng đề nghị phóng viên hỏi Sở TN-MT. “Cấp trên chỉ đạo thì chúng tôi thực hiện vậy”, ông Tiến nói.

Trước đó, nhiều người dân xã Nghĩa An có gửi đơn đến Báo Thanh tra và nhiều cơ quan chức năng phản ánh chính quyền địa phương ép buộc người dân trả lại đất cho doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện D.A sản xuất giầy, khi mà D.A chưa có đầy đủ quy định pháp lý để triển khai. Chính quyền địa phương cũng không giải quyết khiếu nại của công dân theo quy định của pháp luật.

Trao đổi riêng với Báo Thanh tra về giá cả thỏa thuận để người dân “tự nguyện” trả lại đất để doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện D.A, ông Nguyễn Xuân Hưởng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết: Giá này được dựa trên cơ sở khung giá do UBND tỉnh Nam Định ban hành khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất (200 nghìn đồng/m 2 , đã bao gồm hỗ trợ chuyển đổi việc làm và hỗ trợ đời sống), chứ không thể “thằng Bờm có cái quạt mo/Phú ông xin đổi 3 bò 9 trâu”.

Ông Tiến cho biết thêm, theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp nước ngoài chỉ được phép thực hiện D.A tại các khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, huyện “vận dụng” hướng dẫn của Tổng cục Quản lý đất đai, nếu trường hợp thực hiện D.A cần thiết, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương thì Sở TN-MT tham mưu cho UBND tỉnh cho phép chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất trong phạm vi D.A để người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất, trên cơ sở đó, Nhà nước ra quyết định thu hồi đất theo quy định.

Trả lời về việc không thụ lý đơn thư của công dân theo quy định của Luật Khiếu nại, ông Tiến cho hay, tại các buổi tiếp dân, huyện đã giải thích trực tiếp rồi. Huyện cũng đã nhận được văn bản chuyển đơn của Trụ sở Tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, tới đây sẽ giao cho Phòng TN-MT tham mưu giải quyết. Quan điểm trả lời là, huyện chỉ vận động người dân trả lại đất thôi, chứ có ép buộc gì đâu.

Cuối buổi họp báo, phía UBND huyện cũng khẳng định, huyện sẽ thuyết phục để người dân ủng hộ, tất cả đều tự nguyện trả lại đất để doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện D.A. Không bao giờ và không ép buộc ai cả.

PV

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/khong-co-su-ep-buoc-chi-tu-nguyen-ma-thoi_t114c39n106838