Không có người học giỏi làm sao có thầy giỏi?

Từng là tiến sĩ, phó giáo sư trẻ nhất ngành văn học nước nhà, năm 2013, một niềm vui nữa lại đến với PGS Lê Huy Bắc (ảnh) - Trưởng Bộ môn Văn học nước ngoài (Khoa Ngữ văn – Đại học Sư phạm Hà Nội) – khi ông được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS Lê Huy Bắc xung quanh “tấm mề đay” và những trọng trách của người thầy trong nhà trường sư phạm.

.
GS.TS Lê Huy Bắc

Thưa GS.TS Lê Huy Bắc, ông có thể chia sẻ về cảm xúc của mình khi vừa được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư năm 2013?

Với tôi - một người nghiên cứu đồng thời là nhà giáo với hơn 20 năm trên bục giảng – đây là phần thường cao quý dành cho nỗ lực học tập và nghiên cứu không ngừng suốt mấy chục năm nay. Niềm vui được nhân lên khi tôi trở thành giáo sư trẻ nhất ngành Văn học.

Thưa ông, những năm gần đây, sự “trẻ hóa” trong đội ngũ những người được phong chức danh GS, PGS càng thấy rõ. Điều này có đồng nghĩa với chất lượng nguồn nhân lực (nhân lực chất lượng cao) của chúng ta được nâng cao?

Đương nhiên là được nâng cao. Là thế hệ được giáo dục trong thời bình (sau 1975) chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều từ những bậc thầy đi trước. Họ là những bậc kì tài luôn nâng bước chúng tôi.

Chúng tôi không phải “mò mẫm” nghiên cứu như thế hệ cha anh mà được kế thừa rất nhiều từ thành quả nghiên cứu của họ.

Đặc biệt trong thời kì hội nhập toàn cầu hóa hiện nay, điều kiện để vươn ra học tập và giới thiệu thành tựu văn học trong nước ra nước ngoài là khá thuận lợi.

Hàng chục năm gắn bó với môi trường sư phạm, ông đánh giá như thế nào về chất lượng đội ngũ những người thầy trong nhà trường sư phạm nói chung, Khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng?

Tôi nghĩ hiện nay chất lượng đội ngũ những người thầy sư phạm khá ổn. Họ đa phần là người có kiến thức, tâm huyết với nghề, luôn lo âu cho nền giáo dục nước nhà, trăn trở để đưa nền giáo dục Việt Nam lên ngang tầm khu vực và thế giới.

Tuy vậy, thời kinh tế thị trường vẫn có tác động tiêu cực ít nhiều đến họ, đặc biệt là mức lương thấp của ngành giáo dục hiện nay.

Hệ lụy thấy rõ là với mức lương khiêm tốn so với nhiều ngành nghề khác, người giỏi sẽ không thi vào sư phạm.

Chất lượng giáo viên hiện đang đáng báo động là ở chỗ đó, những học sinh giỏi hiếm khi chọn ngành sư phạm. Không có người học giỏi thì làm sao tìm được người thầy giỏi trong tương lai.

Theo ông, “chất lượng” của những máy cái – thầy của những người sẽ làm thầy – có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của nền giáo dục?

Gần đây ở ta rộ lên chuyện cải cách giáo dục. Đây là lẽ thường đối với bất kì quốc gia nào.

Đáng nói là ở ta chủ yếu (nếu không nói tất cả) là chỉ tập trung vào đổi mới chương trình và cách dạy bậc trung học, tiểu học; bậc đại học chưa được chú ý đúng mức.

Trong khi đó, nếu 15 năm là một chu kì thay đổi thì trong thời gian đó có biết bao nhiêu giáo viên sẽ về hưu và bao nhiêu người thay thế.

Không tập trung chú ý đến con người trực tiếp đứng lớp các cấp thì làm sao mà sự đổi mới giáo dục thu được kết quả tốt.

Do vậy, việc cải cách đồng bộ và toàn diện về chương trình, phương pháp, lẫn con người là cần thiết.

Với tư cách là người được phong hàm GS trẻ nhất ngành Văn học ở Việt Nam, cá nhân ông thấy trọng trách gì với “tấm mề đay” này?

Theo nghị định mới của chính phủ, tôi sẽ công tác đến năm 70 tuổi. Như thế kể từ lúc này, tôi còn 25 năm ở phía trước. Chưa thể nói trước, nhưng tôi nghĩ sẽ nỗ lực hết sức trong việc nghiên cứu và giảng dạy.

Hiện, tôi đang tập trung viết bài nghiên cứu bằng tiếng Anh để quảng bá văn chương Việt Nam ra thế giới và hi vọng trong tương lại gần sẽ tập hợp các bài nghiên cứu bằng tiếng Anh của mình để in một chuyên luận ở nước ngoài.

Xin cảm ơn GS về cuộc trao đổi!

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/khong-co-nguoi-hoc-gioi-lam-sao-co-thay-gioi/147355.bld