Không chủ quan trước lạm phát và thiểu phát

Thông tin tại buổi họp báo công bố những nội dung chính của Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 trưa 26/5, Người Phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ xác định không chủ quan và luôn đề phòng nguy cơ xảy ra cả hai trường hợp lạm phát và thiểu phát của nền kinh tế.

Thông tin tại buổi họp báo công bố những nội dung chính của Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 trưa 26/5, Người Phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ xác định không chủ quan và luôn đề phòng nguy cơ xảy ra cả hai trường hợp lạm phát và thiểu phát của nền kinh tế.

Cũng theo Người phát ngôn Chính phủ, bên cạnh những thông tin cho rằng nguy cơ thiểu phát hiện hữu, cũng có những ý kiến cảnh báo về tình trạng tái lạm phát. “Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý”- Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.

Ngày 26/5/2013, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2013. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Trả lời câu hỏi liên quan đến chủ trương của Chính phủ trong việc thúc đẩy triển khai dự án mở rộng quốc lộ 1A và dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua khu vực Tây Nguyên, Bộ trưởng Đam cho biết, đây là hai dự án cấp bách, có tầm quan trọng chiến lược, được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước hết sức mong đợi. Dự án quốc lộ 1A đã được đưa vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương. Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn Tây Nguyên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội khu vực này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đam cũng nêu lên một thực tế, trước tình hình khó khăn chung và nhiều công trình, dự án quan trọng khác của đất nước, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cả nước đang có hướng giảm dần. Chính phủ dự kiến sẽ xin Quốc hội phê chuẩn phát hành trái phiếu Chính phủ để tạo thêm nguồn vốn thực hiện hai dự án trên.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xem xét, nỗ lực triển khai xây dựng thêm một số công trình có ý nghĩa lớn nhằm đáp ứng yêu cầu hết sức bức thiết của xã hội và người dân như xây dựng các bệnh viện lớn để giảm tải bệnh nhân; các dự án hồ thủy lợi giải quyết nước tưới tiêu cho nhân dân, kết hợp giải quyết nước sinh hoạt trong khu vực, ông Đam nhấn mạnh.

Liên quan đến sự cố mất điện xảy ra chiều ngày 22/5 tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam, gây hậu quả rất lớn về kinh tế và xã hội vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, sự cố này đã cho cho thấy tính dễ tổn thương của đường dây truyền tải điện 500KV Bắc - Nam. Tuy nhiên, công tác khắc phục cũng đã được ngành điện tiến hành khá kịp thời. Chỉ 5 tiếng sau sự cố, thành phố Hồ Chí Minh đã được cấp phát điện trở lại và sau 8 giờ, toàn bộ các tỉnh, thành còn lại cũng đã có điện trở lại, phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Thông tin thêm về sự việc này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, do tính chất của sự cố này ở quy mô lớn, chưa từng có, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc, tìm nguyên nhân, xác định trách nhiệm. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phân tích các điểm còn thiếu sót để rút kinh nghiệm, khắc phục, sửa chữa; kể cả đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hành lang lưới điện; tránh lặp lại sự cố đáng tiếc này.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, rút kinh nghiệm từ sự việc này, thời gian tới, Chính phủ sẽ huy động các nguồn vốn triển khai quy hoạch của ngành điện, cụ thể là đầu tư, xây dựng thêm các đường dây truyền tải điện, đảm bảo những sự cố tương tự đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quang Vũ

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/khong-chu-quan-truoc-lam-phat-va-thieu-phat-20130526160319326.htm