Không chủ quan trong phòng tránh, ứng phó với mưa lũ

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) vừa ban hành Công điện số 41 gửi cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định và các bộ ngành liên quan về ứng phó đợt mưa lũ mới.

Sáng 6/12, nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã làm bờ tràn đập Bà Rùa (thị trấn Tuy Phước đi xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) bị ngập sâu. Ảnh: Báo Bình Định

Công điện nêu rõ từ ngày 29/11 đến ngày 4/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 200-400 mm, một số nơi ở Quảng Ngãi, Bình Định lượng mưa đạt trên 700 mm…

Ngày 5/12, các tỉnh từ Quảng Ngãi và Bình Định tiếp tục có mưa, phổ biến từ 50-100 mm, nhiều nơi trên 200 mm, lũ trên các sông đang trở lại. Hồ chứa tại các tỉnh Nam Trung Bộ về hầu hết đã đầy nước, nhiều hồ đang xả tràn.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ ngày 6 - 8/12, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa vừa, trong đó các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa từ 100-300 mm).

Đây là tổ hợp mưa, lũ phức tạp. Vì vậy, để chủ động phòng tránh, ứng phó hạn chế thiệt hại và tránh tư tưởng chủ quan nhất là đối với các khu vực mưa lũ kéo dài nhiều ngày qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia TKCN đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố nói trên, các bộ, ngành chỉ đạo thực hiện một số nội dung nhằm ứng phó hiệu quả với mưa lũ.

Theo đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trên các sông, suối; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Kiểm tra, rà soát, tổng hợp nhu cầu cứu trợ, triển khai việc cứu trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác đối với nhân dân vùng bị ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa, lũ vừa qua, chủ động ứng phó với đợt mưa lũ tới.

Tổ chức kiểm tra, rà soát tại các khu vực thấp, trũng, những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhất là tại các địa bàn thường xuyên bị lũ chia cắt để chủ động triển khai phương án sơ tán dân, bảo đảm an toàn về người và tài sản; tổ chức kiểm tra an toàn hồ chứa nước, nhất là các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý; chú trọng việc tuyên truyền, thông báo đến nhân dân khu vực hạ du bị ảnh hưởng biết, chủ động phòng tránh theo đúng các quy trình điều hành hồ chứa.

Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các đoạn đường thường xuyên bị ngập nước, các ngầm, tràn, bến đò ngang, đò dọc... Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhất là tại các khu vực trọng điểm về mưa, lũ để ứng phó khi có yêu cầu.

Bộ Công Thương chỉ đạo chủ các hồ chứa phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc vận hành hồ chứa trong khu vực để đảm bảo an toàn công trình và cắt giảm lũ cho hạ du, tránh trường hợp lũ chồng lũ như đã xảy ra những năm vừa qua./.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/khong-chu-quan-trong-phong-tranh-ung-pho-voi-mua-lu/293468.vgp