Không chủ quan, lơ là với thiên tai

Chỉ trong nửa đầu tháng 8, mưa, lũ liên tiếp gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh miền núi phía bắc. Cụ thể, đợt mưa to, lũ ống từ ngày 1 đến 3-8 tại các tỉnh Tây Bắc đã làm 41 người chết, mất tích; hàng chục người bị thương; 231 căn nhà trôi, sập đổ hoàn toàn và hàng chục ki-lô-mét đường giao thông sạt lở nặng với tổng thiệt hại vật chất gần một nghìn tỷ đồng.

Mới đây, ngày 13-8, tại huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn) lại xảy ra sạt lở đất làm chết một người, sập nhà dân, tỉnh lộ 258 hư hỏng nặng.

Cùng ngày, mưa to gây lũ ống tại huyện Sa Pa (Lào Cai) làm chết ba người dân khi đang hái thảo quả trên rừng. Ngày 14-8, lượng mưa phổ biến 50 đến 200 mm đã gây lũ cục bộ tại nhiều nơi ở Quảng Ninh, làm chết một người dân và hàng chục căn nhà bị hư hại, ba cây cầu bị sập, cuốn trôi, 30 điểm ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.

Ngoài những nguyên nhân khách quan như mưa to, lũ xuất hiện đột ngột thì những thiệt hại nghiêm trọng nêu trên có phần không nhỏ bởi yếu tố chủ quan. Bước vào mùa mưa, bão, ngành khí tượng thủy văn, báo chí liên tục đưa thông tin dự báo, cảnh báo mưa, lũ và khu vực nguy hiểm về sạt lở đất và lũ ống. Trước và trong những đợt mưa to, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) đều đưa ra cảnh báo, có Công điện nêu rõ các địa bàn có khả năng xuất hiện lũ quét, sạt lở đất và yêu cầu có biện pháp đề phòng.

Các chỉ đạo, cảnh báo được báo chí đăng tải, được chuyển thẳng trong ngày đến Ban chỉ huy PCTT các tỉnh, rồi tiếp tục đến các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở và nhân dân. Công tác chuẩn bị phương án đối phó luôn được báo cáo đã hoàn thành với phương châm “ba sẵn sàng”, “bốn tại chỗ”... Rõ ràng, tất cả đều đúng “quy trình”, nhưng thiệt hại nghiêm trọng vẫn cứ xảy ra. Các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là việc đôn đốc, giám sát người dân thực hiện chưa tốt. Tâm lý chủ quan ở cấp chính quyền cơ sở và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn khá phổ biến.

Do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khốc liệt và diễn biến khó lường hơn. Để phòng, tránh và đối phó hiệu quả diễn biến bất thường của thời tiết, ngoài việc đầu tư, tăng cường hiệu quả trong công tác dự báo, lên các phương án đối phó, chuẩn bị vật tư, nhân lực và phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn thì khâu quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức nhân dân và ý thức của một bộ phận chính quyền cơ sở về sự nguy hiểm của thiên tai.

Thực tế đối phó bão ở các tỉnh ven biển nước ta những năm gần đây cho thấy dù bão to nhưng thiệt hại trực tiếp không nặng nhờ chính quyền và người dân có ý thức phòng tránh, không lơ là, chủ quan. Mỗi khi bão vào bờ, hàng chục nghìn tàu thuyền kịp thời di chuyển tránh hướng đi của bão, hàng chục nghìn hộ dân được di chuyển đến nơi an toàn. Trong khi đó, thiệt hại do hoàn lưu bão gây ra ở các vùng lân cận lại thường nghiêm trọng hơn do tâm lý chủ quan rằng bão không đổ bộ trực tiếp. Thiết nghĩ, đây cũng là bài học để các tỉnh miền núi rút kinh nghiệm trong đối phó khi trời mưa to, có khả năng xuất hiện lũ quét, lũ ống và sạt lở đất.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33793902-khong-chu-quan-lo-la-voi-thien-tai.html