Không chọn người kế nhiệm, Tập Cận Bình đang phá tiền lệ?

Theo New York Times, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như có ý định phá tiền lệ và bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình mà không chỉ định người kế nhiệm.

Tờ New York Times nhận định rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ phá tiền lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc xây dựng quá trình chuẩn bị chuyển giao quyền lực và sẽ trì hoãn việc chỉ định người kế nhiệm cho đến sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2017. Điều này làm gia tăng đồn đoán rằng, ông Tập Cận Bình muốn kéo dài nhiệm kỳ của mình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như có ý định phá tiền lệ và bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình mà không chỉ định người kế nhiệm. (Ảnh AP)

Giới quan sát cho biết, việc trì hoãn trong việc lựa chọn người kế nhiệm sẽ giúp ông Tập Cận Bình có thêm thời gian để kiểm tra khả năng và lòng trung thành của các ứng cử viên. Song, cũng có nhiều lời đồn đoán rằng ông Tập Cận Bình đang muốn tập trung quyền lực vào bản thân và tìm kiếm một nhiệm kỳ 5 năm nữa.

Ông Christopher K.Johnson, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết cho dù ông Tập Cận Bình trì hoãn việc lựa chọn người kế nhiệm, điều đó không có nghĩa là ông muốn tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ Chủ tịch nước thứ hai kết thúc vào năm 2022.

Cũng có ý kiến cho rằng ông Tập Cận Bình có thể sẽ điều chuyển Thủ tướng Lý Khắc Cường sang một vị trí thấp hơn.

"Đây là một vấn đề tế nhị", một quan chức cấp cao giấu tên cho hay.

"Tôi không nghĩ ông Tập muốn quyết định cho đến khi người dân ủng hộ ông có những trải nghiệm và thử thách nhiều hơn", quan chức trên nhận định.

Được biết, ông Tập Cận Bình sẽ nâng tuổi về hưu của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc để Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn, một trong 7 người có quyền lực lớn nhất Trung Quốc, có thể tiếp tục nắm quyền và thậm chí trở thành ứng cử viên thay thế ông Lý Khắc Cường.

Tuy nhiên, kế hoạch của ông Tập Cận Bình sẽ vấp phải sự phản đối của nhiều quan chức cấp cao trong đảng cũng như những lãnh đạo đã về hưu.

Tờ New York Times cho rằng, nếu buộc phải chọn một ai đó, ông Tập Cận Bình có thể lựa chọn Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài là người kế nhiệm mình.

Giáo sư Victor Shih thuộc Đại học California ở bang San Diego (Mỹ) từng khẳng định rằng ông Tập Cận Bình đã đưa ra thông điệp rõ ràng về việc kéo dài nhiệm kỳ bằng việc tự phong cho mình làm người đứng đầu phần lớn các nhóm quyền lực mới trong nội bộ Đảng Cộng sản.

Theo ông Shih, việc thực hiện điều này "sẽ tăng cường khả năng hạn chế những ai muốn thay thế ông Tập Cận Bình. Thêm vào đó, hiện vẫn chưa có ai kế nhiệm".

Willy Lam, chuyên gia chính trị thuộc Đại học Trung văn Hong Kong, cũng có nhận định tương tự. Chuyên gia này dự đoán, có tới 60-70% khả năng ông Tập Cận Bình sẽ không từ bỏ cương vị lãnh đạo của mình. Theo ông Lam, Chủ tịch Tập Cận Bình đã làm suy yếu những thách thức tiềm tàng nhất bằng việc thiết lập sự kiểm soát đối với quân đội và cảnh sát.

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/khong-chon-nguoi-ke-nhiem-tap-can-binh-dang-pha-tien-le-d81896.html