Không chỉ reo rắc nỗi khiếp sợ, nhện khổng lồ mang lại kế sinh nhai độc đáo ở Campuchia

Với không ít người, nhện Tarantula khổng lồ là cơn ác mộng thực sự với thân mình to lớn và cơ thể phủ đầy lông lá. Tuy nhiên, với nhiều người khác, đây là món đặc sản và là cần câu cơm nuôi sống nhiều gia đình.

Ở thị trấn nhỏ Skuon của Campuchia, săn nhện Tarantula là nghề mưu sinh độc đáo mà từ người già tới trẻ nhỏ đều tham gia. Những đứa trẻ 5 tuổi cũng biết đi vào rừng để bắt nhện Tarantula về ăn hoặc bán như một loại đặc sản. Với người dân địa phương, nhện Tarantula còn có tác dụng chữa bệnh về hô hấp và đau lưng.

Người Campuchia sử dụng nhện Tarantula làm thuốc từ nhiều thế kỷ qua nhưng chúng trở thành đặc sản khi nạn đói những năm 1970 xảy ra do thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ. Từ đó tới nay, nhện Tarantula tiếp tục được dùng làm đồ ăn dù người dân Campuchia không còn bị đói.

Những đứa trẻ lang thang trong các khu rừng bắt nhện khổng lồ. Ngoài việc trở thành thức ăn cho gia đình, nhện còn là món hàng phổ biến tại địa phương.

Tuy nhiên, việc bắt nhện Tarantula ở Campuchia đang ngày trở nên khó khăn vì diện tích rừng bị thu hẹp nhanh chóng trong những thập niên qua. Ngoài ra, việc khai thác tràn lan khiến nhện Tarantula ngày càng trở nên khan hiếm.

Bắt nhện khổng lồ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những con nhện Tarantula không độc nhưng vết cắn của chúng gây đau đớn tột cùng. Chính vì vậy, những người bắt nhện thường loại bỏ răng nanh của nhện Tarantula để tránh bị cắn.

Cách chế biến nhện khổng lồ đơn giản nhất là nướng chúng trên than hồng. Nhiệt độ từ ngọn lửa làm chín thịt trong khi sức nóng thiêu trụi những chiếc lông trên cơ thể nhện.

Thịt nhện Tarantula được đánh giá là bổ dưỡng và giàu protein, giúp trẻ em lớn nhanh.

Người ta cũng có thể thêm gia vị cho món thịt nhện trở nên đậm đà.

Nhện khổng lồ được bán như một món hàng tại các bến xe hoặc khu vực tập trung nhiều du khách.

Chúng có giá khoảng 25 cent, tương đương 5.000 VNĐ/con. Đây là khoản tiền đáng kể với người dân Campuchia khi thu nhập của hơn một nửa dân số chưa tới mức 2 USD/ngày.

Trong khi đó, một thợ săn nhện cao tay có thể bắt được khoảng 100 con nhện mỗi ngày, mang lại khoản thu lớn so với mức thu nhập bình quân của đất nước.

Tuy nhiên, việc khai thác tràn lan khiến số lượng nhện Tarantula sụt giảm mạnh, đe dọa mất cân bằng hệ sinh thái.

Linh Anh

Theo Trí thức trẻ

Nguồn CafeF: http://cafef.vn/khong-chi-reo-rac-noi-khiep-so-nhen-khong-lo-mang-lai-ke-sinh-nhai-doc-dao-o-campuchia-20161023151729124.chn