Không chỉ là kỷ cương vỉa hè

Sau câu chuyện lập ba-ri-e trên vỉa hè, quận 1, TP Hồ Chí Minh đã khiến dư luận quan tâm về cuộc chiến “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”.

Ảnh minh họa nguồn Tuổi Trẻ.

Chỉ là lập lại kỷ cương, trật tự ở một lĩnh vực rất nhỏ là cái vỉa hè và chỉ trong một quận ở nội đô nhưng cũng đủ để phô bày một thực trạng là khôi phục một trật tự cũ khó khăn đến nhường nào!

Trước hết, cần có quyết tâm, cái này thì lãnh đạo quận có thừa. Ông Phó Chủ tịch tuyên bố, nếu không làm được việc này thì sẽ “cởi áo từ quan”.

Để việc thành công, phải có sự đồng thuận. Dĩ nhiên, nhân dân ủng hộ việc làm đúng đắn này song cũng có nhiều người không thích, bởi đã từ lâu, họ mặc định vỉa hè là sân nhà họ, thuộc chủ quyền của họ, kể cả cơ quan nhà nước.

Muốn có kết quả, ngoài quyết tâm của chính quyền, đồng thuận của xã hội thì phải có lực lượng cần thiết, cho nên gọi là “ra quân” là vì thế.

Bước đầu, đã có kết quả, bởi thấy rõ là việc thiên vị, chiếu cố, “đặc quyền, đặc lợi” đã không xảy ra. Cơ quan nhà nước lấn chiếm vỉa hè cũng bị tháo dỡ, xe biển xanh đỗ trên vỉa hè cũng bị xử lý.

Sự công bằng đơn giản đó mà lâu nay ít có vụ việc nào thực hiện được nên đã thất bại ngay từ đầu, giờ thì việc thiết lập trật tự vỉa hè tiến hành cùng với việc thiết lập trật tự công bằng, tin rằng, sẽ có kết quả tốt đẹp.

Vấn đề là duy trì nó, không để sự tái chiếm vỉa hè xuất hiện, theo kiểu “đánh trống, bỏ dùi” đã thành phương châm xử thế quen thuộc. Cuộc chiến giành lại vỉa hè này không chỉ cho người đi bộ, không chỉ “cho dân” như cách nói thông thường.

Đó là cuộc chiến cho sự công bằng xã hội, không chỉ dừng lại ở lĩnh vực vỉa hè và cũng gian nan như bất kỳ cuộc chiến nào, phải dùng biện pháp mạnh nhưng chớ để phạm luật và phản ứng của người dân.

Nếu cuộc chiến này thắng lợi, ý nghĩa của nó không giới hạn trong lĩnh vực vỉa hè mà còn có tác động tốt cho việc lập lại trật tự, kỷ cương ở các lĩnh vực khác.

Mới đây, tại Hà Nội cũng diễn ra một cuộc chiến “đi tìm sự thật” và cuối cùng thì sự thật đã chiến thắng. Đó là việc một em học sinh ở trường tiểu học bị taxi cán gãy chân khi chiếc xe này chở cô Hiệu trưởng vào trường.

Mặc dù cô Hiệu trưởng đã tìm mọi cách để bưng bít thông tin, làm sai lệch sự thật, kể cả những lời nói dối cũng như sử dụng quyền lực của mình. Đáng buồn là có nhiều người về hùa với cô che giấu sự thật.

Nhưng, đáng mừng là không phải tất cả đều thế, có giáo viên đã vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình để nói lên sự thật, nhờ thế, việc tiếp cận sự thực trở nên dễ dàng hơn.

Dù một sự việc nhỏ nhưng cũng phải mất gần 3 tháng với sự kiên trì, dũng cảm của nhiều người để lòng trung thực được đánh thức và cái xấu, cái ác, cái gian dối phải phơi bày. Trật tự xã hội, kỷ cương đạo lý được giữ vững chính là bởi sự trung thực đó!

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/khong-chi-la-ky-cuong-via-he-d36618.html