Không che giấu lỗ lãi

ANTĐ - Đầu năm 2012, Chính phủ cho biết nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ tái cơ cấu mạnh mẽ, nhưng tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, kế hoạch này đã không được thực hiện đúng lộ trình. Đầu năm 2013, Chính phủ đã tổ chức hội nghị với khu vực kinh tế chủ đạo này. Tại hội nghị quan trọng này, Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta không che giấu, hiệu quả thì nói hiệu quả, lỗ nói lỗ và nguyên nhân vì sao. Làm kinh tế thị trường thì có lãi, có lỗ, thành công và không thành công nhưng phải bảo đảm công khai”.

Đánh giá cao những kết quả của các doanh nghiệp nhà nước trong cân đối vĩ mô, đầu tư hạ tầng, song Thủ tướng cũng nêu rõ một số tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, không hoàn thành kế hoạch. Ông yêu cầu từng đơn vị phải nghiêm túc làm rõ, lỗ có phải do yếu tố vĩ mô hay do nguyên nhân chủ quan, làm trái. Thủ tướng nhấn mạnh tình trạng tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước, chẳng hạn vụ Vinalines, ngoài yếu tố khách quan thì còn do cố ý làm trái đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Người đứng đầu Chính phủ nghiêm khắc chỉ rõ, các chuyên gia và người dân có quyền đặt vấn đề còn Vina nào nữa không? Tuy chỉ xảy ra ở một số doanh nghiệp nhưng đã làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của doanh nghiệp nhà nước. “Nhân dân phê phán là đúng. Làm ăn mà tiêu cực, thua lỗ tiền tỷ như thế thì ai mà không sốt ruột”, ông nói và nhận định những biểu hiện này không thể coi thường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với những nhận xét, đánh giá của Thủ tướng và nhấn mạnh thêm, trong năm 2012 gần 52.000 doanh nghiệp giải thể và phá sản, ngoài việc phải hứng chịu nhiều khó khăn do kinh tế suy giảm, khó tiếp cận nguồn vốn, còn bị bao vây trong “ma trận” của các nhóm lợi ích. Trong báo cáo “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu”, Ủy ban Kinh tế Quốc hội lần đầu tiên đã đưa ra một loạt nhận định về nhóm lợi ích. Theo Ủy ban này, những nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động rất linh hoạt. Lợi dụng tình trạng thiếu công khai, minh bạch, các nhóm lợi ích thường tiếp xúc quan hệ cá nhân liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến ngành tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai. Trên diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu lên tiếng cảnh báo về tác động của các nhóm lợi ích, không chỉ trong một vài năm mà cả trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Vấn đề này đã được tổng hợp, phân tích tại cuộc hội thảo “Nhận diện lợi ích nhóm”, lần đầu tiên vừa được Học viện Chính trị - hành chính Quốc gia tổ chức. Nhận diện nhóm lợi ích là hết sức cần thiết, song quan trọng hơn là ứng xử như thế nào trong công cuộc tái cơ cấu các tổng công ty, tập đoàn, đặc biệt là quản lý chủ sở hữu, giám sát chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 đã được Chính phủ xác định rõ là đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo đó, việc cung cấp thông tin, minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính phải quyết liệt hơn. Không thiếu cơ chế, không che giấu lỗ lãi, phải đảm bảo công khai, minh bạch. Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc có trách nhiệm cung cấp trung thực, kịp thời thông tin về kết quả hoạt động của đơn vị mình.

Đan Thanh

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/van-de-hom-nay/khong-che-giau-lo-lai/483588.antd