Không chấp nhận 'vô hình'

Gạo, cà phê, tiêu… và nhiều loại nông sản khác của Việt Nam đều nằm trong “top” các mặt hàng xuất khẩu với sản lượng lớn ra thị trường thế giới. Thế nhưng, những sản phẩm có thể khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình lại chỉ… đếm trên đầu ngón tay. Theo một con số khảo sát mới nhất, có đến 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài, chỉ có khoảng 140 nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

Nông sản Việt rơi vào nghịch lý: Xuất khẩu sản lượng lớn nhưng giá trị lại vô cùng thấp.

Việc không được quan tâm xây dựng thương hiệu hoặc có thương hiệu rồi nhưng DN lại khá thờ ơ với việc gìn giữ nó khiến cho nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã từng “ghi danh” trên bản đồ thế giới bỗng dưng “biến mất” và xuất hiện dưới nhãn mác của DN ngoại.

Hẳn dư luận xã hội vẫn chưa quên câu chuyện của kẹo dừa Bến Tre hồi năm 1998 đã bị một đối tác làm nhái và đăng ký độc quyền nhãn hiệu nước ngoài. Tiếp đó, năm 2001, hàng loạt DN như Vinataba, Trung Nguyên, Vifon... phát hiện thương hiệu của mình bị đăng ký tại nhiều quốc gia.

Nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, những sản phẩm đặc sản chỉ nghe danh thôi đã biết là “made in Việt Nam”, thế nhưng chính những sản phẩm này cũng đã từng bị DN nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền…

Và rất nhiều sản phẩm trong số các sản phẩm bị “đánh cắp” nói trên như kẹo dừa Bến Tre hay nước mắm Phú Quốc, DN phải vô cùng chật vật mới có thể đòi lại được thương hiệu. Đòi được đã là may, có những tên tuổi DN phải chấp nhận vĩnh viễn mất đi chỉ vì đã quá thờ ơ trước việc gìn giữ thương hiệu.

Nhiều bạn bè quốc tế đánh giá, một trong những điểm hấp dẫn của Việt Nam là có nhiều loại đặc sản mà thế giới không nơi nào có.

Chẳng hạn như nhãn lồng Hưng Yên, bưởi Năm Roi, mỳ Chũ… mỗi vùng miền đều có nhưng đặc sản đặc trưng của vùng miền đó. Thế nhưng trên bản đồ thế giới, hầu như những đặc sản đó của Việt Nam lại không hề hiện diện.

Lý do đơn giản là vì, các sản phẩm của chúng ta khi bán ra thị trường đều không mang thương hiệu của nhà sản xuất mà chỉ là bán dưới thương hiệu của DN thương mại hoặc vô danh. Hầu hết nông sản làm ra đều được nông dân bán thô cho người tiêu dùng trực tiếp hoặc qua tay thương lái hay các công ty thương mại.

Vì vậy, phần lớn giá trị gia tăng của chuỗi giá trị hàng hóa nông sản không nằm trong tay nhà sản xuất - nhà nông, mà thuộc về các đối tượng trung gian.

Tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu đều ở tình trạng như vậy, chúng ta chưa thiết lập được hệ thống chuỗi sản xuất khép kín từ “nông trại đến bàn ăn” một cách chuyên nghiệp. Đây chính là nguyên nhân đẩy nông sản Việt rơi vào nghịch lý: Xuất khẩu sản lượng lớn nhưng giá trị lại vô cùng thấp.

Để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản của Việt Nam, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm là yếu tố có vai trò quyết định.

Bởi, nếu không được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các món đặc sản của Việt Nam muôn thuở sẽ phải chịu “núp bóng” dưới các nhãn hiệu của nước ngoài.

Những gạo Nàng Hương, nếp cái hoa vàng, những cà phê Buôn Ma Thuột, những bưởi Năm Roi, Da Xanh, mỳ Chũ … sẽ mãi chỉ “vô hình” trên bản đồ thế giới.

Câu chuyện bàn về vấn đề xây dựng thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu độc quyền cho các sản phẩm nông sản Việt đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhiều năm nay.

Một yếu tố cốt lõi mà trong bất kỳ cuộc bàn thảo nào cũng đều được nhắc đến, đó là để sản phẩm nông sản Việt Nam khi bước ra thị trường thế giới luôn là những sản phẩm hữu hình chứ không “vô danh”, thì yếu tố tiên quyết chính là phải xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm đó và phải giữ được nó.

Điều này rất cần sự quan tâm của nhà làm quản lý, song nhân tố quyết định nằm ở mỗi DN, nhà sản xuất. Bởi, chỉ khi ý thức được rằng, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, giá trị hàng hóa nông sản của chúng ta khi ra thị trường thế giới mới được nâng cao, lúc đó DN mới có thể hướng đến phát triển bền vững.

Hay nói cách khác, DN khi xây dựng được thương hiệu cho mình chính là giữ được chữ tín – một trong những nguyên tắc bất di bất dịch trong kinh doanh – khi đó mới được coi là DN đã thành công trên thương trường.

Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, “chìa khóa” cho thành công nằm ở thương hiệu. Tạo lập được nó, ngoài việc tạo danh tiếng và nâng được giá trị của sản phẩm trên thương trường, DN còn góp phần thu hút đầu tư và quảng bá du lịch cho những sản phẩm mà ghi được dấu ấn trên bản đồ thế giới.

Đơn cử như, người nước ngoài khi biết đến sản phẩm nước mắm Phú Quốc, chắc chắn khi đến Việt Nam họ sẽ hỏi sản phẩm nước mắm Phú Quốc ở đâu.

Một số liệu thống kê của Bộ Công thương cho biết, từ khi nước mắm Phú Quốc khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thế giới, cụ thể là tại thị trường châu Âu (năm 2013), đến nay số lượng sản phẩm bán ra tại thị trường này đạt xấp xỉ 500.000 lít.

Chưa dừng lại ở đó, nhờ việc có xác nhận xuất xứ rõ ràng, các doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tăng xuất khẩu nước mắm Phú Quốc sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Australia, Canada…

Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải “chuẩn hóa” các khâu trong chuỗi sản xuất nông sản, từ khâu xác định giống, đến vùng sản xuất để từ đó xây dựng thương hiệu, nâng tầm cho nông sản Việt Nam.

Và khi đã xây dựng được thương hiệu, bước tiếp theo là phải bảo vệ, giữ thương hiệu như thế nào để không bị mất đi giống như một số thương hiệu nông sản mà chúng ta đã từng đánh mất. Có thể những bước đi từ “vô hình” đến “hữu hình” của nông sản Việt Nam là rất khó khăn, song đó là các bước phải làm và phải làm bằng được (!)

Duy Phương

Từ khóa

thương hiệu vô hình xây dựng doanh nghiệp thờ ơ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/khong-chap-nhan-vo-hinh/138892