Không cẩn thận sẽ rơi xuống 'hố'!

Tại phiên khai mạc Kì họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cho biết để tái cơ cấu kinh tế 2016- 2020 thì cần tới 10 triệu tỷ đồng. Để có được con số này cho Đề án tái cơ cấu, sẽ phải huy động các nguồn lực khác nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu chỉ dừng lại ở câu chuyện “huy động nguồn lực” thì thật khó khả thi vì khả năng huy động nguồn lực của nền kinh tế nước ta đang hết sức hạn chế. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Cùng với huy động, điều quan trọng hơn là phân bổ lại nguồn lực và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả để khơi thông các dòng chảy của nền kinh tế. Còn nếu cứ đi huy động mãi thì chúng ta sẽ xuống hố chứ không phải là sẽ bay lên nữa”.

Con số 10 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu kinh tế sẽ không chỉ lấy từ ngân sách mà sẽ được huy động từ rất nhiều nguồn lực khác. Dự kiến Nhà nước sẽ đảm nhận một phần ba, còn lại huy động từ các nguồn lực xã hội khác. Việc huy động nguồn lực cho tái cơ cấu kinh tế là cần thiết bởi sẽ khó có thể làm gì nếu không có “tiền tươi thóc thật”. Tất nhiên, việc sử dụng nguồn lực nhà nước chỉ được áp dụng “trong một số ít trường hợp” để thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Nhưng quan điểm huy động nguồn lực của Chính phủ là “hạn chế tối đa việc huy động các nguồn lực bổ sung từ ngân sách nhà nước để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế”. Do đó, trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế được Bộ trưởng trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nêu trọng tâm là phân bố lại và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hiện có, sau đó mới tính đến việc huy động các nguồn lực xã hội. Việc huy động nguồn lực chỉ đứng hàng thứ yếu, nhất định không phải là ưu tiên hàng đầu để tái cơ cấu nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trên thực tế, tư duy huy động nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế hiện đang không còn phù hợp. Bởi lẽ, nếu cứ tiếp tục huy động thêm trong khi sử dụng nguồn lực kém hiệu quả, lãng phí sẽ không những không làm cho thịnh vượng quốc gia tăng thêm, mà còn làm xói mòn nguồn lực quốc gia, kéo giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phân tích cụ thể vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, vấn đề bây giờ không phải là huy động nguồn lực, mà quan trọng hơn là phân bổ lại để sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có.

Ông cho rằng việc huy động nguồn lực của Việt Nam hiện đang ở mức cao, đặc biệt là có tới 400 tỷ USD đang nằm trong khu vực Nhà nước nhưng lại không được sử dụng hiệu quả, nếu chỉ mải mê huy động, nền kinh tế sẽ xuống hố chứ không phải là sẽ bay lên. “Cùng với huy động, điều quan trọng hơn là phân bổ lại nguồn lực và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả để khơi thông các dòng chảy của nền kinh tế. Còn nếu cứ đi huy động mãi thì chúng ta sẽ xuống hố chứ không phải là sẽ bay lên nữa!”, ông Cung cảnh báo.

Việc phân bố và sử dụng nguồn lực như thế nào mới có hiệu quả được cũng là chuyện không mới nhưng luôn “nóng”. Quan điểm của TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng, hiện nay cơ chế phân bố nguồn lực của chúng ta phần lớn vẫn là cơ chế hành chính xin – cho, trong khi thị trường đóng vai trò rất thứ yếu. Muốn thay đổi lại phân bố nguồn lực trước tiên phải xây dựng lại thể chế phân bố nguồn lực, trọng tâm là cải cách những thể chế của thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường vốn, đất đai, lao động và thị trường khoa học công nghệ…để những thị trường đặc biệt là đất đai và tài nguyên khoáng sản phải đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong phân bố và sử dụng nguồn lực. Đặc biệt là chúng ta phải lấy giá của các yếu tố này là giá thị trường, không phải giá do quyết định hành chính xin – cho tạo nên.

Đồng quan điểm đó, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, để tái cơ cấu hiệu quả, cần thay đổi cách làm. Cụ thể cần thay đổi cấu trúc thị trường, cơ cấu doanh nghiệp, ngành nghề đi cùng với sự thay đổi của cả cấu trúc của bộ máy điều hành. Trong tái cơ cấu, mục tiêu cốt lõi là thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực. Cốt lõi của quá trình tái cơ cấu không phải là câu chuyện cổ phần hóa được bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước. Quan trọng hơn cả chính là phải để các nguồn lực chuyển sang theo cơ chế thị trường.

Các chuyên gia kinh tế thời gian qua đồng loạt lên tiếng đưa ra những lời giải gỡ khó cho vấn đề tái cơ cấu kinh tế. Tuy vậy, để thành công, sự tổng lực của cả hệ thống chính trị, mọi lực lượng xã hội vẫn là điều rất quan trọng. Tại phiên thảo luận tổ về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế sáng 22/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Cần phải có quyết tâm chính trị rất cao mới có thể tái cơ cấu thành công. Bởi không quyết tâm chính trị cao thì vẫn là cách làm cũ, không ăn thua, kém hiệu quả”.

Hà Vân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/khong-can-than-se-roi-xuong-ho/