Không bắt buộc nộp phạt trực tiếp cho CSGT

Về việc tổ chức, cá nhân bị vi phạm có thể nộp phạt trực tiếp cho cảnh sát giao thông, đại diện Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho rằng quy định trong Thông tư không mang tính bắt buộc. Nếu muốn, người vi phạm vẫn có thể ra Kho bạc nộp như quy định hiện hành.

Nộp phạt trực tiếp làm tăng tiêu cực của cảnh sát giao thông?
Như VnMedia đã có bài phản ánh về việc Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo kế hoạch, sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp, cơ quan soạn thảo sẽ điều chỉnh cho phù hợp nhất để tháng 6/2014 sẽ trình Bộ trưởng Bộ Công an ký, ban hành.

Ảnh minh họa

Kiểm tra lại các quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính cho thấy việc người vi phạm có thể nộp phạt trực tiếp tại chỗ không phải là điều mới mẻ. Bởi, tại Khoản 2, Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định: “tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt.
Trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt.
Mọi trường hợp thu tiền phạt, người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt”.
Còn tại Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản cũng quy định rất rõ:
Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.
Điểm c, Khoản 1, Điều 10, Nghị định 81/2013/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 56, Khoản 2 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính…
Nghị định 171/2013/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, tại Điều 70 “Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân” đã quy định rất chi tiết thẩm quyền xử phạt của từng cấp, từ chiến sĩ CAND đang làm nhiệm vụ tới cục trưởng Cuc CSGT, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc TW, như: Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt.
Trạm trưởng, Đội trưởng của người quy định tại Khoản 1 Điều này có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 1.200.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 1.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt.
Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 2.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt…
Sau khi thu tiền phạt, CSGT sẽ phải nộp cho Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Khoản 3, Điều 4 Thông tư số 153/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, đó là “Người có thẩm quyền thu tiền phạt trực tiếp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP phải lập bảng kê biên lai thu tiền phạt và nộp toàn bộ số tiền đã thu vào Kho bạc Nhà nước theo thời gian quy định tại khoản 2 Điều 69, khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không khi thực hiện thu phạt theo điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP phải nộp toàn bộ số tiền đã thu vào Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.
Kho bạc Nhà nước tổ chức rà soát, đối chiếu để bảo đảm khớp đúng giữa tổng số tiền thực nộp của người có thẩm quyền thu tiền phạt trực tiếp với tổng số tiền tính theo số biên lai thu tiền phạt in sẵn mệnh giá đã sử dụng hoặc tổng số tiền tính theo các liên biên lai lưu tại cuống biên lai đối với loại không in sẵn mệnh giá nộp cùng với bảng kê”.
Như vậy, với nội dung tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt tại dự thảo Thông tư đang được lấy ý kiến rõ ràng chỉ như Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt nói: "Thông tư này là tạo điều kiện cho người dân, nhất là ở các nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi mà điều kiện đi lại còn khó khăn. Quy định trong Thông tư cũng không bắt buộc người vi phạm phải nộp tiền trực tiếp mà nếu muốn, người vi phạm vẫn có thể ra kho bạc nộp như quy định hiện hành".

Trúc Dân

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/doi-thoai/van-de-hom-nay/426_2168875/khong_bat_buoc_nop_phat_truc_tiep_cho_csgt.html