Không ai cổ súy cho sự bát nháo của ngôn ngữ biển hiệu

Chia sẻ quan điểm về những cái tên ghi trên biển hiệu cửa hàng, tên các tòa cao ốc, các khu đô thị mới..., PGS.TS. Trịnh Cẩm Lan – Phó Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Các nhà ngôn ngữ học không ai cổ súy cho hiện tượng bát nháo biển hiệu hiện nay.

Thưa bà, những người làm ngôn ngữ học hẳn cũng “dị ứng” trước những cái tên “sính ngoại” của các tòa nhà, khu đô thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, đặc biệt là những biển hiệu dùng từ ngữ "gây sốc”?

Thưa bà, những người làm ngôn ngữ học hẳn cũng “dị ứng” trước những cái tên “sính ngoại” của các tòa nhà, khu đô thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, đặc biệt là những biển hiệu dùng từ ngữ "gây sốc”?

- Xét về khía cạnh sử dụng ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học hoàn toàn không ủng hộ sự hỗn loạn của ngôn ngữ biển hiệu hiện nay. Ngôn ngữ biển hiệu bây giờ quả thật là... loạn. Cái loạn này không phải đến nay mới xuất hiện, 10 – 15 năm trước đã có tình trạng đó. Đã có một số nhà ngôn ngữ học quan tâm nghiên cứu vấn đề này. Với tư cách là một cơ sở đào tạo, chúng tôi cũng đã từng hướng dẫn sinh viên làm những đề tài như vậy để các em cơ hội quan sát, nghiên cứu thực tế sử dụng tiếng Việt. Kết quả cho thấy biển hiệu bây giờ có xu hướng phát triển rất đa dạng, thậm chí hỗn loạn đến mức khó kiểm soát. Có những biển hiệu "gây sốc” với nhiều kiểu như sử dụng từ ngữ "gây sốc", thậm chí cố tình viết sai. Đặc biệt, biển hiệu sử dụng tiếng nước ngoài giờ đây đang tràn lan khắp các không gian đô thị, thậm chí có cả những biển hiệu viết tiếng nước ngoài mà cả Tây lẫn ta đều không hiểu... Rồi những khu đô thị mới, tòa cao ốc, trung tâm thương mại thì thường mang những cái tên chứa những thành tố như “garden”, “sky”, “peace”… Thật ra, xét về nguyên tắc định danh, các nhà ngôn ngữ học giải mã rằng, bao giờ người đặt tên cũng gửi gắm vào đó một thông điệp, đôi khi là một ước nguyện nào đó. Chẳng hạn, những thành tố mà tôi vừa nêu đôi khi là sự biểu hiện ước nguyện về một không gian xanh, một bầu trời xanh hay một sự bình yên cho cuộc sống. Chỉ có điều, hình như hiện tượng dùng chữ ngoại trong việc định danh dường như đang bị lạm dụng.

Tôi nghĩ cái cốt lõi của sự hỗn loạn này chính là xuất phát từ mục đích và nhu cầu của ông chủ DN mà thôi. Người ta muốn thu hút khách hàng, muốn tạo cho khách hàng một tiêu điểm để tìm đến. Mà thường thì để thu hút về mặt ngôn ngữ phải có gì đó đặc biệt, vậy nên người ta cố tình dùng chữ phá cách, không theo chuẩn. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng loạn ngôn ngữ biển hiệu rất phản cảm hiện nay.

Hình như tình trạng loạn ngôn ngữ trên biển hiệu này chỉ có ở Việt Nam?

- Tôi đã có cơ hội tới một số nước. Quả là phần lớn các nước đều sử dụng ngôn ngữ của họ trên biển hiệu, đó được xem là quy định của luật pháp và tất cả mọi người đều tự giác chấp hành một cách nghiêm túc. Riêng biển hiệu ở Việt Nam thì... không. Ví dụ, trên đường phố Paris, nếu ai đã quen với kiểu dùng ngôn ngữ trên biển hiệu ở Việt Nam, thoạt nhìn có lẽ sẽ cảm thấy có gì đó rập khuôn, cứng nhắc. Rất ít biển hiệu không sử dụng tiếng Pháp, có những biển hiệu viết tiếng Anh nhưng tiếng Pháp vẫn là chủ đạo. Những thông tin quan trọng nhất, cần thiết nhất vẫn là ngôn ngữ bản địa của họ. Thậm chí cả màu sắc, cách thức cũng được quy định chặt chẽ. Hay đi trên đường phố Seoul, chữ Hàn không phải ai cũng đọc được, nhưng người Hàn Quốc nhất quyết chỉ dùng tiếng Hàn, rất ít biển hiệu viết bằng tiếng Anh. Đặc biệt là những biển chỉ dẫn giao thông, tôi rất ngạc nhiên khi tất cả các ngã tư, đường phố, thỉnh thoảng lắm mới nhìn thấy những chữ kiểu như “slow down”. Thậm chí tiếng Hàn phiên âm sang tiếng Latin cũng rất ít gặp. Người nước ngoài mới đến thường cảm thấy khó chịu, nhưng sau những bất tiện ban đầu chợt nhận ra đó là một nét văn hóa. Người ta tuân thủ pháp luật, biểu hiện tính kỷ luật, biểu hiện sự tôn trọng luật pháp bằng những việc làm như vậy. Ẩn dưới những hành vi đó là bản sắc văn hóa của đất nước họ, và sâu hơn, đó là lòng tự tôn dân tộc.

Nhưng có người nói rằng, để thu hút khách du lịch và phát triển du lịch, thì sử dụng tiếng nước ngoài trên biển hiệu là điều cần thiết?

- Tôi có quan sát một số khu phố có hiện tượng biển hiệu “sính ngoại” như vậy. Như khu Trung Hòa – Nhân Chính chẳng hạn, gần như có thể gọi là “Seoul thu nhỏ”, hay đường Nguyễn Thị Định, có lẽ trên 50% là biển hiệu tiếng Hàn. Có lẽ những chủ cửa hiệu đặt biển hiệu tiếng Hàn là họ đang muốn thu hút những khách hàng mục tiêu, bởi tỷ lệ người Hàn Quốc ở những khu phố đó rất cao. Cũng giống như người Trung Quốc, đi đến đâu cũng tạo ra những khu phố thương mại đặc trưng kiểu “China Town”. Đã đành họ muốn giữ bản sắc và thể hiện tính cộng đồng của họ, nhưng mặt khác từ phía mình, với tư cách là chủ nhà thì lại không giữ được bản sắc. Người ta cứ lấy lý do để phục vụ du lịch, nhưng đó chỉ là cách giải thích. Nghe qua thì tưởng hợp lý, nhưng ngẫm ra thì đó chỉ là sự bao biện. Tính mục đích, đối tượng khách hàng mục tiêu mà các ông chủ hướng tới đôi khi đã vô tình khiến họ quên rằng họ là ai, họ đang ở đâu, và điều đó có thể khiến họ làm mất đi bản sắc văn hóa của đất nước mình.

Đối với những ông chủ kinh doanh người nước ngoài thì vấn đề ở đây là “nhập gia tùy tục”. Vào một gia đình người ta còn phải nương theo lề lối gia phong của gia đình đó, nữa là vào một đất nước. Mà rõ ràng, người châu Á mình rất đề cao chuyện đó. Đồng nghĩa, khi DN nước ngoài vào nước mình, cần tuân thủ theo “tục” đó. Song bản thân người Việt chủ nhà cũng phải “giữ mình” bởi nếu không, khó có thể bắt người nước ngoài “nhập gia tùy tục”.

Vậy, theo bà, các biển hiệu hiện nay cần phải được “ứng xử” thế nào cho hợp lý?

- Phải nói rằng, Luật Quảng cáo rất rõ ràng và “mở”, có khuynh hướng giữ gìn bản sắc Việt, nhưng hoàn toàn không bó buộc sự hội nhập. Ví dụ, biển quảng cáo phải viết bằng tiếng Việt, nhưng không cấm chú thích bằng tiếng nước ngoài. Và tất cả tên liên quan đến thương hiệu thì cho phép giữ nguyên. Ví dụ như Protec, Viglacera..., tất cả nhãn hàng, nhãn hiệu liên quan đến thương hiệu đều được phép giữ. Điều đó có nghĩa là luật đã tính đến cả bản sắc Việt lẫn khả năng hội nhập, và cũng tính đến cả việc bảo vệ quyền lợi của DN. Luật như thế là hợp lý, chỉ cần áp dụng được tốt thì ngôn ngữ biển hiệu sẽ quy chuẩn và không bị rơi vào tình trạng bát nháo như hiện nay. Thêm vào đó, cần có thêm những thông tư dưới luật quy định biển hiệu cần đưa thêm những thông tin gì về sản phẩm, về DN... để biển hiệu không chỉ được chuẩn hóa về mặt hình thức ngôn ngữ, mà còn “ổn” cả về mặt nội dung.

Luật Quảng cáo cũng cần được phổ biến rộng rãi hơn và các cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra việc áp dụng luật đó một cách chặt chẽ, thường xuyên hơn mới có thể định hình lại được bộ mặt biển hiệu, cũng có nghĩa là bộ mặt đô thị. Thậm chí, nếu cần, có thể làm mạnh tay, như là “cách mạng” chẳng hạn. Theo đó, những biển hiệu nào không đúng quy định của Luật Quảng cáo, có thể yêu cầu dỡ bỏ, làm lại. Biết là sẽ động chạm đến nhiều vấn đề, nhưng nếu quyết tâm thì tôi cho rằng vẫn có thể làm được. Có như vậy mới hy vọng “cứu” ngôn ngữ biển hiệu ra khỏi tình trạng hiện nay.

Còn về phía các nhà ngôn ngữ học, chắc chắn không ai cổ súy cho sự hỗn loạn của ngôn ngữ biển hiệu hiện giờ. Sự hỗn loạn này cần phải chấn chỉnh, nếu không sẽ làm ảnh hưởng tới bộ mặt của Thủ đô, tới việc quảng bá, thu hút và phát triển du lịch, và sâu hơn, ảnh hưởng tới bản sắc văn hóa Việt và lòng tự tôn dân tộc.

Xin cảm ơn bà!

Nhật Minh (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khong-ai-co-suy-cho-su-bat-nhaocua-ngon-ngu-bien-hieu-273888.html