Khôn và dại

(ANTĐ) - - Hầu như ai cũng công nhận rằng, thời buổi này trẻ con khôn hơn ngày trước nhiều. Lớp trẻ cũng lanh lợi, nhanh nhẹn và khôn hơn lớp già chúng ta. Chỉ trong hơn chục năm mà khôn hơn mình sống cả đời.

- Không nhớ câu “Người khôn của khó” sao? Cái gì bây giờ cũng đắt, cũng khó kiếm chẳng rẻ và dễ dàng như thời trước, cho nên người ta phải khôn ranh hơn, lọc lõi hơn chứ. Vả lại “Con hơn cha là nhà có phúc”. Thế hệ con cháu mà khấm khá hơn ông cha là “hồng phúc”, đáng mừng chứ. - Chục người khôn nhưng cũng có cả trăm người dại. Ai cũng muốn khôn cả thì làm gì có kẻ dại? Ông không thấy bao người nhẹ dạ, cả tin bị sập bẫy lừa đảo tiền bạc, đất đai, nhà cửa và bẫy tình đó sao? - Cái sự khôn và dại thật khôn lường. Ông cha ta từng dạy “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà” hoặc “Thật thà là cha mánh khóe”. Khôn ngoan chứ đừng khôn ranh, khôn kiểu ăn người với đồng nghiệp, đồng loại. - Chính thế nên các cụ mới khuyên “Khôn nhà dại chợ” tức là “Khôn ăn người, dại người ăn”. Mấy năm nay “ông hàng xóm” phương Bắc luôn chơi những trò khôn ranh như thu mua ồ ạt long nhãn, dưa hấu, cau khô, rồi mùa sau đột ngột dừng, khiến hàng nghìn nông dân đổ đi, “chết đứng”. - Nghe đâu họ còn thu mua từ lợn đến tôm cá, hồi trước còn mua cả móng trâu bò, gốc chè cổ thụ. Chẳng biết để làm gì, thế mà dân ta cứ lao vào chẳng cần biết lợi hại, thiệt hơn ra sao. - Chung quy cũng là bởi nghèo quá, thấy kiếm được ít tiền là hoa mắt, không biết cái mưu đồ thâm độc, mượn tay mình để phá mình của họ. Trong khi đó, mình lại không có một vài người khôn ngoan, tỉnh táo chỉ ra cái dại để mình tránh xa. - Có câu “Khôn sống mống chết” nhưng thực ra đa phần người ta chỉ biết khôn ranh quanh quẩn để “ăn người” mình với nhau, còn với những kẻ ngoài xảo quyệt, ma mãnh thì lại rất dại khờ. - Lại có câu “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Chẳng lẽ cứ dại mãi, dại cả đời mà không có được một ngày khôn.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/giai-tri/khon-va-dai/404375.antd