Khốn khổ vì thủy điện Đắk Mi 4

Việc thủy điện Đắk Mi 4 xả nước để phát điện khiến công trình cầu chìm bắc qua sông Trường 5 lần bị cuốn trôi đê quai, thi công đình trệ, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Mới đây, các hộ dân ở thôn 2, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam gửi đơn đến cơ quan chức năng, phản ánh việc thi công cầu bắc qua sông Trường bị đình trệ, gây cản trở việc đi lại.

Tắc đường qua sông

Theo phản ánh của người dân thôn 2, từ khi thủy điện Đắk Mi 4 (đóng tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) đi vào hoạt động năm 2012, cuộc sống của họ bị đảo lộn.

Ông Trần Minh (53 tuổi, ngụ thôn 2) cho biết khi chưa có thủy điện Đắk Mi 4, nước sông Trường rất cạn nên người dân và xe cộ từ bên kia Quốc lộ 14E có thể băng qua sông Trường để sản xuất, vận chuyển hàng hóa một cách dễ dàng. Từ khi thủy điện đi vào hoạt động đến nay, người dân phải canh chừng giờ hoạt động của thủy điện để sang sông bởi thủy điện xả nước phát điện thì dòng chảy rất xiết, hết sức nguy hiểm. Đã từng xảy ra vụ việc thương tâm, một cán bộ ở địa phương trong lúc dùng ghe đưa người dân sang bên kia sông thì bất ngờ ghe bị nước từ thủy điện đổ đánh chìm. Tai nạn khiến 1 người đi trên ghe tử vong, còn vị cán bộ sau đó bị truy tố trước pháp luật.

Do chưa có cầu bắc qua sông Trường, người dân mạo hiểm dùng săm ô tô để sang sông

Từ năm 2012, người dân địa phương đã nhiều lần làm đơn kiến nghị chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 xây cầu cho dân. Mãi đến năm 2014, dự án mới được lập với thiết kế xây dựng chiếc cầu chìm 6 nhịp bắc qua sông Trường. Đến tháng 4-2016, đơn vị thi công mới bắt tay xây dựng nhưng sau khi hoàn thành 1 mố và 2 trụ cầu thì bỏ dở công trình cho đến nay.

Theo ông Trần Định, Trưởng thôn 2, hiện có khoảng 500 ha đất trồng keo và cao su của người dân trong thôn ở bên kia sông Trường. Nay rừng trồng của người dân đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không thể khai thác, vận chuyển đưa đi tiêu thụ vì không có cầu.

Dưới xây cầu, trên xả nước

Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Sông Trà, khẳng định chủ đầu tư thủy điện Đắk Mi 4 hứa xây cầu cho người dân địa phương nhưng đã làm không đến nơi đến chốn. UBND xã Sông Trà nhiều lần kiến nghị UBND và HĐND huyện Hiệp Đức có biện pháp can thiệp để chủ đầu tư sớm hoàn thành cầu cho người dân.

Về việc này, UBND huyện Hiệp Đức cho biết đã có văn bản gửi đến các cấp cũng như phản ánh trực tiếp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Tại văn bản trả lời ý kiến cử tri mới đây, UBND huyện Hiệp Đức cũng cho rằng nguyên nhân cây cầu thi công dở dang là do thủy điện xả lũ khiến hệ thống đê quai nhiều lần bị cuốn trôi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, công trình cầu chìm bắc qua sông Trường có tổng vốn đầu tư 3,8 tỉ đồng, do Công ty CP Thủy điện Đắk Mi (chủ Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4) làm chủ đầu tư, Chi nhánh Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đường Việt (đóng tại Quảng Nam) thiết kế, Công ty CP Xây dựng thủy điện Miền Nam thi công.

Trước phản ánh của người dân, ông Đinh Hữu Tấn, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Mi, xác nhận trong chiều 14-8, ông đã có buổi làm việc với Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam và đơn vị tư vấn thiết kế để xem xét lại thiết kế công trình trên. Ông Tấn giải thích sở dĩ công trình bị chậm tiến độ là do đê quai bị trôi đến 5 lần.

Theo ông Tấn, trước đây, theo tính toán thì việc thi công cây cầu sẽ diễn ra trong mùa nắng, lúc đó thủy điện chỉ phát 1 tổ máy. Nhưng từ tháng 11-2016 đến nay, mưa xảy ra thường xuyên và nước đổ về hồ thủy điện nhiều nên thủy điện phải phát 2 tổ máy để "tránh lãng phí tài nguyên nước". Và cứ mỗi lần thủy điện xả nước thì đê quai lại bị cuốn trôi.

"Giờ chúng tôi quyết định bỏ thêm tiền thay đổi thiết kế, sẽ làm đê quai bằng rọ đá chứ không đổ đất đơn giản như trước kia. Kè bằng rọ đá thì phát 2 tổ máy vẫn thi công vô tư" - ông Tấn nói và cam kết sẽ thi công trở lại sau mùa mưa lũ năm nay, thời gian thi công khoảng 4-5 tháng.

Lo cho lợi ích doanh nghiệp

Theo tính toán, mỗi năm, thủy điện Đắk Mi 4 thu về khoảng 700 tỉ đồng. Khi được hỏi vì sao thủy điện không "hy sinh" lợi ích, dừng xả nước để phát điện khoảng 1 tháng hoặc chỉ phát 1 tổ máy để thi công phần mố, trụ cầu, ông Đinh Hữu Tấn nói điều đó là không được vì việc phát điện còn phụ thuộc nhiều yếu tố, như phục vụ lưới điện quốc gia, phục vụ nông nghiệp và quan trọng nhất là phải tận thu nước. "Nguyên tắc của thủy điện là tận thu hết nước trong hồ trước khi mùa lũ đến. Khi lũ về, vừa đón lũ vừa tiết kiệm tài nguyên. Nếu dừng máy, hồ đầy, khi lũ về phải xả hết ra ngoài biển lãng phí tài nguyên, sẽ thiệt hại lớn đến lợi ích doanh nghiệp" - ông Tấn phân trần.

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/khon-kho-vi-thuy-dien-dak-mi-4-20170814222942708.htm