Khốn khổ vì giấy phép con và... kiểm duyệt

Từ ngày 1/7/2016, các quy định về điều kiện kinh doanh sẽ được áp dụng theo Luật Đầu tư năm 2014.

- Điện ảnh mong được “cởi trói”:

Cảnh nóng trong phim “Bi đừng sợ”

Theo đó, danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ được rà soát, loại bỏ. Liệu các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh có được “cởi trói”?

Ngoài giấy phép kinh doanh của Sở Kế hoạch & Đầu tư, các DN sản xuất phim còn phải có giấy phép sản xuất kinh doanh phim do Cục Điện ảnh cấp. Để làm giấy phép này, các DN phải đăng kí quỹ 1 tỷ đồng, phải được kiểm tra tài chính.

Chóng mặt lo giấy phép

Sản xuất phim là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định trong Phụ lục 4 của Luật Đầu tư. Theo đó, để sản xuất một bộ phim, DN cần phải có giấy phép từ Sở Kế hoạch & Đầu tư và Cục Điện ảnh.

Bên cạnh đó, theo Luật Điện ảnh thì các nhà làm phim còn bị kiểm duyệt phim trước khi phát hành. Đáng lưu ý những quy định của pháp luật hiện hành về các nội dung trên còn khá mập mờ dẫn tới các DN trong lĩnh vực điện ảnh luôn kêu khó.

Về việc thực hiện Luật Đầu tư 2014 của Bộ VH, TT&DL, trao đổi với Báo Giao thông, ông Hồ Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ VH,TT&DL) cho biết, Bộ đang rà soát những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý, trong đó có lĩnh vực sản xuất phim, đề xuất lên Chính phủ để bỏ.

Ông Phạm Văn Hải, Giám đốc Hãng phim Phú Hải cho biết: “Hiện nay, ngoài giấy phép kinh doanh của Sở Kế hoạch & Đầu tư, các DN sản xuất phim còn phải có giấy phép sản xuất kinh doanh phim do Cục Điện ảnh cấp. Đây là một loại giấy phép tương tự như giấy phép con, giấy phép đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim. Để làm giấy phép này, các DN phải đăng kí quỹ 1 tỷ đồng, phải được kiểm tra tài chính. Bên cạnh đó, còn phải có hồ sơ chứng minh đạo diễn, biên kịch có chuyên môn. Nếu không được Cục Điện ảnh đồng ý, DN sẽ không được phép sản xuất kinh doanh phim.

Gần đây, trong giấy phép sản xuất phim, ngoài Cục Điện ảnh, Sở Phòng cháy, chữa cháy TP HCM còn yêu cầu thêm giấy đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy phim, trong khi thực tế không phải phim nào cũng dùng vật liệu nổ. Hệ quả là thời gian, chi phí của DN bị đội lên khá nhiều.

Cần phải rõ ràng hơn

Đạo diễn Charlie đưa ra ý kiến về Luật Điện ảnh cần phải rõ ràng và chi tiết hơn nữa. Nếu như cấm bạo lực thì nói rõ bạo lực là như thế nào, cảnh đấm đá, chém giết tới đâu là vừa, rồi phản cảm là như thế nào, cảnh sex không được kéo dài quá bao nhiêu phút, không được lộ bộ phận nào trên cơ thể...

Đặt vấn đề này với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, thành viên của Hội đồng duyệt phim Quốc gia, ông cho hay: “Khi chúng tôi duyệt phim sẽ không bàn đến chuyện phim đó tốt hay dở mà chỉ xem phim đó có vi phạm luật hay không thôi. Cụ thể như: Cấm sexy, cấm hở hang, không có vi phạm gì về phong tục văn hóa và con người Việt Nam”.

Các nước trên thế giới sẽ phân loại phim theo độ tuổi, thông thường có các mức 13, 16, 18. Và một nguyên tắc tối cao mà các nước áp dụng là sau 18 tuổi thì việc anh xem phim gì là việc của anh, anh đã bình đẳng như tôi trong việc chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật.

Ngoài ra, Hội đồng phân loại phim ảnh của các nước thường có sự tham gia của đại diện các tổ chức dân sự như hội phụ huynh, hội giáo viên…

Nhà sản xuất phim hoàn toàn có thể khiếu nại quyết định áp nhãn phân loại của hội đồng và hai bên đưa ra các bằng chứng thuyết phục để bảo vệ quan điểm của mình”.Đạo diễn Phan Đăng Di

Thực tế, quy chế duyệt phim và những hành vi bị cấm căn cứ theo Luật Điện ảnh và Thông tư số 12 nhưng cái khung ấy còn chung chung và không theo kịp sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà cũng như trình độ thưởng thức của khán giả. Tại Thông tư số 12/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim ban hành kèm theo Quyết định số 49/2008 quy định.

Tại tiêu chí khỏa thân đối với loại phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng (P) là: “Không chấp nhận các hình ảnh khỏa thân, trừ trường hợp hình ảnh khỏa thân phần trên của nam giới, khỏa thân phần trên phía sau của nữ giới không liên quan đến tình dục, không có các hình xăm phản cảm”. Cái khó là: Đạo diễn cũng như NSX phim rất khó hiểu cụm từ “khỏa thân không liên quan đến tình dục; hình xăm phản cảm”…

Hay, trong Thông tư 12/2015 có đưa ra một số khái niệm “Thời lượng kéo dài” là khoảng thời gian mà hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh thể hiện trong phim nhiều hơn mức cần thiết. Và khái niệm trên cũng như đánh đố người đọc. Vì như thế nào là “nhiều hơn mức cần thiết”? Liệu “mức cần thiết” của khán giả là bao nhiêu? Mọi lứa tuổi có “mức cần thiết” giống hay bằng nhau không?

Tiêu chí thế giới rõ ràng, chặt chẽ

Trên thế giới, kiểm duyệt phim đều dựa trên các tiêu chí rõ ràng, chặt chẽ. Hiện đã có 124 nước áp dụng tiêu chí phân loại phim. Các nước có nền điện ảnh tiên tiến đều có bảng phân loại phim rất chi tiết, từ 13, 16, 18 đến 21 tuổi. Việc phân loại này cân nhắc rất kĩ đến tâm lý lứa tuổi người xem. Căn cứ vào tiêu chí phân loại đưa ra, các nhà sản xuất phim làm phim phù hợp từng đối tượng. Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (Motion Picture Association of America - gọi tắt là MPAA) đưa ra hệ thống phân loại phim trên toàn nước Mỹ theo các cấp độ khác nhau.

Nhìn sang cách Hong Kong phân loại phim gồm các mức: I (Phổ biến)- IIA (Không phù hợp với trẻ em), IIB (Không phù hợp với thiếu niên và trẻ em), III (Chỉ dành cho người trên 18 tuổi). Trong 4 phân cấp, cấp I, IIA và IIB chỉ là một sự khuyến cáo và không đưa ra hình phạt. Riêng phim cấp III được quản lý chặt chẽ, người xem phim cũng như người bán vé sẽ bị xử lý theo pháp luật nếu cho phép người dưới 18 tuổi vào rạp. Các cửa hàng băng đĩa cũng sẽ bị phạt nếu bán phim cấp III cho người dưới 18 tuổi. (Còn nữa)

Phạm Lý

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/khon-kho-vi-giay-phep-con-va-kiem-duyet-d157357.html