Khỏi trĩ nhờ khâu triệt mạch và dùng thuốc

Các bác sĩ BV Y học cổ truyền T.Ư vừa phẫu thuật khâu triệt mạch trĩ cho một bệnh nhân bị trĩ độ IV. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, đỡ đau, dù không cắt nhưng búi trĩ đã co vào trong.

Đau nặng vì trĩ

Bệnh nhân là Nguyễn Đức H, 35 tuổi, ở Hà Nội, vào viện ngày 18/4/2017 trong tình trạng đau nhiều ở hậu môn, đi ngoài ra máu, búi trĩ sa hoàn toàn ra ngoài. Kết quả khám cho thấy: Bệnh nhân bị trĩ độ IV, thể vòng, có chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, với mục đích điều trị bảo tồn, các bác sĩ đã không cắt bỏ búi trĩ mà sử dụng phương pháp khâu triệt mạch trĩ dưới sự hướng dẫn của siêu âm Doppler kết hợp với dùng thuốc y học cổ truyền (YHCT). Sau mổ một ngày, tình trạng bệnh nhân đã khá hơn, búi trĩ co hẳn vào trong hậu môn.

Khỏi trĩ nhờ khâu triệt mạch và dùng thuốc

TS.BS Lê Mạnh Cường, Trưởng khoa Ngoại, phó giám đốc BV Y học cổ truyền T.Ư cho biết, không như những bệnh lý khác (ví như đau viêm ruột thừa), chỉ phẫu thuật cắt ruột thừa viêm là xong. Bệnh nhân mắc trĩ dù được phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ thì vẫn chưa giải quyết được vấn đề nguyên nhân gây bệnh, bệnh vẫn có khả năng tái đi tái lại do căn nguyên của bệnh chưa được giải quyết. Tỷ lệ tái phát tùy thuộc vào trình độ, kỹ năng của bác sĩ và từng phương pháp điều trị. Mới đây, BV Y học cổ truyền Trung ương đã cử chuyên gia đi học ở Ý và về triển khai phương pháp Khâu triệt mạch trĩ, kết hợp với dùng thuốc YHCT. Kết quả cho thấy: Bệnh nhân tránh được cuộc mổ cắt trĩ, chỉ cần gây tê tủy sống để khâu triệt mạch trĩ chính ở bên trong; trong cuộc mổ, bệnh nhân tỉnh táo toàn toàn, tỉ lệ tái phát thấp (Nghiên cứu trên 130 bệnh nhân trĩ độ III, IV, độ tuổi từ 20 đến hơn 80 tuổi, tỉ lệ tái phát sau khi áp dụng phương pháp này chỉ là 11%).

Hiệu quả cao khi dùng thêm thuốc YHCT

Theo TS.BS Lê Mạnh Cường, để khâu triệt mạch trĩ, phẫu thuật viên sẽ thực hiện dưới hướng dẫn của máy siêu âm Doppler. Một thiết bị nhỏ sẽ được đưa vào cơ thể bệnh nhân qua ống hậu môn. Qua màn hình, mạch máu chính nuôi búi trĩ sẽ hiện rõ. Phẫu thuật viên sẽ khéo léo thắt mạch máu chính này, từ đó, lượng máu dồn về búi trĩ giảm đi, búi trĩ sẽ tự co lên trên ống hậu môn. Búi trĩ tuy được thắt mạch máu chính nhưng vẫn còn các mạch máu phụ nên không bị hoại tử.

Cùng với việc thắt mạch để búi trĩ co lên, bệnh nhân được dùng thuốc YHCT giúp củng cố thành mạch vùng hậu môn - trực tràng, giảm phù nề, tăng thể lực; thuốc nhuận tràng giúp giảm táo bón... Thuốc gồm nhiều bài thuốc khác nhau, bao gồm cả thuốc sắc, thuốc cao, viên hoàn tán, thuốc ngâm; mỗi bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc tùy thuộc mức độ, giai đoạn bệnh và thể trạng bệnh nhân... Việc dùng thuốc thường kéo dài một tháng sau phẫu thuật. Sau đó bệnh nhân điều trị dự phòng bằng thuốc YHCT, chế độ ăn uống, sinh hoạt.

TS.BS Cường tư vấn: Để tránh tái phát trĩ, bệnh nhân cần chú ý chế độ ăn uống. Cụ thể: Nên lựa chọn các thực phẩm có tác dụng nhuận tràng như rau diếp cá, đu đủ, khoai lang, chuối... là món ăn hàng ngày; chủ động uống nhiều nước, chăm thể dục thể thao để tránh táo bón. Mọi người cũng nên giảm bớt các chất kích thích như ớt, bia, rượu. Đặc biệt, khi có biểu hiện bất thường ở vùng hậu môn - trực tràng, nên đi khám sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Theo TS.BS Lê Mạnh Cường, hiện nay, với trĩ ngoại ở độ III, độ IV, phương pháp phẫu thuật kinh điển Milligan Morgan hay được sử dụng. Tuy nhiên phương pháp này có nhược điểm là thời gian đau sau mổ kéo dài, có thể gây biến chứng hẹp hậu môn, mất tự chủ hậu môn. Một số cải tiến kỹ thuật dùng dao hàn mạch Ligasure, siêu âm để cắt trĩ sẽ giúp quá trình liền vết thương mau hơn, giảm chảy máu..., nhưng về cơ bản, vẫn là phương pháp mổ kinh điển (chỉ khác ở phương tiện). Ở phương pháp khâu triệt mạch trĩ, bệnh nhân tránh được cuộc phẫu thuật cắt búi trĩ, rất ít đau sau mổ, việc điều trị có tính bảo tồn hơn do đó hạn chế tối đa các di chứng khó khắc phục như hẹp hậu môn hay mất tự chủ hậu môn.

Hoài Hương/ KH&ĐS

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/khoi-tri-nho-khau-triet-mach-va-dung-thuoc-p48591.html