Khởi tố thêm 8 bị can trong vụ án 'hủy hoại rừng' kỳ quặc ở Lâm Đồng

Ngày 4 và 5.6.2016, Báo Lao Động đã đăng loạt bài điều tra: “Vụ án “hủy hoại rừng” kỳ quặc ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng: Dao phát cỏ hạ được cây rừng… lâu năm (?)”. Bài báo phản ánh vụ án có dấu hiệu oan sai, khi các cơ quan luật pháp huyện Lâm Hà đã khởi tố, bắt giam Phạm Văn Tài (sinh 1991)…

Có 5 nhân chứng khẳng định Tài đã lợp mái tôn quán ăn nhà ông Tam trong ngày 24.4.2015, nên ngoại phạm trong vụ án này.

Ngay sau phản ánh của Báo Lao Động, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến đã có chỉ đạo xác minh làm rõ… Và, mới đây, ngày 11.10, nguồn tin từ tỉnh Lâm Đồng cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an huyện Lâm Hà đã khởi tố thêm 8 bị can về tội “hủy hoại rừng” trong vụ án này…

Trở lại vụ án “hủy hoại rừng” kỳ quặc ở huyện Lâm Hà, sau loạt bài trên Báo Lao Động, vào cuối tháng 6.2016 vừa qua, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lâm Hà đã chuyển trả toàn bộ hồ sơ về Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) và Công an huyện Lâm Hà để điều tra bổ sung, vì không đủ chứng cứ xét xử. Đồng thời, sau việc chuyển trả hồ sơ, bị can Phạm Văn Tài cũng được Công an huyện Lâm Hà cho phép tại ngoại, sau 8 tháng bị bắt tạm giam.

Ngày 8.8.2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lâm Hà đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 8 đương sự người dân tộc Cờ Ho là K’Bốt, K’Binh, K’Bé, K’Brối, K’Mến, K’Sỏi, K’Ngọc và K’Briểu, về tội “hủy hoại rừng” theo quy định tại Điều 189 - Bộ Luật Hình sự.

Ngày 8.9 vừa qua, Viện KSND huyện Lâm Hà đã hoàn tất cáo trạng số 71/VKS-KT, truy tố Phạm Văn Tài và 8 bị can người dân tộc trên ra trước tòa. Dự kiến sẽ được TAND huyện Lâm Hà xét xử sơ thẩm vào ngày hôm nay (12.10). Đối chiếu với cáo trạng số 22/VKS-KT, ngày 16.3.2016, vốn đã bị TAND huyện Lâm Hà trả lại, thì cáo trạng số 71/VKS-KT ngày 8.9.2016 của Viện KSND huyện Lâm Hà đã có sự sửa đổi chút ít. Cáo trạng số 22 kết luận nhóm phá rừng trên gây thiệt hại về lâm sản là 97,08m 3 , thiệt hại về giá trị là 151.564.000 đồng. Phạm Văn Tài phải bồi thường dân sự toàn bộ giá trị thiệt hại bằng tiền nêu trên. Và 8 người dân tộc thiểu số không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, sang cáo trạng số 71, thiệt hại về lâm sản được rút xuống… 39,1m 3 , giá trị thiệt hại chỉ còn 32.513.504 đồng. Nhưng Viện KSND huyện Lâm Hà lại bổ sung giá trị môi trường bị thiệt hại là 97.540.512 đồng. Lần này, không chỉ một bị can Tài chịu trách nhiệm bồi thường, mà thêm 8 bị can người dân tộc cùng với Tài, phải bồi thường số tiền 130.054.016 đồng.

Điều kỳ lạ, cáo trạng số 71 hoàn toàn không đề cập một dòng nào đến dấu hiệu ngoại phạm của bị can Phạm Văn Tài trong buổi sáng 24.4.2015 (tức ngày Cơ quan CSĐT kết tội Tài có hành vi phá rừng cùng 8 người dân tộc). Ít nhất có 5 nhân chứng đã đứng ra lên tiếng xác nhận, trong buổi sáng hôm đó, Tài đã phụ giúp lợp mái tôn nhà ông Phạm Văn Tam và ăn trưa tại nhà ông Tam.

Song, không hiểu tại sao, đại úy Vũ Xuân Quyết - người chịu trách nhiệm chính điều tra vụ án - không đưa lời khai từ các nhân chứng này vào hồ sơ vụ án? Trong lúc đó, đại úy Vũ Xuân Quyết chỉ ngả theo các lời khai giống nhau như đúc một khuôn của 8 thủ phạm phá rừng, là người dân tộc thiểu số, rằng Tài đã “chủ mưu”, có hành vi “phá rừng bằng cưa tay, dao phát” (?!).

Clip: Xung quanh nghi vấn khó hiểu của vụ án "hủy hoại rừng", qua lời một người dân địa phương, ngay tại hiện trường.

Bị can Phạm Văn Tài trước khi bị khởi tố trong vụ án này.

Khu rừng mà cơ quan điều tra kết luận đã xảy ra vụ án "hủy hoại rừng".

Một trong những gốc cây rừng mà hồ sơ vụ án kết luận Tài và 8 bị can người dân tộc đã chặt hạ bằng dao phát cỏ và... cưa tay.

ĐÔNG ANH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/khoi-to-them-8-bi-can-trong-vu-an-huy-hoai-rung-ky-quac-o-lam-dong-600528.bld