Khởi tố nguyên Phó chủ tịch Hà Nội: Loại bỏ vùng cấm, không có chuyện hạ cánh an toàn

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng việc khởi tố nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình đã thể hiện không có vùng cấm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Sáng 23/5, trả lời VTC News, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã bình luận xung quanh việc cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can Phí Thái Bình - nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex, nguyên phó chủ tịch UBND TP Hà Nội do những sai phạm trong giai đoạn ông làm chủ tịch HĐQT Vinaconex, đơn vị chủ đầu tư dự án đường ống nước sông Đà bị vỡ nhiều lần.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. (Ảnh: Phạm Thịnh)

- Là một đại biểu Quốc hội và chuyên gia luật học, ông đánh giá thế nào về quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình?

Có thể nói quyết định khởi tố ông Phí Thái Bình vừa thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật ngay cả khi họ đương chức và khi họ đã nghỉ hưu.

Thứ hai, quyết định khởi tố này đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của cử tri, nhân dân Thủ đô nói chung, cả nước nói riêng trong việc xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ ba, điều đó thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, loại bỏ tất cả vùng cấm, loại bỏ những cá nhân hạ cánh an toàn trong thời gian qua, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

- Trước đây, cơ quan điều tra đưa ra lý do ông Phí Thái Bình có nhân thân tốt để không khởi tố thì tại sao đến bây giờ có sự thay đổi này, thưa ông?

Thay đổi như bạn vừa nói liên quan đến tố tụng, mà liên quan tới tố tụng thì phụ thuộc vào chứng cứ. Có thể thời điểm đó, cơ quan điều tra chưa có đủ chứng cứ thì theo quy định của pháp luật thì chưa có đủ căn cứ để khởi tố vụ án cũng như khởi tố bị can.

Cũng như nhiều trường hợp chúng ta thấy đã nghỉ hưu rồi lúc đó chúng ta mới xử lý, khởi tố đó cũng là vì tại thời điểm họ đương chức, cơ quan điều tra chưa đủ chứng cứ để tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự.

Vì vậy, việc chậm trễ cũng không có gì trái với quy định của pháp luật mà đúng ra đó là sự thận trọng cần thiết. Quốc hội vừa qua có Nghị quyết, yêu cầu cao trong việc đấu tranh phòng chống oan sai, chính yêu cầu này đặt cơ quan tố tụng rất thận trọng khi đưa ra quyết định khởi tố vụ án, bị can.

Video: Vỡ đường ống nước Sông Đà, đề nghị khởi tố 9 bị can

- Với các sai phạm nghiêm trọng của ông Phí Thái Bình, hiện cơ quan điều tra vẫn cho tại ngoại, chưa bắt tạm giam có phù hợp hay không, thưa ông?

Quy định về tạm giam rất chặt chẽ, vì người ta ví tạm giam giống như hình phạt tù. Cho nên khi áp dụng biện pháp đó phải cân nhắc rất chặt chẽ quy định của pháp luật.

Và việc các cơ quan tiến hành tố tụng có cần phải áp dụng biện pháp này hay không tùy thuộc vào đối tượng mình áp dụng, thời điểm mình áp dụng và những đặc điểm cụ thể tình hình tội phạm áp dụng biện pháp này.

Ví dụ như bị can có địa điểm cư trú rõ ràng và phạm những tội mà Bộ Luật hình sự quy định ở mức chưa đến mức tạm giam, lại có nhân thân tốt – tức chưa có tiền án, tiền sự gì thì chưa cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc mà tước bỏ quyền tự do của họ.

Và như lúc lãy tôi nói khi mà tạm gia mà lại oan sai thì vi phạm nghị quyết của Quốc họi về phòng chống oan sai thì nó lại gây ra một loạt hậu quả khác về bồi thường của nhà nước, suy nghĩ của người dân và ảnh hưởng đến cuộc sống của người bị oan sai.

Điều này rõ ràng các cơ quan tiến hành tố tụng đã cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định.

Ông Phí Thái Bình - nguyên phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên chủ tịch HĐQT Vinaconex.

- Là một đại biểu Hà Nội, ông đánh giá thế nào về sai phạm của Vinaconex khi sau vài năm đưa vào sử dụng đường ống nước Sông Đà liên tục vỡ?

Vi phạm của Vinaconex đã làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân không chỉ về sinh hoạt hàng ngày mà còn ảnh hưởng công việc chung của các cơ quan. Từ đó ảnh hưởng tới hoạt động chung của Thủ đô, đất nước.

Vì những hậu quả gây ra như vậy, ảnh hưởng cuộc sống, sức khỏe, tinh thần, làm cho nhân dân Thủ đô bất bình.

Quyết định khởi tố này làm cho người dân cảm thấy giống như thoát khỏi ức chế trong thời gian qua, và họ tin tưởng từ bây giờ cuộc sống, công việc, sức khỏe, gia đình của họ sẽ được bảo đảm.

Họ cũng tin tưởng sự nghiêm minh của pháp luật.

- Vậy đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội có trực tiếp giám sát dự án quan trọng này không, thưa ông?

Trong thời gian vừa qua đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thực hiện rất nhiều hoạt động giám sát. Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã giám sát về quy hoạch quản lý đô thị, về trật tự xây dưng và trật tự ở các khu chung cư.

Tôi tin chắc rằng thời gian tới thì đoàn đại biểu sẽ đưa thêm vào chương trình giám sát những vấn đề liên quan về an toàn, cung cấp nước sạch cho người dân vào trong mùa hè của năm nay.

Đường ống nước sông Đà: 4 năm 20 lần vỡ, rò rỉ

Lần 1: Ngày 4/2/2012, đường ống bị vỡ tại Km10+300 trên đại lộ Thăng Long, Hà Nội.

Lần 2: Ngày 23/3/2013, vỡ tại Km26+850 đại lộ Thăng Long.

Lần 3: Ngày 21/11/2013, vỡ tại Km27+060 đường đại lộ Thăng Long.

Lần 4: Ngày 16/12/2013, vỡ trên Đại lộ Thăng Long (đoạn đi qua địa bàn xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất).

Lần 5: Ngày 1/4/2014, vỡ tại km 22+660, huyện Thạch Thất.

Lần 6: Ngày 26/4/2014, vỡ tại Km26+600 trên đại lộ Thăng Long.

Lần 7: Ngày17/6/2014, vỡ tại km25 trên Đại lộ Thăng Long, khu vực cầu vượt Đồng Chúc (đoạn qua huyện Thạch Thất).

Lần 8: Ngày 10/7/2014, vỡ tại vị trí km 25 gần cầu Đồng Trúc, đại lộ Thăng Long, huyện Thạch Thất.

Lần 9: Ngày 12/7/2014, vỡ tại km15 trên Đại lộ Thăng Long thuộc địa phận huyện Hoài Đức.

Sau lần vỡ thứ 9, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng liên quan việc thiết kế, phê duyệt, sản xuất và xây lắp tuyến ống truyền tải nước sạch (giai đoạn 1) của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

Lần 10: Ngày 15/1/2015, sự cố tại km 21+400 thuộc xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai.

Lần 11: Ngày 21/7/2015, vỡ tại Km26 trên đại lộ Thăng Long.

Lần 12: Ngày 25/7/2015, sự cố rò rỉ nước tại Km22+800 trên cao tốc Láng - Hòa Lạc.

Lần 13: Ngày13/8/2015, sự cố tại vị trí km28 + 650 cao tốc Láng - Hòa Lạc.

Lần 14: Ngày 25/9/2015, vỡ tại điểm ngã tư siêu thị Big C (Hà Nội).

Lần 15: Ngày 26/9/2015, vỡ tại km 26+450, đoạn qua huyện Thạch Thất.

Lần 16: Ngày 6/11/2015, vỡ tại km22 đại Lộ Thăng Long, đoạn qua huyện Thạch Thất.

Lần 17: Ngày 31/12/2015, rò rỉ tại Km22+00 (Đại lộ Thăng Long).

Lần 18: Ngày 11/7/2016, vỡ tại Km27+ 600 trên Đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Thạch Thất).

Lần 19: Ngày 14/9/2016, sự cố rò rỉ tại vị trí Km21+600 trên Đại lộ Thăng Long.

Lần 20: Ngày 4/10/2016, sự cố rò rỉ tại km22+900, thuộc địa bàn huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Phạm Thịnh

Nguồn VTC: http://vtc.vn/xa-hoi/khoi-to-nguyen-pho-chu-tich-ha-noi-vi-sao-bay-gio-moi-khoi-to-d324754.html