Khởi tố 3 cựu cán bộ Ngân hàng VDB Cần Thơ

Liên quan đến vụ án Phan Bá Tòng lừa đảo 147 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng VDB Cần Thơ, Bộ Công an vừa khởi tố, điều tra và đề nghị truy tố đối với ba cựu cán bộ cấp phòng của ngân hàng này về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước.

 Công an khám xét ngôi biệt thự lúc Phan Bá Tòng bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: Phương Nguyên

Công an khám xét ngôi biệt thự lúc Phan Bá Tòng bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: Phương Nguyên

Ba cựu cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VDB Cần Thơ) là Nguyễn Thị Mai (nguyên Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu), Lâm Chí Công (phó phòng Tín dụng xuất khẩu) và Huỳnh Thanh Trúc (cán bộ tín dụng) vừa bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đề nghị Viện KSND tối cao truy tố tội Cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ba bị can này liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng VDB Cần Thơ do Phan Bá Tòng (tức Tòng Thiên Mã), Giám đốc Công ty TNHH XNK thủy sản Thiên Mã thực hiện.

Trước đó, Phan Bá Tòng và Trần Thị Diễm (nguyên Kế toán trưởng) đã bị Bộ Công an khởi tố tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền trên 147 tỉ đồng.

Theo kết luận điều tra, từ năm 2009 đến 2011, Phan Bá Tòng và Trần Thị Diễm đã tạo dựng báo cáo tài chính khống, không đúng sự thật; ký hợp đồng mua bán hàng hóa khống và các giấy tờ liên quan đến việc mua bán hàng hóa khống, dùng làm hồ sơ xin vay vốn ngân hàng; sử dụng tiền vay không đúng mục đính. Theo các hồ sơ này thì Tòng vay vốn để phục vụ hoạt động xuất khẩu cá tra, basa, nhưng khi nhận được tiền thì Tòng dùng phần lớn số tiền này để trả nợ cho các khoản vay trước đó mua bất động sản, làm kinh phí hoạt động công ty và chi xài cá nhân.

Cơ quan điều tra xác định hành vi phạm tội của Phan Bá Tòng là xuyên suốt trong nhiều năm liền. Tính đến 2016, trừ đi hết tất cả các tài sản thế chấp thì Phan Bá Tòng còn dư nợ không thể trả được trên 147 tỉ đồng, đây chính là hậu quả do hành vi lập khống hồ sơ, chứng từ để vay vốn tại VDB Cần Thơ gây ra.

Trong vụ này, bị can Nguyễn Thị Mai, với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao là người ký kiểm soát trên các tờ trình duyệt vay, tờ trình giải ngân, bảng kê rút vốn… nhưng bà Mai đã có hành vi không cử cán bộ tín dụng đi kiểm tra khách hàng và người cung cấp cá nguyên liệu; không kiểm tra các điều kiện tín dụng được phê duyệt; không kiểm soát nguồn tiền về của khách hàng… Năm 2009, mặc dù đã biết Phan Bá Tòng sử dụng vốn sai mục đích nhưng bà Mai vẫn tiếp tục ký tờ trình đề nghị giám đốc duyệt giải ngân cho Công ty Thiên Mã. Bị can Mai được công an xác định cũng đang là bị can trong một vụ án khác.

Người dân theo dõi lúc công an khám xét ngôi biệt thự của Phan Bá Tòng. Ảnh: Phương Nguyên

Đối với bị can Lâm Chí Công và Huỳnh Thanh Trúc cũng vậy, thiếu trách nhiệm chỉ đạo cán bộ đi kiểm tra khách hàng, không kiểm tra nguồn tiền về để cho Phan Bá Tòng sử dụng vốn sai mục đích; không kiểm tra, thiếu thẩm định tình hình tài chính, uy tín của khách hàng đối với ngân hàng, không thẩm định tính khả thi và hiệu quả của phương án sản xuất kinh doanh… Mai, Công và Trúc được xác định gây thiệt hại bởi số dư nợ trên của Phan Bá Tòng gây ra.

Còn nhiều cán bộ khác của VDB Cần Thơ cũng sai phạm trong vụ này nhưng theo công an thì chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự vì là người phụ thuộc, bị sự chỉ đạo và có cam kết nhận hết trách nhiệm của Phan Bá Tòng. Còn đối với trách nhiệm của cán bộ VDB Hội sở thì Công an xác định ông Nguyễn Quang Dũng (nguyên quyền chủ tịch Hội đồng quản lý), Đào Ngọc Thắng (Phó Tổng giám đốc), Phạm Đức Hòa (nguyên Phó Tổng giám đốc) và Trần Phú Minh (Phó Tổng giám đốc) mặc dù có trực tiếp cho chủ trương, phê duyệt hoặc có liên quan… nhưng chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự.

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/khoi-to-3-cuu-can-bo-ngan-hang-vdb-can-tho-d116532.html