Khơi thông cho nghề giáo

Không có nhà giáo thì không có nguồn nhân lực chất lượng cao, không có phát triển kinh tế-xã hội, nhiều quốc gia sẽ rơi vào tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Tổ chức UNESCO cảnh báo như trên.

Vai trò của nhà giáo quan trọng như vậy nhưng nhiều chính sách, chủ trương đối với nhà giáo còn khá bất cập. Câu chuyện điều giáo viên đi làm tiếp tân mới đây hay việc điều chuyển một nhà giáo đang làm tốt vai trò quản lý ở một phòng giáo dục để đưa một bí thư phường thay thế trước đó cho thấy nhận thức của một số địa phương còn có khoảng cách với vai trò, chức năng của nhà giáo.

Hiện vẫn còn không ít giáo viên đang giảng dạy trong những điều kiện vô cùng thiếu thốn, khó khăn, nhất là ở vùng xa, vùng cao, vùng kinh tế khó khăn. Giáo viên chưa được đãi ngộ tương xứng với nghề nghiệp, thể hiện ở mức lương còn thấp.

Ảnh: BinhPhuoc.edu.vn

ở một số địa phương, việc thực hiện các chính sách tuyển dụng, việc làm dành cho giáo viên chưa được quan tâm đúng mức. Một số chính sách trở nên lạc hậu, gây khó khăn cho nghề mình theo đuổi. Chẳng hạn, hiện nhiều trường sư phạm đang ĐH hóa đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Nhưng theo quy định nghề nghiệp giáo viên hiện hành, chuẩn trình độ của giáo viên mầm non, tiểu học là trung cấp nên chỉ được hưởng hệ số mức lương khởi điểm là 1,86; chuẩn trình độ giáo viên CĐ chỉ được hưởng hệ số lương 2,1. Trong khi đáng lẽ giáo viên đạt trình độ ĐH phải được hưởng lương theo hệ số 2,34. Tuy nhiên, do chưa có chủ trương nên nhiều địa phương vẫn áp dụng quy định hiện hành, gây thiệt thòi cho giáo viên.

Một bất cập khác, hiện ở nhiều địa phương đang tồn tại dạng giáo viên dạy hợp đồng với cấp huyện, cấp trường với mức lương thấp, thậm chí rất thấp do huyện, trường tự xoay xở. Ngoài ra, họ không được hưởng bất kỳ chế độ nào khác. Nên có trường hợp giáo viên hợp đồng với trường, sau khi phải tự đóng bảo hiểm xã hội thì lương chỉ còn 600.000 đồng/tháng. Ngoài ra, số giáo viên này cũng không có lương ba tháng hè.

Với đồng lương thấp như vậy, các giáo viên này vẫn bám trường bám lớp, có người làm việc trên 20 năm, thật không có bút mực nào nói hết những nỗ lực mà họ đã vượt qua. Những đóng góp âm thầm của họ vào sự nghiệp trồng người không ồn ào như những ngành nghề khác nhưng góp phần làm thay đổi nhiều cuộc đời, thay đổi xã hội.

Thiết nghĩ các ngành, các địa phương cũng cần nhìn lại những bất cập nêu trên để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục. Với vai trò và sứ mạng của mình, giáo viên có quyền được tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để làm tốt công việc của mình.

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/theo-dong/khoi-thong-cho-nghe-giao-666192.html