Khởi sắc trên vùng 'đất lửa' Xuân Lộc

Trở lại Xuân Lộc-nơi từng là chiến trường rực lửa, cửa ngõ Sài Gòn 42 năm trước, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141 (Sư đoàn 7, Quân đoàn 4) xúc động nắm chặt bàn tay thủ trưởng của mình-Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, nay đã 90 tuổi.

Đứng bên lô cốt năm xưa của địch đã phong rêu màu thời gian, giữa những vườn cây xanh um, hai vị tướng già cùng hồi tưởng về trận đánh mở toang “cánh cửa thép” Xuân Lộc 12 ngày đêm năm ấy.

Những ngày cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khí thế quân ta mạnh như vũ bão, nhất là sau Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế-Đà Nẵng. Tuy nhiên, để tiến vào sào huyệt cuối cùng của địch, một trong những chiến tuyến phải vượt qua, đó là khu vực phòng thủ Xuân Lộc (Đồng Nai), được mệnh danh là “cánh cửa thép” phía đông bắc Sài Gòn. Trong đội hình Quân đoàn 4, Sư đoàn 7 là đơn vị chủ công được giao nhiệm vụ đảm nhiệm hướng chủ yếu tiến đánh căn cứ Xuân Lộc. Trung tướng Lê Nam Phong kể: "Sáng sớm ngày 9-4-1975, Sư đoàn 7 nổ súng tiến công trực diện quân địch. Chiến sự Xuân Lộc diễn ra vô cùng ác liệt, hai bên giằng co từng tấc đất. Quyết “tử thủ” Xuân Lộc, ngày 12-4, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn quyết định tăng cường lực lượng, vũ khí và phương tiện chiến tranh cho Xuân Lộc. Trước tình hình đó, ta tổ chức lại lực lượng, thay đổi cách đánh, bao vây, cô lập nhằm làm suy yếu lực lượng địch trong thị xã; tiêu diệt các lực lượng tiếp viện mới được điều đến, gây tổn thất lớn cho quân địch. Thấy không thể bảo vệ được Xuân Lộc, ngày 20-4, địch rút chạy, bị quân ta truy kích tiêu diệt. Ngày 21-4, thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh được giải phóng. Chiến dịch tiến công thắng lợi đã đập tan “cánh cửa thép” án ngữ cửa ngõ phía đông Sài Gòn, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch khiến tinh thần quân ngụy lung lay tận gốc, tạo đà cho thắng lợi cuối cùng".

Các cựu chiến binh Sư đoàn 7 cùng bộ đội, thanh niên địa phương thăm lại chiến trường Xuân Lộc năm xưa.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh kể thêm: "Mặc dù trên hướng tiến công của sư đoàn gặp nhiều khó khăn nhưng Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong vẫn rất bản lĩnh chỉ huy đơn vị kìm chân địch. Trung đoàn của chúng tôi và 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 165 được lệnh tiến đánh căn cứ Sư đoàn 18 ngụy. Chúng phản kích dữ dội khiến nhiều đồng đội của tôi anh dũng hy sinh. Mỗi lần nhìn tấm bia ghi danh các liệt sĩ đã ngã xuống nơi cửa ngõ Xuân Lộc, tôi lại nao lòng nhớ thương đồng đội. Hơn 20 năm nay, tôi đã nhiều lần trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt liệt sĩ, đưa đồng đội tôi trở về với gia đình, người thân".

Để ghi nhớ công lao của các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh xương máu, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, huyện ủy, UBND huyện Long Khánh đã xây dựng một công trình tượng đài kết hợp công viên cây xanh mang tên Công viên Tượng đài Chiến thắng Xuân Lộc-Long Khánh, hoàn thành ngày 15-4-2001. Tượng đài trở thành nơi gặp mặt, tri ân của các thế hệ cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 7 và tuổi trẻ địa phương vào dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm. Năm nay, Đoàn thanh niên địa phương tổ chức chương trình “về nguồn”, cùng các CCB Sư đoàn 7 dâng hương Tượng đài Chiến thắng, tới thăm các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, thân nhân liệt sĩ từng tham gia chiến đấu giải phóng Xuân Lộc năm xưa và nghe các CCB kể chuyện truyền thống bồi đắp niềm tự hào, lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay.

Vườn ca cao trĩu quả mang lại đời sống mới cho người dân xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc).

Vùng “đất lửa” Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) năm xưa nay đã thành xã nông thôn mới.

Chiến tranh đã đi qua hơn 4 thập kỷ nhưng hậu quả của nó để lại vô cùng nặng nề cho vùng núi Xuân Lộc. Chính quyền và nhân dân địa phương phải khắc phục di chứng chiến tranh để xây cuộc đời mới. Đặc biệt, từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai, Xuân Lộc đã đổi thay từng ngày, trở thành huyện NTM đầu tiên của cả nước với những mô hình kinh tế đặc trưng trên vùng “đất lửa”. Ông Đỗ Phước Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Là một huyện nông nghiệp, nhưng huyện chúng tôi vẫn tập trung phát triển cả công nghiệp và tìm hướng đi mới cho nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết, nâng cao năng suất, chất lượng, chú trọng công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản, phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1%. Những cây trồng chuyển đổi chủ yếu là: Ca cao, bắp, xoài, tiêu, ổi… theo tiêu chuẩn VietGap, nâng cao chất lượng sống của người dân”. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Xuân Lộc đang tiếp tục xây dựng NTM theo bộ tiêu chí nâng cao. Huyện ủy Xuân Lộc xác định, tới năm 2020, Xuân Lộc sẽ có 100% các xã đạt chuẩn bộ tiêu chí nâng cao của tỉnh…

Tháng Tư này trở lại Xuân Lộc, nhìn những ruộng vườn xanh tươi bát ngát, những tuyến đường trải nhựa thênh thang cùng cờ đở, băng-rôn chào mừng chiến thắng mới thấy hết sức vươn Xuân Lộc và càng thêm trân trọng công lao, xương máu của thế hệ cha anh. Đồng chí Hồ Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, khẳng định: Trong chiến tranh, người dân Xuân Lộc kiên cường, dũng cảm, là chỗ dựa tin cậy cho bộ đội đánh tan quân thù. Phát huy truyền thống đó và vận dụng sáng tạo phương châm “thần tốc, táo bạo” trong xây dựng NTM ở những vùng quê cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Xuân Lộc hôm nay vượt mọi khó khăn, sáng tạo, cần cù xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc trên chính mảnh đất bom đạn năm xưa.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - TRUNG HOÀI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khoi-sac-tren-vung-dat-lua-xuan-loc-506105