Khôi phục rừng Tây Nguyên để ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm lâm luật vẫn tái diễn khiến tài nguyên rừng ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ giữa năm 2016, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều biện pháp, giải pháp từng bước khôi phục rừng bền vững.

Tài nguyên rừng suy giảm nghiêm trọng

Tìm hiểu thực tế công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng Tây Nguyên những năm gần đây cho thấy, tình trạng vi phạm lâm luật đã có chiều hướng giảm về số vụ, về diện tích thiệt hại. Cụ thể, năm 2015, toàn vùng phát hiện xử lý 6.034 vụ vi phạm lâm luật với diện tích rừng bị phá trái phép 550,8ha. Năm 2016, toàn vùng phát hiện và xử lý 3.875 vụ vi phạm lâm luật, diện tích rừng bị phá 329,63ha; giảm 36% về số vụ và gần 40% về diện tích rừng bị phá so với năm 2015. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, rừng Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị tàn phá, khai thác trái phép.

Cây rừng tự nhiên ở Ea Súp (Đắc Lắc) bị chặt hạ đầu năm 2017.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng trong 3 tháng đầu năm 2017, đồng chí Nguyễn Ngọc Rân, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: Toàn tỉnh phát hiện, xử lý 197 vụ vi phạm lâm luật, giảm 12 vụ so với cùng kỳ năm 2016; trong đó có 7 vụ khởi tố hình sự, thu giữ hơn 400m3 gỗ và 49 phương tiện các loại. Tại tỉnh Đắc Lắc, một trong những địa phương đã từng nổi lên nhiều điểm nóng vi phạm lâm luật, đồng chí Nguyễn Thành Văn, Phó trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng-Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắc Lắc khẳng định: Tình hình vi phạm lâm luật giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ở các huyện biên giới Buôn Đôn và Ea Súp. Trong 3 tháng đầu năm 2017, tỉnh Đắc Lắc phát hiện, xử lý 293 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ rừng, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó 1 vụ xử lý hình sự (giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm 2016).

Để tìm hiểu thực tế tình trạng vi phạm lâm luật trên địa bàn Tây Nguyên, trung tuần tháng 3 vừa qua, chúng tôi đã đến huyện biên giới Ea Súp (Đắc Lắc). Tại Tiểu khu 149 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’Mơ quản lý, chúng tôi tận mắt chứng kiến hiện trường hàng trăm cây rừng bị triệt hạ, đang được lực lượng kiểm lâm huyện Ea Súp tiến hành thu gom để xử lý. Tại lô 31, khoảnh 9, Tiểu khu 144 do Làng Thanh niên lập nghiệp (Tỉnh đoàn Đắc Lắc) quản lý, lâm tặc dựng hẳn một lán trại với đủ vật dụng như quần áo, võng, soong nồi và cả thực phẩm, một dàn cưa mâm… để khai thác gỗ. Hiện trường để lại khá nhiều mùn cưa và bìa gỗ mới xẻ. Ngoài khối lượng gỗ lâm tặc đã chuyển đi, tại hiện trường, lực lượng chức năng kiểm đếm được 415 lóng gỗ dầu với khối lượng hơn 32m3 nằm ngổn ngang xung quanh lán trại.

Tìm giải pháp khôi phục rừng bền vững

Nội dung Thông báo số 191/TB-VPCP, ngày 22-7-2016 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 đã nêu rõ: Mục tiêu đến năm 2020, nâng tỷ lệ che phủ rừng khu vực Tây Nguyên lên 59%. Để đạt mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương vùng Tây Nguyên tập trung chỉ đạo, nỗ lực khắc phục các hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý bảo vệ rừng; đồng thời có cơ chế, chính sách đột phá, tạo chuyển biến căn bản, rõ nét trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Lâm sản khai thác trái phép đầu năm 2017 tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắc Lắc.

Cụ thể hóa sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng kế hoạch hành động sát thực, đạt hiệu quả bước đầu. Đối với tỉnh Đắc Lắc, ngày 10-10-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắc ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU, về tăng cường các giải pháp bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững. Ngày 21-11-2016, UBND tỉnh Đắc Lắc có Quyết định số 3472/QĐ-UBND, ban hành Chương trình hành động thực hiện các giải pháp bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắc đã xây dựng Chương trình hành động, trong đó xác định: Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trước mắt, đồng thời cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắc đề ra mục tiêu, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng từ 39,2% năm 2015 lên 40,2% năm 2020 và 42,1% năm 2025.

UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 5113/KH-UBND, ngày 4-11-2016, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn. Đồng chí Kpă Thuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Tỉnh quyết tâm quản lý tốt 623.280ha rừng tự nhiên hiện có; giai đoạn 2016-2020, tổ chức giao khoán quản lý 127.984ha; khoanh nuôi tái sinh 1.300ha; cải tạo 1.121ha rừng nghèo kiệt và làm giàu rừng khoảng 1.316ha. Tuy nhiên, theo phân tích của đồng chí Nguyễn Ngọc Rân, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Gia Lai lâu nay vẫn là quyền hạn của lực lượng bảo vệ rừng, nhất là tại các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng còn hạn chế. Bên cạnh đó, kinh phí bảo đảm công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng quá hạn hẹp. Cụ thể, mỗi năm, UBND tỉnh Gia Lai trích ngân sách khoảng 2 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống cháy rừng mùa khô, trong khi đó trang thiết bị, phương tiện phòng, chống cháy rừng của các chủ rừng lâu nay rất thiếu thốn.

Tương tự, các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng, Đắc Nông và Đắc Lắc cũng gặp khó khăn về kinh phí bảo đảm cho công tác bảo vệ, phát triển rừng. Theo ông Nguyễn Thành Văn, Phó trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng-Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắc Lắc: Từ năm 2016 đến nay, ngoài nguồn kinh phí sự nghiệp 7,9 tỷ đồng cho hoạt động bảo vệ rừng thì tỉnh Đắc Lắc chưa huy động được nguồn kinh phí nào để đầu tư cho công tác khôi phục rừng. Thậm chí, ngay cả kế hoạch trồng mới 4.800ha rừng trong năm 2017 này cũng khó hoàn thành, vì đến tháng 4-2017, các doanh nghiệp chỉ đăng ký trồng 1.800ha, nguyên nhân chính do thiếu vốn (!).

Gỗ rừng phòng hộ Buôn Đôn (Đắc Lắc) bị khai thác trái phép.

Được biết, Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, đề ra mục tiêu: Bảo vệ, duy trì 2.253.804ha rừng tự nhiên; xử lý dứt điểm 282.896ha rừng đang bị tranh chấp, lấn chiếm; mỗi năm giảm 15-20% số vụ vi phạm và giảm 50% diện tích rừng bị phá, đến năm 2020, cơ bản không còn xảy ra phá rừng; giai đoạn 2016-2020 trồng 58.350ha rừng, khoanh nuôi tái sinh 73.345ha rừng và trồng 28 triệu cây phân tán. Phấn đấu đến năm 2020, toàn vùng Tây Nguyên có 2,71 triệu héc-ta rừng, độ che phủ đạt 59%. Tổng kinh phí thực hiện đề án 8.927 tỷ đồng.

Để thực hiện hiệu quả Dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên, Tiến sĩ Trương Hồng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng: Bên cạnh các biện pháp tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ rừng hiện có, cần cơ chế chính sách rõ ràng cho người dân có thể sống và làm giàu từ nghề rừng (ví dụ người trồng rừng, giữ rừng có thể khai thác lâm sản phụ, trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng); ưu tiên đầu tư kinh phí cho phát triển rừng.

Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khoi-phuc-rung-tay-nguyen-de-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-505450