'Khởi nghiệp quốc gia cần văn hoá chấp nhận thất bại'

"Khởi nghiệp cần mạo hiểm, sự dũng cảm, thậm chí phải xây dựng được văn hoá chấp nhận rủi ro, thất bại''...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo - Hiểu đúng, hành động đúng diễn ra cuối tuần qua. 

Tại đây, Phó Thủ tướng chia sẻ từng đi tìm hiểu những đất nước khởi nghiệp như như Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc và rút ra điều quan trọng đó là một quốc gia không thể giàu nếu không có doanh nghiệp mạnh, không có khởi nghiệp quốc gia.

Đừng lãng phí thời gian

"Khởi nghiệp cần mạo hiểm, sự dũng cảm, thậm chí phải xây dựng được văn hoá chấp nhận rủi ro, thất bại. Khởi nghiệp là quá trình không ngừng nghỉ, khởi nghiệp không chỉ cho 1 cá nhân, của một gia đình, mà còn là khởi nghiệp của tỉnh, địa phương, thành phố, từ đó mới hình thành lên một quốc gia khởi nghiệp. Đất nước không thể giàu nếu không có doanh nghiệp mạnh”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.

Ông nhắc đến câu châm ngôn: "Năm tháng rồi sẽ trôi qua không để lại dấu vết. Nhưng hạnh phúc sẽ đến với người biết tận dụng thời gian, như kiến tha lâu ắt ngày đầy tổ, như thân gỗ dày thêm mỗi vòng qua từng tháng năm” để khích lệ tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ - lực lượng nòng cốt, thế hệ doanh nghiệp trong tương lai. Ông cho rằng các doanh nghiệp trẻ, thế hệ trẻ đừng lãng phí thời gian mà hãy sáng tạo, chọn cho mình một con đường riêng và hãy trân trọng, cố gắng thực hiện nó.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã từng có những doanh nhân lớn như Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Bưởi còn hiện nay có những doanh nghiệp lớn như Vinamlik, Viettel… nhưng chưa đủ, đất nước vẫn cần có thêm nhiều doanh nhân làm giàu cho đất nước bằng trí tuệ, bản lĩnh và dám vượt qua thách thức.

Theo vị này, khởi nghiệp ở Việt Nam được khuyến khích tập trung vào 3 lĩnh vực cốt lõi là công nghệ thông tin, công nghệ cao và dịch vụ du lịch - ngành được cho là sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng khẳng định Việt Nam không thiếu các ý tưởng khởi nghiệp hay, các doanh nhân trẻ năng động,  nhưng cái thiếu là một hệ sinh thái cho khởi nghiệp.

“Những start-up thành công đang thay đổi thế giới, đó là thực tế mà ai cũng biết rõ, ở Việt Nam nhiều bạn trẻ rất đam mê sáng tạo, nhiều nhân tài đã được tìm thấy sau các cuộc thi song nếu chính sách không hỗ trợ tốt, các doanh nghiệp sẽ được thành lập ở Singapore đem theo vốn sang đây đầu tư. Như bạn Nguyễn Hà Đông, bạn rất giỏi về công nghệ nhưng không thể am tường về pháp lý, chúng ta cần hỗ trợ bạn ấy về pháp lý để bảo vệ được sản phẩm mình.

Hiện nay Việt Nam chưa có các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp, sáng tạo. Bản thân những người làm luật chúng tôi rất mong muốn khi Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được thông qua tới đây sẽ giúp các ý tưởng sáng tạo của Việt Nam tiếp cận được các quỹ”, ông Đông nói.

Chung tay thổi bùng làn sóng

Tại hội nghị, nhiều doanh nhân trẻ cho rằng đang gặp khó về vốn, thủ tục hành chính phiền hà, mất nhiều thời gian khi “trả hồ sơ khi sai từng dấu chấm, phẩy, cơ hội nhiều khi trôi qua rất nhanh”. Nói về điều này, ông Đặng Huy Đông cho rằng thủ tục đăng ký doanh nghiệp cần khắt khe như vậy vì những dấu chấm, phẩy có thể là lỗi sai nhỏ nhưng nếu không giám sát kỹ như vậy có thể gây hệ luỵ nguy hiểm về sau ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp.

Nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore…đã có nhiều chính sách tốt hỗ trợ cho khởi nghiệp như về thuế phí, thời gian đăng ký kinh doanh, hỗ trợ tài chính. Như tại Singapore, đăng ký doanh nghiệp chỉ mất 2 ngày và phí chỉ 1 USD. Ngoài ra, Chính phủ Singapore còn hỗ trợ tài chính như hỗ trợ tới 60% giá trị chiếc máy tính cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong khi đó, tại Việt Nam các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp còn khá hạn chế.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ cam kết sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm mầm các ý tưởng tốt, biến nó thành sản phẩm thực tế. Đồng thời, ngân sách sẽ hỗ trợ xây dựng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, tạo điều kiện cho các quỹ mạo hiểm được cơ chế hoạt động, có chính sách miễn - giảm thuế đối với những nhân lực công nghệ cao, tháo gỡ cơ chế về vốn, thủ tục hành chính để các ý tưởng tốn không gặp rào cản nào. Ông khẳng định, cần chung tay thổi bùng lên làn sóng khởi nghiệp quốc gia bởi đây là xu thế phát triển tất yếu của thế giới.

Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, với vai trò hỗ trợ các sáng tạo khởi nghiệp, ông từng có nhiều cuộc gặp gỡ, kết nối các doanh nghiệp lớn với các ý tưởng khởi nghiệp. Theo ông Quân, giờ đây khởi nghiệp đã được cộng đồng quan tâm hơn, chỉ cần có ý tưởng hay chắc chắn sẽ có nơi rót vốn. "Các doanh nghiệp như FPT, Ngân hàng Việt Á, các quỹ đầu tư…đã khẳng định rằng nếu các bạn trẻ có ý tưởng hay họ sẵn sàng hỗ trợ tài chính để hiện thực hoá ý tưởng đó”, ông Quân nói và khẳng định để có quốc gia khởi nghiệp cần phải xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thân thiện với tất cả, tháo gỡ về thủ tục hành chính, khơi thông nguồn vốn thì mới đạt được con số 1 triệu doanh nghiệp năm 2020.

Bạch Dương

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/doanh-nhan/khoi-nghiep-quoc-gia-can-van-hoa-chap-nhan-that-bai-2017052012023577.htm