Khởi nghiệp, cần tầm nhìn rộng nhưng thực thi phải hẹp

Việc lập kế hoạch kinh doanh thể hiện tầm nhìn của doanh nhân, nhưng việc thực thi các nội dung của kế hoạch cần phải làm cụ thể, làm hẹp và từng bước.

GS.TS Hồ Đức Hùng, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế phát triển, ĐH kinh tế TP.HCM chia sẻ” tại Khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp do Học viện cán bộ TP.HCM tổ chức vừa qua.

Lập kế hoạch dựa vào quy luật của chuỗi giá trị

Mở đầu buổi học, GS Hùng đặt câu hỏi: “Xây dựng kế hoạch kinh doanh để làm gì?” Các học viên bên dưới sôi nổi với nhiều ý kiến khác nhau: “Để đạt được mục tiêu đề ra”, “Để giải quyết các vấn đề mắc phải trong kinh doanh”, “Để có lợi nhuận”…

GS Hùng đúc kết, tất cả các ý kiến đều đúng. Tuy nhiên, GS Hùng chỉ rõ, điều quan trọng nhất của việc lập kế hoạch kinh doanh là DN phải bán được hàng.

Bài toán thị trường xem ra rất khó giải với các DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp. Giải quyết được vấn đề thị trường, DN cần phải xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp.

GS. TS Hồ Đức Hùng, chuyên gia về kinh tế. Ảnh: Hà Thế An.

GS Hùng chỉ rõ, muốn quản lý và thực thi tốt chuỗi giá trị cần phải nắm rõ nguyên tắc S I P O C gồm: S (Suppier- nguồn cung cấp), I (Input- yếu tố đầu vào), P (Production- sản xuất), O (output- yếu tố đầu ra), C (Customer- khách hàng, người sử dụng). Các nhân tố trong chuỗi giá trị sản phẩm đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Sản phẩm đến với khách hàng có đạt chất lượng tốt hay không phụ thuộc vào việc xây dựng chuỗi giá trị.

GS Hùng phân tích: Trường hợp các yếu tố đầu vào không có hoặc không đảm bảo chất lượng thì không thể đi đến các giá trị tiếp theo trong chuỗi.

Đặt ngược lại vấn đề, GS Hùng nói: “Vậy nếu đảo các nhân tốt trong chuỗi S I P O C thành C O P I S nó có ý nghĩa gì?”.

Một học viên phát biểu: “Đó là xây dựng sản phẩm, dịch vụ từ nhu cầu khách hàng. C (Customer- khách hàng) chính là đối tượng để DN khai thác nhu cầu, từ đó đưa ra sản phẩm, dịch vụ từ nhu cầu đó”.

GS Hùng tán đồng, nhu cầu của thị trường là luôn có. Điều quan trọng là DN có phát hiện ra nó hay không. Khi tìm được nhu cầu của thị trường, DN bắt đầu xây dựng các sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu đó.

“Lập kế hoạch kinh doanh theo 2 chuỗi giá trị sẽ có các nhiệm vụ khác nhau. Với chuỗi S I P O C thì DN sẽ thiết kế kế hoạch kinh doanh. Với cuỗi C O P I S thì DN sẽ thực hiện kế hoạch kinh doanh. Muốn thực hiện S I P O C phải nghiên cứu, thiết kế C O P I S”- GS Hùng đúc kết.

Kế hoạch chi tiết thể hiện tầm nhìn xa

Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế phát triển cho rằng, các DN nghiệp khởi nghiệp hiện nay phải bắt đầu từ nhu cầu của khách hàng.

Quá trình thực hiện giá trị C (khách hàng) rất quan trọng, DN khởi nghiệp phải thực hiện nghiên cứu nhu cầu của khách hàng rất kỹ để tìm ra những giải pháp để giải quyết những nhu cầu đó.

Một khi tìm “đúng chỗ ngứa” của khách hàng thì việc thực hiện các giá trị tiếp theo trong chuỗi sẽ đơn giản hơn. Người chủ DN cũng có thể nghiên cứu, khảo sát để có thể dự đoán được những nhu cầu trong tương lai của khách hàng để phát triển sản phẩm, dịch vụ.

Việc lập kế hoạch kinh doanh dựa trên các nguyên tắc của chuỗi giá trị sẽ là công cụ để thực hiện mục tiêu kinh doanh của DN.

GS Hùng khuyên, các DN nên lập kế hoạch kinh doanh trong thời gian ngắn hạn (tốt nhất là khoảng 1 năm). Việc lập kế hoạch càng ngắn hạn càng dễ điều chỉnh, linh hoạt thay đổi cho phù hợp với yêu cầu thị trường.

“Người làm kinh doanh là người phải có tầm nhìn xa nhưng thực hiện thì phải cụ thể, nhỏ, từng bước một”- GS Hùng chia sẻ.

Việc xây dựng kế hoạch kinh doanh phải dựa trên những điểm mạnh, điểm yếu của DN. Điều đó sẽ giúp kế hoạch kinh doanh mang tính thực tế, có khả năng hoàn thành và không ảo tưởng, ra rời thực tế. Việc lập kế hoạch kinh doanh cũng giúp DN giảm thiểu tối đa những rủi ro từ thương trường, nắm bắt cơ hội trong tương lai.

Trong kinh doanh, DN sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh từ các đối thủ cùng một lĩnh vực, sản phẩm. Đối với các DN khởi nghiệp thường ít vốn, thiếu nguồn lực, việc kinh doanh sẽ khó khăn gấp bội vì phải cạnh tranh với các “ông lớn” trên thị trường. Do đó, DN khởi nghiệp phải có được sự khác biệt trong sản phẩm của mình. Nếu không có sự khác biệt trong sản phẩm thì phải tạo sự khác biệt trong dịch vụ, cung cách phục vụ,….

GS. TS Hồ Đức Hùng cho rằng, người đứng đầu trong DN cần phải có những tố chất nhất định khi khởi nghiệp.

Phải có máu kinh doanh, xem công việc kinh doanh như một sự đam mê của cả cuộc đời.

Phải biết chấp nhận rủi ro. Vì khi khởi sự kinh doanh sẽ không thể nào tránh khỏi những rủi ro.

Phải có tầm nhìn để xây dựng các kế hoạch dự phòng để khi gặp những chuyện bất trắc, họ luôn luôn có một hoặc nhiều phương án giải quyết.

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khoi-nghiep-can-tam-nhin-rong-nhung-thuc-thi-phai-hep-c7a457991.html