Khởi nghĩa Yên Bái: Đã là lịch sử phải trả lại đúng cho sự thật lịch sử

Lịch sử Việt Nam mãi mãi khắc ghi hình ảnh bị hành hình mà vẫn ngút trời dũng khí 'chấn động địa cầu' của các người anh hùng vị quốc vong thân trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái chống lại thực dân Pháp vào năm 1930. Các cánh quân đã đồng loạt tấn công giặc Pháp ở một loạt các tỉnh trọng yếu của Bắc Kỳ, như: Hà Nội, Yên Bái, Sơn Tây, Hưng Hóa, Lâm Thao, Phả Lại, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An...

Khu lăng mộ và tượng đài về Khởi nghĩa Yên Bái tại TP Yên Bái.

Đến nỗi, ở bên kia đại dương, nhà thơ Louis Aragon của Pháp viết: “(Khởi nghĩa) Yên Bái, đây là điều nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm cong của đao phủ”.

Những dòng này được dựng thành bia đá lừng lững trong khu công viên - tưởng niệm lãnh đạo KN Yên Bái, cụ Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và các vị anh hùng bị hành quyết sau khi việc lớn không thành. 17 cột đá lừng lững vòi vọi, dòng chữ khổng lồ “Không thành công cũng thành nhân” trên một vòng tròn khuyết đã thành điểm nhấn tuyệt vời của khu tưởng niệm.

Cai ngục lễ sống người sắp bị đưa ra hành quyết

Mỗi lần đọc bài thơ “Ngày tang Yên Bái” từng in trong sách giáo khoa, bất cứ ai cũng thấy xúc động nổi da gà. “Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang/ Thong thả tiến đến trước đài danh dự (...) Nét u buồn chợt mơ màng thoáng gợn/ Trên khóe mắt đã từng khinh đau đớn/ Của những trang anh kiệt sắp lìa đời (...) Nhưng này đây, phút thiêng liêng đã đến/ Sau cái nhìn chào non nước bi ai/ Họ thản nhiên lần lượt bước lên đài/ Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng/ “Việt Nam muôn năm”, một đầu rơi rụng/ “Việt Nam muôn năm”, người kế tiến lên/ Và tử thần kính cẩn đứng ghi tên/ Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc”.

Câu thơ nổi tiếng của Aragon viết về KN Yên Bái được khắc vào đá, trưng bày trang trọng tại khu vực tưởng niệm.

Giữa trung tâm TP Yên Bái hiện nay, có một không gian hồ nước mênh mông và khu tưởng niệm xúc động để nhớ về cuộc KN Yên Bái lừng danh. Nhà thơ Ngọc Bái, nguyên Giám đốc Sở VHTT (nay là Sở VHTTDL) tỉnh Yên Bái, người đã nhiều năm tâm huyết với từng kiến trúc, từng hạng mục và từng câu thơ được “dựng tượng khắc bia đá” ở nơi này. Tại nhà mình, ông Ngọc Bái bắt đầu câu chuyện với PV Báo Lao Động:

“Ở Hà Nội có phố Phó Đức Chính ở gần hồ Trúc Bạch ấy. Tôi vừa ở Vĩnh Phúc ít ngày, sắp hoàn thành một kịch bản phim tài liệu về lãnh tụ cuộc KN, cụ Phó Đức Chính, tên sách chính là câu nói lừng danh của cụ: “Đại sự không thành thì chết là vinh”. Tỉnh Vĩnh Phúc nghe tin tôi viết cái tiểu thuyết “Ngang trời mây đỏ” về KN Yên Bái, cũng đã đặt mua mấy trăm cuốn rồi. Vĩnh Phúc cũng là quê cụ Nguyễn Thái Học. Cụ Chính là người duy nhất không chống án trong số hơn ba chục người bị án tử hình vì tham gia KN Yên Bái. Vì, như lời tuyên bố của cụ: “Đại sự không thành thì chết là vinh”, nên cụ đã không việc gì phải chống án.

Về sau chúng giảm án, 26 người xuống khổ sai chung thân, còn 13 người thì nó vẫn xử tử tại Yên Bái này. Lúc 1h30 phút hôm đó, tàu đến ga Yên Bái. Giặc đưa cụ lên ngay trại giam chỗ khách sạn Công đoàn bây giờ. Có một chi tiết như thế này, tôi có viết vào trong tiểu thuyết của mình là: Tay cai Công là đao phủ của cuộc hành hình đó, khi cụ Phó Đức Chính và cụ Nguyễn Thái Học lên đến đây thì hắn đã lễ sống 2 ông ngay trong buổi sáng đầu tiên và xúc động nói: “Xin hai ông xá tội cho tôi vì đây là việc tôi buộc phải làm”. Thì cụ Nguyễn Thái Học khuyên hắn: “Ông làm nghề này thất đức lắm, về sau ông giải nghệ đi nhé”. Và về sau ông cai Công có giải nghệ thật. Khi bị hành hình, cụ Phó Đức Chính yêu cầu được nằm ngửa cổ về phía lưỡi dao khủng khiếp của máy chém. Cụ bảo, ta nhìn lên trời xanh, “cho ta nằm ngửa để nhìn thẳng vào lưỡi dao tội ác của giặc Pháp”.

PV: Xin hỏi, chi tiết này ai với ông kể vậy?

Nhà thơ Ngọc Bái: Được cung cấp trong một cuộc hội thảo về KN Yên Bái khoảng năm 1997 do tôi và ông Trần Đức Cường hồi đó là Viện trưởng Viện Sử học chủ trì.

Thưa ông, được biết ông về quê của cụ Nguyễn Thái Học rất nhiều lần, gia đình dòng tộc của vị lãnh đạo cuộc KN chấn động đó ra sao?

Em trai cụ Nguyễn Thái Học là Nguyễn Thái Nho. Cụ Nho bị xử tử cùng với vài đồng sự nữa ở Hỏa Lò. Còn cụ Nguyễn Thái Lâm thì bị địch nó bắt về đình Thổ Tang rồi nó dẫn giải về trước cửa nhà cụ nó bắn để thị uy. Còn cụ nữa là Nguyễn Thái Nỉ (em trai cụ Nguyễn Thái Học) về làm thuốc thì mới mất quãng sau năm 2012. Khi địch xử chém cụ Học thì Nguyễn Thái Nỉ mới có 6 tuổi và bà mẹ phải gánh con đi để lánh nạn. Tôi cũng có làm phim về tài liệu về chuyện này, bây giờ vẫn còn giữ, phim có lời em trai Nguyễn Thái Nỉ kể về anh Nguyễn Thái Học.

Trong sách giáo khoa ngày xưa có bài thơ viết về vụ xử tử những người anh hùng vệ quốc tuyệt vời trong vụ Khởi nghĩa Yên Bái. “Gió căm hờn rền rĩ tiếng gào than/ Từ lưng trời sương trắng phủ màu tang”. Rồi “Trong quần chúng đứng cúi đầu ủ rũ/ Vài cụ già đầu bạc lệ tràn rơi/ Ngất người sau tiếng rú “Ới con ơi!”. Tiếng rú đó là người thân của các liệt sỹ, ví như người mẹ già của cụ Nguyễn Thái Học?

Hình ảnh lãnh tụ Nguyễn Thái học và ngôi đền tri ân công đức của cụ.

Có một chi tiết như thế này, bà bá (bác gái) ruột của tôi tên là Tùng, lúc đó có 15,16 tuổi thôi, bà ấy đã chứng kiến chém cụ Nguyễn Thái Học ngay trước cửa nhà thờ ở khu trung tâm Yên Bái này. Ấy là khu bãi tập của lính khố xanh. Thì bá ấy có kể chuyện như này: Lúc đó có biết gì đâu thì cũng đến xem, lúc đó thấy cụ Nguyễn Thái Học ngậm điếu xì gà to lắm, lúc đó ông phì ra đọc mấy câu thơ tiếng Pháp ấy, bá thì không biết tiếng Pháp, chỉ biết là đọc thì về sau này mình biết đó chính là câu: “Chết vì Tổ Quốc chết vinh quang/ Lòng ta sung sướng trí ta nhẹ nhàng”. Có một chi tiết ám ảnh, đó là: Lúc mà cụ đang hô Việt Nam vạn tuế thì lưỡi máy chém sập xuống đầu cụ, máu vọt ra rất xa, hình ảnh đó bi tráng lắm, miệng cụ lúc đó đang hô dở “Việt Nam vạn tuế”, phải lắp bắp thêm một lúc nữa thì mới khép lại. Chi tiết đó mình thấy quá là rùng rợn và bi tráng.

Địch mang máy chém đó từ Hỏa Lò lên, đúng không ông?

Máy chém chở từ Pháp sang. Ngày 16.6.1930, nó đem máy chém từ Hỏa Lò, ra ga Hàng Cỏ để đi Yên Bái. Trên tàu gồm 2 viên cha cố, một số mật thám, giám binh và máy chém. Tất nhiên là cả 13 tử tù. Khi bước ra khỏi Hỏa Lò thì cụ Nguyễn Thái Học cùng các nghĩa sĩ hô vang: “Chúng tôi đi đền nợ nước đây”. Dọc đường các cụ ấy còn đùa nhau, và cụ Phó Đức Chính còn nói là: “Anh Tiếp, anh Thuyết, anh Hoằng, anh Lương... đang chờ chúng ta”. Đó là 4 ông bị xử chém trước đó, hôm 8.5. Và họ còn bảo nhau hát vang.

Xin được hỏi, ông bắt đầu quan tâm nghiên cứu sâu cuộc KN Yên Bái này từ bao giờ?

Từ lâu lắm, nhất là khi làm Giám đốc Sở, tôi thấy cần phải làm thế nào để dựng lại hình ảnh của những người vĩ đại đã hy sinh vì đất nước tại đất Yên Bái này. Cụ thể, là làm thế nào có được một khu lưu niệm Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và các nghĩa sĩ xứng với tên tuổi của những liệt sĩ đáng kính ấy.

Có chi tiết: Khi ông Phạm Gia Khiêm lên làm Phó Thủ tướng Chính phủ thì ông Khiêm có lên Yên Bái. Ông vào chính lăng mộ của cụ Nguyễn Thái Học cùng các nghĩa sĩ, tại đó, ông Khiêm hỏi ông Ý (bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy): “Ở đây có ai am tường sự kiện KN Yên Bái, xin làm “hướng dẫn viên”? Thì ông Ý gọi mình đến nói khoảng 5 phút. “Anh Khiêm ạ, lòng yêu nước không bao giờ cũ cả, lòng yêu nước là bình đẳng, không phải hôm nay chúng ta yêu nước hơn những người trước đó. Thế cho nên anh giúp chúng tôi là tạo điều kiện để tôn tạo khu lăng mộ cho nó xứng tầm”.

Sau này cấp trên duyệt kinh phí là 6 tỉ 991 triệu đồng. Các công trình rất có ý nghĩa được xây: Thứ nhất là làm lăng mộ các vị tử sĩ. Với ý tưởng “trời tròn đất vuông”, gồm một vòng tròn không khép kín. Nền vuông. Và 17 liệt sĩ là 17 cái cột “chống trời” rất lớn bằng ximăng cốt thép. Với cái vòng tròn không khép kín nghĩa là cuộc khởi nghĩa dang dở không thành công. Còn chỗ miếng vỡ, ném xuống đất vừa là trang trí về mỹ thuật nhưng ý nghĩa ngầm là lòng yêu nước vẫn được đất mẹ nuôi dưỡng.

Đặc biệt là khu tượng đài có người phụ nữ chính là bà Nguyễn Thị Giang. Tuy bà không chết ở đây nhưng các chuyên gia vẫn muốn có tượng bà ở đây, vì bà cũng có đóng góp lớn, là linh hồn của cuộc KN. Khi sự không thành, bà tự tử bằng chính khẩu súng mà chính chồng/ người yêu Nguyễn Thái Học đã tặng.

“Đắp tượng” hai câu thơ của Louis Aragon tại Yên Bái

Họ chém các vị tử sĩ của non sông xong, thi thể và thủ cấp của các vị được “để” ở đâu?

Thi thể các vị thì chúng chở bằng xe trâu đưa xuống nghĩa địa ta (phân biệt với nghĩa địa Tây), chôn chung vào chỗ, đó là khu giáp với ga tàu hỏa Yên Bái ngày nay. Khu vực các vị ấy bị chém, giờ bà con lập một cái miếu thờ, gọi là miếu Nguyễn Thái Học. Sau này thì bà con ta đắp mộ cho các cụ. Bấy giờ còn sơ sài lắm. Lúc tôn tạo, chúng tôi cho xây hai ngôi mộ tập thể lớn. Mộ thứ nhất là có 4 người gồm: Ông cai Hoằng, ông cai Thuyết, ông cai Lương, ông cai Tiệp. Mộ thứ 2 gồm 13 người. Sau khi khánh thành khu lăng mộ rồi, lúc đó là năm 2002, mình mới nghĩ phải nhắc lại câu thơ của Aragon (người Pháp) viết rất trứ danh về KN Yên Bái. Một câu thơ hay như thế mà không được ghi lại vào một tấm bia ở “Công viên Nguyễn Thái Học” thì thật đáng tiếc.

Khi nhà văn Nguyễn Đình Thi lên đây thì chúng tôi đưa nguyên văn câu thơ tiếng Pháp viết về Khởi nghĩa Yên Bái cho ông “hiệu đính”, thì ông bảo: Họ dịch tương đối chuẩn nhưng đề nghị bỏ chữ “cong” trong câu thơ thứ nhất đi, còn câu thơ thứ 2 thì thay cho mình một chữ. Ông nói tại lăng mộ Nguyễn Thái Học, câu đó như này: “Yên Bái, đây là điều nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm cong của đao phủ”. Theo ông Thi thì không cần chữ “cong”.

Câu thơ trên được đưa vào “văn bia”, đến tháng 6.2016 thì có bổ sung thêm nguyên bản Tiếng Pháp. Để người hành hương hiểu rằng nhà thơ Aragon đã cảm xúc và viết bài đó rồi in trong tập san “Công hội đỏ” ở Paris ra sao. Nhiều người bảo, câu thơ trên không chỉ đúng với KN Yên Bái, mà còn đúng với cả nước.

Những “nhân vật” của KN Yên Bái thật kiêu hùng, bi tráng và ám ảnh, họ là những đấng tinh anh của non sông Việt. Đã có một thời gian dài, những câu chuyện dạng này ít được người ta đề đề cập đến?

Đấy là một điều mình trăn trở. Cuộc đời của các vị ấy đầy sóng gió, đầy sự tích anh hùng, mà không được đề cập xứng tầm thì rất đáng tiếc. Đã là lịch sử phải trả lại đúng cho sự thật lịch sử.

Lãng Quân (thực hiện)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/khoi-nghia-yen-bai-da-la-lich-su-phai-tra-lai-dung-cho-su-that-lich-su-683584.bld