Khởi dựng Thung lũng Silicon Việt Nam

Theo đề án Thương mại hóa công nghệ nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực công nghệ từ lúc mới hình thành ý tưởng, nước ta đã chọn xây dựng “Thung lũng Silicon Việt Nam” theo mô hình Silicon Valley của Mỹ.

Lý giải về nguyên nhân Việt Nam chọn mô hình này, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân cho rằng: Silicon Valey Mỹ là nơi khởi nghiệp của tất cả các “đại gia” trong lĩnh vực KH&CN, như Google, Microsoft và các hãng phần mềm lớn khác. Các đại gia về công nghệ điện tử, kể cả Apple đều khởi nguồn từ Silicon Valley này. Mô hình Silicon Valley thành công, vì đã tạo ra được động lực cho các nhà khoa học có thể tự do sáng tạo và gắn liền với sự ra đời của các doanh nghiệp mới. Các đại gia từ Silicon Valley khởi thủy cũng chỉ là những doanh nghiệp KH&CN với nguồn vốn lớn nhất chính là tài sản trí tuệ và được hình thành sau khi được hỗ trợ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và từ các doanh nghiệp khác.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, “Thung lũng Silicon Việt Nam” sẽ áp dụng theo mô hình Silicon Valley của Mỹ là bởi vì các quỹ đầu tư mạo hiểm đã rất thành công ở Silicon Valley. Silicon Valley thực chất là nơi tạo ra công nghệ cao, công nghệ mới, đã trở nên phổ biến và là chủ lực trong nền kinh tế toàn cầu. Công nghệ thông tin và truyền thông ngày nay chính là kết quả từ Silicon Valley. Không thể có thành tựu về thông tin di động, Internet nếu không sử dụng kết của quả Microsoft, Apple, Google… Bộ KH&CN đã và đang mời các chuyên gia từ Silicon Valley Mỹ, từ Hoa Kỳ và đặc biệt là các chuyên gia người Việt Nam, từng làm việc lâu năm ở Silicon Valley Mỹ, làm cố vấn cho chương trình triển khai Thung lũng Silicon Việt Nam. Ngoài ra, cũng hy vọng rằng, Thung lũng Silicon Việt Nam sẽ góp phần hạn chế được tình trạng “chảy máu chất xám”, mà nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt, kể cả nước Mỹ và các cường quốc khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, do tạo được môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi và tốt nhất, bên cạnh việc đãi ngộ thỏa đáng về vật chất để các nhà khoa học yên tâm làm khoa học, tạo ra các sản phẩm khoa học phục vụ cho phát triển kinh tế.

Thung lũng Silicon – Mỹ.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng nhấn mạnh, trong Luật Công nghệ cao đã có những điều khoản quy định về Quỹ đầu tư mạo hiểm và Bộ KH&CN đang kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đóng góp để xây dựng một quỹ đầu tư mạo hiểm theo mô hình của Silicon Valley Mỹ. Bộ cũng kêu gọi và không hạn chế các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp có tinh thần khoa học đề xuất ý tưởng và tham gia vào dự án này. Tuy nhiên, Bộ cũng xác nhận, tiêu chí đầu tiên rất quan trọng và bắt buộc phải có, đó là tinh thần khoa học, ý chí của những người làm doanh nghiệp, quyết tâm đổi mới công nghệ và làm chủ công nghệ mới, dám hy sinh để đầu tư cho những người làm nghiên cứu, bởi vì ngay cả ở Silicon Valley Mỹ, 9 dự án thất bại mới có 1 dự án thành công. Nhưng một dự án, khi đã thành công, sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ cho người đầu tư cũng như những nhà khoa học tham gia vào dự án. Vì vậy, Silicon Valley Mỹ vẫn tiếp tục phát triển.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cả doanh nghiệp và nhà khoa học cần có cùng mối quan tâm tới Thung lũng Silicon Việt Nam và làm sao xây dựng được Quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH&CN, bởi ngân sách Nhà nước không bao giờ là đủ và việc chi tiêu từ ngân sách nhà nước phải tuân thủ những quy định rất ngặt nghèo của luật pháp. Với Quỹ đầu tư mạo hiểm không dùng ngân sách nhà nước, mà chủ yếu từ đóng góp của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tự nguyện, việc đầu tư cho những ý tưởng của các nhà khoa học, đặc biệt là những ý tưởng mới, ý tưởng của nhà khoa học trẻ để họ có thể có được nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu sẽ trở nên đơn giản hơn, chỉ cần các nhà khoa học bàn giao lại sản phẩm cuối cùng theo đúng hợp đồng là mọi khoản chi tiêu lấy từ Quỹ sẽ được thanh quyết toán rất thuận tiện và đơn giản. Quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ chia sẻ những rủi ro của hoạt động nghiên cứu, hoàn toàn chấp nhận những rủi ro. Khi nhà khoa học thất bại, nhà đầu tư chịu chung rủi ro với nhà khoa học, còn khi thành công sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhà đầu tư, cũng như cho nhà khoa học.

Lê Trung (Nguồn: Cục Thông tin KH&CN Quốc gia)

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khoi-dung-thung-lung-silicon-viet-nam/