Khởi động năm APEC 2017

Sáng 17/2, Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp báo về Cuộc họp SOM1 trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (APEC) 2017.

Họp báo về Cuộc họp SOM1 trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (APEC) 2017. Ảnh VGP/Thế Phong

Từ ngày 18/2-3/3, tại Nha Trang (Khánh Hòa) sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ Nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM 1) và các cuộc họp liên quan. Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, đại biểu tại các cuộc họp sẽ cùng trao đổi, thống nhất các ưu tiên và nội hàm các ưu tiên của hợp tác APEC trong năm 2017.

Các thành viên cũng sẽ xác định ưu tiên của 4 ủy ban về thương mại và đầu tư, kinh tế, hợp tác kinh tế, kỹ thuật, ngân sách và quản lý cũng như các nhóm công tác khác của APEC. Đồng thời, đề ra các định hướng cho các hoạt động của APEC trong năm 2017.

SOM 1 và các cuộc họp liên quan thu hút khoảng 2.000 đại biểu từ 21 nền kinh tế thành viên, đại diện Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) và một số tổ chức quốc tế và khu vực khác, cùng đại diện giới doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Được biết, phiên khai mạc Hội nghị SOM 1 do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Chủ tịch SOM APEC 2017 chủ trì.

Cũng trong đợt này, tại Nha Trang sẽ diễn ra Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng Trung ương APEC (23-24/2) do Bộ Tài chính chủ trì.

Nha Trang sẵn sàng chào đón APEC 2017. Ảnh VGP/Hồng Hạnh

Theo ông Nguyễn Duy Bắc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, địa phương đã sớm thành lập các tiểu ban phục vụ cho công tác APEC. Cho đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, chuẩn bị cho SOM 1 và các cuộc họp liên quan diễn ra 2 tuần tại Nha Trang.

Ông Nguyễn Duy Bắc cho biết, đây sẽ là cơ hội quảng bá du lịch và hình ảnh Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng đến 21 nền kinh tế lớn trên thế giới. Đồng thời, là cơ hội để các địa phương Việt Nam đối thoại song phương với đại diện các nền kinh tế để thu hút đầu tư FDI vào nhiều lĩnh vực ưu tiên.

So với năm 2006, tại APEC 2017, Việt Nam đứng trên một tâm thế khác; kỳ vọng của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn đối với Việt Nam cũng khác, trong bối cảnh có những thách thức rất lớn đối với quá trình liên kết kinh tế khu vực, cũng như tiến tới hoàn thành Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư ở châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020.

Do đó, 4 ưu tiên được Việt Nam đưa ra trong Năm APEC 2017: Tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực, và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu được các nền kinh tế thành viên APEC ủng hộ và nhất trí cao. Điều quan trọng là các ưu tiên này rất phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới.

Nhiều hiệp định tự do thương mại đã được hình thành từ những ý tưởng hợp tác giữa các thành viên, cùng giải quyết nhiều vấn đề, tạo động lực cho tăng trưởng và liên kết toàn cầu: tăng trưởng bền vững, ứng phó với các thách thức toàn cầu, các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới…

Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, APEC tiếp tục khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực; là cơ chế khởi xướng và điều phối các ý tưởng, sáng kiến liên kết kinh tế. Diễn đàn 2,8 tỷ dân này đang đại diện khoảng 57% GDP và 49% thương mại toàn cầu, đồng thời là nơi hội tụ 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cũng như duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Hồng Hạnh-Thế Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/apec-2017/khoi-dong-nam-apec-2017/298883.vgp