Khơi dậy tiềm năng vận tải đường thủy

Trong hai năm gần đây, chủ trương của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về tái cơ cấu vận tải và sự đầu tư cho vận tải đường thủy nội địa đã mang lại hiệu quả tăng thị phần vận tải, tạo đà khơi dậy tiềm năng của vận tải đường thủy vốn đang bị bỏ ngỏ bấy lâu nay.

Kết nối ba miền

Tháng 7 vừa qua đánh dấu hai năm tuyến vận tải ven biển dành cho phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB (tàu sông pha biển) đầu tiên Quảng Ninh - Quảng Bình được công bố và đi vào khai thác. Ngay sau khi tuyến đầu tiên được mở ba tháng, Bộ GTVT lần lượt mở mới các chặng như Quảng Bình - Bình Thuận, Bình Thuận - Kiên Giang, tạo thành trục vận tải kết nối các con sông chính ở ba miền bắc - trung - nam. Cục trưởng Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết, ban đầu mở tuyến, chỉ có vài chục phương tiện tham gia, đến nay đã có hơn 1.100 phương tiện mang cấp VR - SB được đăng ký, trong đó gần 900 tàu vận tải đang hoạt động trên tuyến ven biển nối ba miền, với 28 tàu chuyên chở công-ten-nơ. Ước tính, số khối lượng hàng hóa vận chuyển trên tuyến ven biển đã vượt mốc 11 triệu tấn. “Sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện trên tuyến vận tải ven biển cho thấy chủ trương mở tuyến vận tải ven biển của Bộ GTVT đã tạo sự đột phá cho ngành vận tải thủy nội địa, giúp vận tải thủy tăng sức cạnh tranh với các lĩnh vực khác, giảm tải cho đường bộ và góp phần giảm giá thành vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, Cục trưởng Hoàng Hồng Giang chia sẻ.

Anh Nguyễn Trung, Đội trưởng vận tải, Công ty Xi-măng Hoàng Long (Hà Nam) cho biết: Hàng hóa của công ty trước đây vận chuyển đi các tỉnh chủ yếu bằng ô-tô, nhưng hơn một năm trở lại đây, khi các cơ quan chức năng kiểm soát mạnh mẽ xe quá tải, công ty đã chuyển dần sang vận chuyển bằng đường thủy. Chúng tôi nhận thấy, vận chuyển bằng đường bộ có giá thành cao gấp bốn lần so với đường thủy. Khi vận chuyển bằng đường thủy, doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 30 triệu đồng/tháng. Theo đánh giá của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, định hướng tái cơ cấu vận tải của Bộ GTVT và sự nỗ lực của các đơn vị trong ngành, địa phương và doanh nghiệp đã mang lại khởi sắc rõ rệt trong vận tải hàng hóa bằng đường thủy. Đến nay, đường thủy chiếm khoảng 18% thị phần vận tải hàng hóa toàn ngành GTVT và đạt tốc độ tăng trưởng trung bình về vận chuyển 4,85%/năm ở phía bắc, 6,4% ở miền trung và 8,7% ở khu vực phía nam.

Sau 60 năm thành lập và phát triển, ngành GTVT đường thủy đang bước vào giai đoạn đổi mới rõ nét, thu hút sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp vận tải. Đường thủy đang hình thành xu hướng đầu tư phương tiện vận tải cỡ lớn, vận tải công-ten-nơ, kết nối mạnh mẽ với hàng hải, đường bộ và tham gia chuỗi logistics,… Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng Lê Hoàng Linh - đơn vị có thị phần vận tải bằng xà-lan lớn nhất hiện nay - cho biết, phương thức vận tải công-ten-nơ bằng xà-lan là phương thức mới hình thành khoảng mười năm trở lại đây nhưng tỏ ra có ưu thế rõ nét, phát triển khá ấn tượng. Năm 2015, sản lượng đạt 1,5 triệu TEUs (tương đương 21 triệu tấn hàng hóa). Phương thức này đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Với sự phát triển của ngành logistics vận tải thủy trong thời gian qua và định hướng phát triển vận tải đường thủy của Chính phủ cũng như Bộ GTVT, đã cho thấy vai trò quan trọng của loại hình dịch vụ này ngày càng được nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa quan tâm và khai thác hiệu quả.

Tháo gỡ vướng mắc

Theo Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ, định hướng tái cơ cấu vận tải mà ngành GTVT triển khai trong thời gian qua đã phần nào mang lại sự thay đổi tích cực cho lĩnh vực vận tải thủy. Tuy nhiên, đường thủy cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của vận tải giá rẻ, bền vững và thân thiện với môi trường. Để làm được điều này, cần tạo được sự kết nối thuận lợi giữa phương thức vận tải đường thủy với đường bộ, đường sắt, cảng biển và hình thành sự liên thông luồng tuyến giữa các vùng, miền; đồng thời, gỡ bỏ các rào cản đầu tư, thủ tục hành chính liên quan để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng luồng tuyến, kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp cho biết, vẫn còn nhiều bất cập trong vấn đề như phí lai dắt phương tiện thủy vào cảng biển cao, quy định số lượng định biên thuyền viên tàu VR - SB nhiều hơn mức cần thiết,…

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã nhận diện những hạn chế, bất cập gây cản trở vận tải thủy, tiếp thu các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và đang triển khai quyết liệt các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy. Từ tháng 4-2016, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã chính thức thí điểm cấp phép cho tàu vào cảng qua tin nhắn, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp vận tải và người dân về thủ tục, thời gian lưu thông qua cảng, bến thủy nội địa, thời gian di chuyển từ kho, bãi hàng đến cảng vụ. Các doanh nghiệp nêu nguyện vọng, đường thủy cần được quan tâm đầu tư hơn nữa về hạ tầng và giảm bớt các điều kiện, thủ tục hành chính liên quan. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại vận tải biển Trường Lộc Lê Minh Huấn chia sẻ, ngoài việc thiếu kết nối giữa các phương thức vận tải, giá cước đi bằng đường thủy vẫn cao do phải thêm khâu bốc dỡ lên, xuống. Chi phí cho bốc dỡ chiếm 3% đối với công-ten-nơ, nếu hàng rời có khi lên tới 5%.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện nay, giá cước vận tải đường thủy nội địa thuộc diện thấp nhất, chỉ bằng 25 đến 30% so với đường bộ và rất thích hợp cho việc vận chuyển hàng công-ten-nơ. Đơn cử, giá cước một công-ten-nơ loại 40 phít từ cảng Hải Phòng lên Việt Trì (Phú Thọ) nếu bằng đường bộ, giá cước 9 đến 10 triệu đồng, cộng các chi phí cầu đường có thể lên tới 12 triệu đồng, trong khi đi đường thủy chỉ khoảng 4,5 triệu đồng (gồm các loại thuế, phí),… Hình thức vận tải đường thủy nội địa ngày càng được nhiều doanh nghiệp vận tải quan tâm bởi giá cước hợp lý, vận chuyển an toàn và thủ tục hành chính linh hoạt. Mặc dù nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc, thuận lợi cho phát triển giao thông đường thủy nhưng trước đây, có đến 90% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ. Mỗi năm, ngân sách nhà nước phải chi hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư hạ tầng đường bộ, trong khi đường thủy chưa được phát huy.

Hiện nay, ngoài tuyến vận tải thủy ven biển, nhiều tuyến mới đã có sự khởi sắc đáng kể như các tuyến vận tải công-ten-nơ từ đồng bằng sông Cửu Long - Cam-pu-chia, Hải Phòng - Việt Trì, Hạ Long - Móng Cái,... Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp tục đề xuất cho mở thêm các tuyến vận tải thủy từ Việt Nam đi Cam-pu-chia, Trung Quốc; nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa trọng điểm như hành lang duyên hải, TP Hồ Chí Minh - Cà Mau, Quảng Ninh - Móng Cái… Đồng thời, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, người dân và ban hành hơn 50 văn bản chỉ đạo, điều hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp tham gia vận tải đường thủy.

Thời gian qua, việc đưa các phương tiện xà-lan có tải trọng lớn vào khai thác còn hạn chế. Có những tuyến luồng tuy nguồn công-ten-nơ và hàng hóa nhiều, ổn định, song vẫn phải sử dụng xà-lan tải trọng nhỏ để khai thác. Nguyên nhân do một số tuyến luồng hạn chế về tĩnh không, bãi bồi, luồng hẹp và thậm chí bị cạn, luồng bị các công trình dân dụng lấn chiếm. Vì vậy việc đầu tư nâng cấp các công trình giao thông thủy và tăng năng lực thông qua của các tuyến luồng là nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Lê Hoàng Linh
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31184202-khoi-day-tiem-nang-van-tai-duong-thuy.html