Khơi dậy niềm tin vào cải cách

Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp (DN) vào cải cách đang được khơi dậy, không chỉ trong nước mà cả ngoài nước khi thấy quyết tâm của Chính phủ trong chỉ đạo cải cách. Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc (ảnh) đã nhấn mạnh như vậy trong trao đổi với ĐTTC nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10.

PHÓNG VIÊN: - Ngày Doanh nhân 13-10 năm nay cũng là năm đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới. Cảm xúc của ông có khác gì với những năm trước và ông kỳ vọng gì?

Ông VŨ TIẾN LỘC: - Cảm xúc rất khác. Chính phủ mới đã đặt ra phương châm hành động là Chính phủ phục vụ, kiến tạo. Đi cùng với đó là các biện pháp quyết liệt, từ việc tiếp tục tái khẳng định vai trò quan trọng của Nghị quyết 19 trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị quyết 35 về phát triển DN đến năm 2020… cho đến việc cải cách thể chế để hỗ trợ DN như dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV. Điều này khiến tôi rất kỳ vọng vào sự thay đổi sắp tới và đó cũng là những điều được cộng đồng DN, doanh nhân kỳ vọng, đánh giá cao. Dù chính sách đang trong quá trình thực hiện chắc chắn có độ trễ nhưng chỉ cần niềm tin đó cũng đủ để cộng đồng DN và doanh nhân hồ hởi.

- Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), tính đến hết tháng 9, cả nước có 590.000 DN đang hoạt động. Trong khi đó, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động. Ông nghĩ sao về mục tiêu này?

- Tháng 7, cả nước có 9.600 DN thành lập mới; tháng 9 cũng có gần 10.000 DN thành lập mới. Với tiến độ này, mỗi năm chúng ta sẽ có thêm 120.000-150.000 DN hoạt động. Cùng với đó, theo cam kết của các tỉnh, thành phố, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020 có 500.000 DN; Hà Nội 370.000 DN, tăng hơn 2 lần so với hiện nay. Với những ký kết của các địa phương, dự báo ít nhất sẽ có 1,2 triệu DN vào năm 2020. Như vậy, mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 chắc chắn đạt được, thậm chí cao hơn nếu Việt Nam có môi trường kinh doanh tốt hơn. Để làm được điều này chúng ta phải bảo toàn lực lượng DN có tiềm năng cạnh tranh, vừa khuyến khích thúc đẩy phát triển thêm nhiều DN mới. Nước ta hiện có gần 5 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp, trong đó có gần 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Đó là lực lượng tiềm năng của đội ngũ DN trong tương lai gần. Nếu có chính sách khuyến khích họ chuyển sang mô hình tổ chức DN, mục tiêu có được 1,5-2 triệu DN trước năm 2020 là trong tầm tay.

Việc VCCI cùng với các địa phương ký cam kết tạo thuận lợi cho DN vừa qua đã thể hiện sự đồng hành của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong việc kề vai sát cánh với DN, đã tạo sự phấn khởi và niềm tin cho cộng đồng DN, doanh nhân.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để các hộ kinh doanh chuyển sang thành lập doanh nghiệp cũng sẽ mang đến “lợi kép”, vừa đạt được mục tiêu đề ra vừa chính thức hóa hoạt động kinh doanh là lối thoát cho các hộ kinh doanh trước sức ép của hội nhập. Nếu DN Việt Nam cứ nhỏ lẻ, không minh bạch rất khó vươn tới chuẩn mực quốc tế, khó tạo ra năng suất, hiệu suất cao và khó trụ vững trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt. Chính sách hỗ trợ chuyển dịch hộ kinh doanh thành DN như một mũi tên có thể trúng cả 2 đích.

- Nói như vậy không còn lo ngại gì?

- Không hoàn toàn như vậy. Để những quyết tâm, lời nói của Chính phủ đi vào thực tế đòi hỏi nhiều việc phải làm hơn nữa. Thí dụ, việc triển khai Nghị quyết 19 năm 2016, theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, bên cạnh một số địa phương quyết liệt triển khai thực hiện và đã đạt được kết quả đáng khích lệ, vẫn còn nhiều địa phương chưa bám sát nghị quyết hoặc chưa thể hiện kết quả đạt được rõ ràng, chỉ nêu công việc chung chung. Đáng chú ý, Nghị quyết 19 này ban hành từ ngày 28-4 nhưng một số tỉnh mới ban hành kế hoạch hành động, như Khánh Hòa (ngày 14-9), Hậu Giang (23-8), Kiên Giang (8-8), Sơn La (12-8), Cà Mau (17-8). Như tôi đã từng phản ánh nhiều lần phát biểu của cử tri, đó là “con đường dài nhất ở Việt Nam không phải là từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà là từ lời nói tới việc làm của nhiều cấp chính quyền và công chức”.

Bên cạnh đó là sửa đổi những bất cập đang cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, không đáp ứng yêu cầu hội nhập để thúc đẩy khởi nghiệp. Chính vì thế, việc Chính phủ đưa ra dự thảo Luật sửa đổi các luật đầu tư, kinh doanh là một yêu cầu bức thiết từ thực tiễn. Bởi, thực tế nhiều quy định của các luật về DN và môi trường đầu tư kinh doanh đang trong tình trạng không ăn khớp nhau về cách thức tiếp cận, chồng chéo về nội dung, thiếu tính đồng bộ và nhất quán, không tương thích, thiếu liên thông. Môi trường kinh doanh vẫn còn chằng chịt những ràng buộc vô lý, chi phí kinh doanh cao, gồm chi phí chính thức và phi chính thức, buộc DN khởi nghiệp phải sang Singapore khai sinh. Thí dụ, Luật Nhà ở không thống nhất với Luật Đất đai; Luật DN, Luật đầu tư được thiết kế theo phương án chọn bỏ, thiên về hậu kiểm, trong khi luật chuyên ngành lại theo cách chọn cho, tiền kiểm… Cộng đồng DN kiến nghị ít nhất có 50 luật và khoảng 150 điều khoản trong các luật cần được xem xét sửa đổi, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, môi trường, xây dựng… Đây đang là những rào cản đối với hoạt động kinh doanh của DN hiện nay.

- 5 năm tới là giai đoạn Việt Nam bước vào hội nhập mạnh mẽ, theo ông Nhà nước và DN cần phải làm gì?

- Hiện nay chúng ta đang đứng trước yêu cầu hội nhập sâu rộng. Thách thức lớn nhất của DN là làm thế nào để vươn tới chuẩn mực quốc tế để có thể lớn lên được và kết nối được các chuỗi giá trị toàn cầu. Một trong những yêu cầu quan trọng trong thời gian tới không chỉ tiếp tục cải cách thể chế tạo môi trường kinh doanh bình đẳng minh bạch, mở cửa thị trường và tham gia hội nhập sâu rộng nhất, mà cần có chương trình thúc đẩy phát triển DNNVV. Trong quá trình hội nhập đối tượng dễ bị tổn thương chính là khu vực DN này và các hộ kinh tế hộ gia đình. Vì thế tăng cường, thúc đẩy sự liên kết của hộ DN là một trong những yêu cầu Chính phủ cũng như cộng đồng DN phải hướng tới. Do đó, các chính sách của Chính phủ trong thời gian tới cần hỗ trợ thúc đẩy phát triển DNNVV, thay vì các chính sách riêng lẻ cho từng công đoạn, từng khâu, từng loại DN.

- Xin cảm ơn ông.

Ngọc Quang (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161008/khoi-day-niem-tin-vao-cai-cach.aspx