Khởi đầu… khởi sắc

(ANTĐ) - Tháng khởi đầu năm 2011 đã khép lại với những tín hiệu bước đầu cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vừa bước qua tháng đầu tiên của năm 2011 với những con số ấn tượng trong giải ngân vốn được 420 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, cả nước có 40 dự án mới với tổng vốn đăng ký bằng 15,6% so với cùng kỳ. Tổng cục Thống kê cũng vừa công bố tốc độ tăng-giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI), giá vàng, giá USD trong tháng 1-2011.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài khởi sắc với các nhà đầu tư Singapore dẫn đầu, tăng thêm 58,2 triệu USD vốn đầu tư, chiếm 31% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới 49,9 triệu USD. Đứng thứ 3 là Nhật Bản với tổng vốn đăng ký cấp mới 26,3 triệu USD. Hấp dẫn nhất các nhà đầu tư nước ngoài là công nghiệp chế biến, chế tạo với 15 dự án, tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 70 triệu USD. Đứng thứ 2 là lĩnh vực xây dựng với 9 dự án, tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 63,3 triệu USD. Dù chưa có nhiều căn cứ để đưa ra con số dự báo cụ thể cho cả năm 2011, song có khả năng vốn thực hiện sẽ vào khoảng 11-12 tỷ USD. Điều đáng quan tâm hơn cả là tốc độ tăng-giảm chỉ số CPI, giá vàng, giá USD trong tháng 1 vừa qua. Trước hết, tốc độ tăng CPI tháng 1 vẫn còn cao nhưng cũng thấy hơn so với tốc độ tăng bình quân của tháng 12 năm trước. Đây là một trong 5 năm qua có tốc độ tăng CPI của tháng 1 năm nay thấp hơn tháng 12 năm trước. Có nghĩa là nằm trong một số ít năm có tốc độ tăng giá của tháng áp Tết Nguyên đán thấp hơn tháng trước đó. Chính điều này góp phần làm giảm nỗi lo về lạm phát cao hơn sau khi đã tăng một cách khác thường trong 4 tháng trước đó, tốc độ tăng chỉ số CPI chậm lại của tháng khởi đầu năm 2011 là kết quả của nhiều yếu tố tác động. Trước hết là sự thắt chặt của chính sách tiền tệ với một số động thái đáng lưu ý. Đó là nâng lãi suất cơ bản từ 8%/năm lên 9%/năm; mặt bằng lãi suất của ngân hàng thương mại tăng lên; tạm dừng việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD để tránh việc “nhập khẩu” lạm phát và khuếch đại lạm phát trong nước. Chính sách tài khóa đã có sự phối hợp tốt hơn với nhiều động thái tích cực như tạm dừng việc thực hiện giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng gồm giá điện, giá xăng dầu (giảm thuế, sử dụng quỹ bình ổn giá); quyết liệt hơn trong việc giảm bội chi ngân sách GDP so với dự tính trước đó. Đặc biệt là các địa phương đã chủ động trích ngân sách để thực hiện việc dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn giá; thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người có công, các đối tượng chính sách và những người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, rét đậm, rét hại cũng như người nghèo, đồng bào vùng miền núi, vùng sâu vùng xa… Nhìn vào giá vàng, có thể thấy, giá vàng tháng 12-2010 tăng tới 5,43%, nhưng đến tháng 1 năm nay đã giảm 0,05%. Tương tự, giá USD chính thức không thay đổi chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tự do với thị trường chính thức đã giảm xuống. Đó là do động thái không điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, mặt khác lượng ngoại tệ đổ vào nước ta từ nguồn kiều hối, từ du khách nước ngoài và từ đầu tư gián tiếp tăng khá. Dẫu vậy, lãi suất gửi tiết kiệm bằng USD gần đây tăng khá cao cộng với tình trạng “đô la hóa” vẫn khá lớn cũng ít nhiều tác động đến tâm lý lo ngại rủi ro tỷ giá. Tháng khởi đầu năm 2011, mặc dù chỉ số CPI tăng chậm lại, đầu tư nước ngoài khởi sắc, song không nên quên rằng, CPI tháng 1 tức là còn cách Tết Nguyên đán chừng một tuần. Mà một tuần trước và nửa tháng sau Tết Tân Mão đều nằm gọn trong chu kỳ tăng chỉ số CPI của tháng 2-2011. Số liệu thống kê lịch sử trong suốt 19 năm qua cho thấy, hầu như tốc độ tăng giá tiêu dùng của tháng 2 luôn cao hơn tháng 1. Rõ ràng đây là một thách thức không thể xem thường trong công tác quản lý, điều hành, kiểm soát giá cả, phòng ngừa nguy cơ lạm phát cao quay trở lại ngay sau Tết Nguyên đán.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=92967&channelid=3