Khóc ở đỉnh Hackshaw

Sau Braveheart (Trái tim dũng cảm, 1995), đạo diễn (ĐD) kiêm tài tử Mel Gibson tiếp tục trụ vững trên đỉnh cao nghề nghiệp với bộ phim lịch sử, tâm lý Hackshaw Ridge (Người hùng không súng).

Ngoài hạng mục Phim hay nhất, Hackshaw Ridge còn nhận được năm đề cử ở các hạng mục quan trọng khác tại Oscar 2017, trong đó có Đạo diễn xuất sắc nhất. Đây không phải lần đầu Mel Gibson đạt thành tích vang dội như thế. Braveheart, bộ phim thứ hai trong sự nghiệp ĐD của tài tử gạo cội này từng nhận 10 đề cử Oscar năm 1996 và kết quả là ông đoạt tượng vàng ĐD, bộ phim đoạt bốn giải Oscar khác.

Trong sự nghiệp ĐD của mình, tính đến nay, “người hùng” sinh năm 1956 này đã có tổng cộng bốn phim, hai phim thành công nhất đều khai thác đề tài chiến tranh, dựa trên những câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử. Khoảng cách hơn 20 năm cho hai bộ phim còn cho thấy một bước tiến dài về tài năng của Mel Gibson và đặc biệt là sự chuyển biến về nhãn quan, tư tưởng khi hướng đến những chủ đề mang tính thời đại trong các tác phẩm của mình.

Theo Variety, Hackshaw Ridge có quá trình thai nghén đến 14 năm, từ khi xuất hiện ý tưởng tới lúc sản xuất. Rõ ràng là phim đã được nâng lên đặt xuống rất kỹ sau khi được phép thực hiện từ nhân vật nguyên mẫu Desmond Doss, người duy nhất không cầm súng trên chiến trường vẫn được nhận Huân chương Danh dự. Mel Gibson kể, khi chứng kiến sự hóa thân của nam diễn viên Andrew Garfied trong vai người cha của mình thời trẻ, con trai của Desmond đã bật khóc ngay tại trường quay ở Australia. Tài diễn xuất của tài tử sinh năm 1983 này sau đó đã được ghi nhận với đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Oscar năm nay.

Như hội tụ được đầy đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, 160 phút của Hackshaw Ridge lôi cuốn khán giả từ đầu đến cuối. Chủ đề chiến tranh và đức tin có vẻ khô khan nhưng đã khuấy động không chỉ trái tim mà cả tâm trí người xem. Xuất thân và gia đình của nhân vật chính được phác họa trong một đoạn ngắn ấn tượng ngay đầu phim với nhịp khá nhanh. Trong những năm tháng tuổi thơ, cậu bé Desmond đã phải đối mặt với những chất vấn về bạo lực, cảm nhận được hậu quả của chiến tranh.

Trước hình ảnh người cha nát rượu đang trầm uất và ám ảnh vì những mất mát sau khi bước ra khỏi cuộc chiến, người mẹ dạy con: “Lấy đi mạng sống của người khác là tội lỗi nghiêm trọng nhất trong mắt Chúa”. Cậu bé Desmond lớn lên trong sự cục cằn của cha và hiền dịu của mẹ. Nếu người cha trải qua cuộc thế chiến thứ nhất, thì Desmond và anh trai cũng phải tòng quân ở thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây là khi ra chiến trường, người con luôn mang bên mình cuốn Kinh Thánh nhỏ, là món quà từ người con gái anh yêu.

Cuốn sách nhỏ có kẹp tấm hình của cô gái chứa đựng một “sức nặng” bất ngờ, vì gửi gắm không chỉ niềm tin của người mình yêu, mà còn hun đúc đức tin trong Desmond ngày càng thêm mạnh mẽ, như chính anh nói: “Anh không biết anh có thể là chính mình không nếu anh không sống đúng những gì mình tin tưởng”.

Như tên gọi, bối cảnh chính của phim và câu chuyện về đức tin được đẩy lên đỉnh điểm ở đỉnh Hackshaw thuộc Okinawa, Nhật, nơi giao tranh đẫm máu trong trận chiến Mỹ - Nhật năm 1945. Cảnh thịt nát xương tan ở phút đầu phim được lặp lại thảm khốc hơn gấp nhiều lần, khiến người xem không khỏi ghê sợ và đặt câu hỏi chiến tranh có cần thiết phải xảy ra?

Giữa bao người cầm súng bắn vào nhau, Desmond chỉ duy nhất một lần quơ lấy khẩu súng trường để làm… cáng kéo. Dù chịu bao vùi dập, thậm chí bị coi như kẻ hoang tưởng, lạc lõng trong binh đoàn nhưng Desmond vẫn nhất quyết không cầm súng, chỉ chịu làm lính quân y. “Tôi không thấy mặc đồng phục, chào cờ, luyện tập có vấn đề gì. Vấn đề nằm ở việc cầm súng giết người”, anh lập luận như thế khi bảo vệ niềm tin của mình.

Với Desmond, bạo lực không phải là cách giải quyết những khác biệt. Với nhiều người, từ anh lính trơn đến những tướng tá, làm cách mạng mà không dùng bạo lực là gàn dở; nhưng với Desmond, đó là đức tin. Khi đức tin ấy được soi sáng, nuôi dưỡng từ tuổi thơ đến trưởng thành thì nó đã trở thành nguồn sức mạnh lớn lao, là kim chỉ nam cho con người giữa trùng trùng trận địa.

Hackshaw Ridge được quay 59 ngày, trong đó có đến 19 ngày chỉ để quay riêng cảnh chiến đấu nghẹt thở. Trong phim, khán giả khó cầm được nước mắt khi chứng kiến kỳ tích kinh ngạc của người lính quân y với những khoảnh khắc cảm động về tình yêu, niềm tin mãnh liệt vào nhân tính và sự quả cảm của con người. Không chỉ lấy nước mắt người xem,

Hackshaw Ridge còn là bộ phim giá trị khi khơi dậy, vun đắp thêm niềm tin có thể thiếu hụt đâu đó trong cuộc đời này của con người. Tại LHP Venice tháng 9/2016, khi dòng chữ kết thúc phim hiện lên, khán giả trong buổi chiếu ra mắt đã đồng loạt đứng dậy vỗ tay suốt 9 phút 48 giây để tưởng thưởng cho những gì Hackshaw Ridge đã mang đến.

Bùi Dũng

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/giai-tri/khoc-o-dinh-hackshaw-94392/