Khoảnh khắc ấm áp của người phụ nữ bị tạt axit lần đầu làm mẹ

17 tuổi, bị chê tự phụ vì từ chối lời cầu hôn của một thanh niên mà cô bị hắn ta và hai người bạn khác tạt axit vào mắt khiến dung mạo cô bị hủy hoại và mắt bị mù vĩnh viễn.

Sonali Mukherjee là một phụ nữ bất hạnh đến từ Dhanbad, Ấn Độ, với khuôn mặt vĩnh viễn bị biến dạng sau một vụ tạt axit tàn khốc vào năm 2002, năm cô chỉ vừa tròn 17 tuổi. Được biết trước khi vụ việc xảy ra khoảng một tháng rưỡi, ba tên hung thủ là Tapas Mitra cùng hai người bạn của hắn làSanjay Paswan và Bhrahmadev Hajra đã gọi Sonali là "một kẻ tự phụ" và đe dọa sẽ dạy cho cô một bài học.

Khuôn mặt của Sonali trước khi bị tấn công một cách tàn độc

Dù bố của Sonali đã trực tiếp đến nhà của ba chàng trai kia để than phiền nhưng rốt cuộc vẫn không thể cứu được con gái. Vào đêm 22/4, khi Sonali đang ngủ trên nóc nhà mình thì ba gã đàn ông khốn nạn kia đã leo lên tạt axit vào mặt cô khiến nó bị bỏng và biến dạng vĩnh viễn, đồng thời một số bộ phận cơ thể khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí em gái của Sonali cũng vô tình trở thành nạn nhân.

Giờ thì cô phải sống đến hết cuộc đời với khuôn mặt biến dạng thế này.

Ba kẻ thủ ác sau đó phải lãnh bản án 9 năm tù giam nhưng chỉ ba năm sau lại được bảo lãnh tại ngoại khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và gia đình Sonali vô cùng bất an. Bố của Sonali đã tìm đến đủ mọi cơ quan có thẩm quyền để xin bắt giam ba thanh niên kia nhưng tất cả những gì ông nhận lại chỉ là những lời đảm bảo suông.

Ông từng chia sẻ trong một buổi phỏng vấn: "Chúng tôi đã đệ đơn lên cả tòa án tối cao nhưng vẫn chẳng ăn thua. Bọn chúng bị tống giam nhưng rồi lại sớm được thả ra. Giờ thì chúng đang vui vẻ tận hưởng cuộc sống đấy. Tôi nghĩ luật pháp cần phải cứng rắn hơn trong những vụ tấn công bằng axit như thế này, nếu không thì những cô gái phải chịu cùng cảnh ngộ như Sonali sẽ còn xuất hiện nhiều nhiều nữa."

Sonali vốn đang là học viên trường sĩ quan, nhưng vụ tấn công đã khiến cô phải bỏ dở con đường học vấn.

Trước khi bị tấn công, Sonali là một học viên trường sĩ quan National Cadet Corps, nhưng sau đó cô đã phải ngậm ngùi xin nghỉ học. Cả gia đình Sonali đã tiêu hết tất cả số tiền họ dành dụm được để chữa trị cho con gái. Suốt 14 năm qua, cô gái cũng phải trải qua 28 ca phẫu thuật tái tạo khuôn mặt nhưng tất cả cũng không thể cứu vãn được dung mạo cũ của cô. Sonali có lúc đã tuyệt vọng đến mức cô từng tự tử nhưng may mắn không thành công. Từ đó, vượt qua mặc cảm bản thân và nghịch cảnh cuộc sống, Sonali đã có thể tái hòa nhập cộng đồng và tạo dựng cho mình một cuộc sống bình thường như bao phụ nữ khác.

Tháng 4/2015, Sonali kết hôn với Chittaranjan Tiwary, một kỹ sư điện, người đàn ông đã từng đóng góp tiền bạc lẫn công sức ủng hộ chiến dịch giành lấy công lý cho Sonali khi sự việc của cô được dư luận cả nước đặc biệt chú ý đến. Đám cưới của họ có 300 khách mời đến tham dự và chúc phúc. Sau hơn một năm kết hôn, cô con gái đầu lòng xinh xắn, đáng yêu của cặp đôi đã ra đời, được bố mẹ đặt tên là Pari, nghĩa là thiên thần.

Sonali và người đàn ông chấp nhận và thực lòng yêu thương cô, ngay từ đầu đã luôn giúp cô đấu tranh giành công lý

Hôn lễ của hai người được tổ chức trước sự chứng kiến của 300 khách mời.

Chia sẻ về sự kiện đặc biệt này, Sonali cho biết: "Được làm mẹ là một cảm giác vô cùng đáng kinh ngạc và giây phút tôi chạm vào khuôn mặt con bé, trong lòng tôi dâng tràn rất nhiều cảm xúc. Tôi đã lấy lại được khuôn mặt của mình. Dù tôi không thể thấy mặt con bé nhưng tôi có thể cảm nhận được nó. Tôi hạnh phúc đến nỗi không thể diễn tả nổi cảm xúc của mình." Để góp thêm vào niềm vui của Sonali, nhiều người cũng công nhận con bé trông giống hệt mẹ, vô cùng kháu khỉnh.

Cặp vợ chồng vừa đón con gái đầu lòng vô cùng đáng yêu.

Bé Pari, nghĩa là thiên thần, đã đánh dấu một bước ngoặc mới trong cuộc đời Sonali.

Sonali không kiềm được cảm xúc của mình: "Suốt ba năm sau vụ tấn công, tôi đã rất sốc và không thể làm được gì cả. Tôi đã xin được trao cái chết ân huệ nhưng bị từ chối và vì thế mà tôi quyết định phản kháng. Nay khi đã có con gái, tôi cảm thấy như đây là ngày hạnh phúc nhất đời mình. Tôi mong sẽ có thể cho con bé những gì tốt nhất để nó có thể lớn lên trong một môi trường an toàn.

Giờ thì tôi cảm thấy cuộc đời mình đã trọn vẹn rồi. Cảm xúc này là thứ diệu kỳ nhất tôi từng cảm thấy sau hơn chục năm tuyệt vọng, thống khổ. Nay tôi đã được tưởng thưởng sau những nỗi đau mình phải gánh chịu."

(Ảnh: Internet)

Theo TTVH

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/khoanh-khac-am-ap-cua-nguoi-phu-nu-bi-tat-axit-lan-dau-lam-me-110783/