Khoảng trời nhiều mây đen của người khuyết tật

'Chia sẻ yêu thương, giúp người khuyết tật vượt qua rào cản', 'Nhìn vào khả năng thay vì nhìn vào sự khuyết tật'... Trên nhiều đoạn đường, góc phố, người ta vẫn thường bắt gặp đôi ba câu khẩu hiệu đấu tranh mạnh mẽ cho người khuyết tật. Không trông chờ vào xã hội, nhiều người khuyết tật nỗ lực quên đi khiếm khuyết bản thân, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết mong hòa nhập cộng đồng mà không được nhà tuyển dụng chào đón, xã hội thừa nhận.Tuy nhiên, người khuyết tật (NKT) cũng vấp phải vô vàn khó khăn khi muốn tiếp cận các vấn đề an sinh xã hội.

Bước khỏi nhà là gặp rào cản

Nguyễn Thùy Chi - một NKT đã tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền từ nhiều năm nay nhưng không thể kiếm nổi một công việc để nuôi sống bản thân. So với các bạn đồng trang lứa, người làm báo nọ đài kia, người “đầu quân” cho công ty nước ngoài… thì hành trình kiếm việc làm của cô gái trẻ ngồi xe lăn cứ kéo dài đằng đẵng hết năm này sang năm khác. Thời điểm cuối năm, niềm hi vọng mong manh kiếm được một công việc ổn định càng trở nên xa vời. Mỗi độ Tết đến Xuân về, Chi lại xót xa nhìn tấm bằng đỏ tốt nghiệp nằm im dưới đáy tủ - thành quả mà cô đã chật vật, đánh đổi bao mồ hôi nước mắt để chuyên cần đến trường.

Nguyễn Thùy Chi bày tỏ nỗi lòng của một người khuyết tật trong việc nỗ lực hòa nhập cộng đồng

Thùy Chi bảo, dù đã đề đạt nguyện vọng ở một số nơi nhưng gõ cửa bất cứ công ty, cơ quan nào, cô cũng bị từ chối. Nơi ý nhị khéo léo, nơi thẳng thừng cho biết không nhận người khuyết tật, nhất là người “không thể đi lại nhanh nhẹn” như cô. Nỗ lực hết lần này đến lần khác, hi vọng vụt lên rồi rơi tõm vào thất vọng, Thùy Chi nhận ra NKT rất khó để tìm được công việc nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Hành trình kiếm việc “gập ghềnh” chẳng kém Thùy Chi, Nguyễn Xuân Nam - 28 tuổi, cựu sinh viên Đại học Thủy lợi sau gần chục năm ra trường vẫn ngồi nhà bán tạp hóa giúp mẹ. Bị liệt từ năm 6 tuổi, cuộc sống của Nam gói gọn trong bốn bức tường. Nhà ở phường Khương Thượng, Đống Đa - ngay gần trung tâm Hà Nội nhưng Nam rất ít khi ra phố. Thế giới bên ngoài cánh cửa là cơn ác mộng thực sự: “Em là đàn ông con trai nhưng liệt chân và yếu hai tay. Khi đón xe buýt tấp vào lề đường, nhân viên thấy em nhưng không mảy may chủ động xuống xe hỗ trợ em lên. Một lần khác, khi em đã lên xe rồi, nhân viên từ chối phục vụ và nói em xuống xe vì xe đông, dù lúc đó xe không hề đông đúc (?!)”. Từ đó, Nam ngại tiếp xúc, va chạm, bạn bè và hàng xóm nhiều khi “quên mất” sự có mặt của một thằng bé khôi ngô tuấn tú nhưng trầm tính nhất xóm. Mối quan hệ của Nam đếm trên đầu ngón tay, giấc mơ xây dựng một tổ ấm bé nhỏ khi tuổi 30 cận kề là điều quá xa xỉ.

Một nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã tiến hành khảo sát đối với 10 đại diện cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách và dịch vụ cung cấp dịch vụ cho NKT và 55 NKT trong độ tuổi lao động. Kết quả tổng hợp đến đầu năm 2016 cho thấy: NKT hiện nay gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường lao động như thiếu cơ hội việc làm, chưa được đào tạo nghề đúng mức cũng như tư vấn chọn nghề. NKT còn thuộc nhóm đối tượng dễ bị mất việc làm nhất trong xã hội hiện nay. Trong khi đó, NKT thiếu thông tin tìm kiếm việc không có nhiều lựa chọn, kênh thông tin tìm việc phần lớn qua sự mách bảo, giới thiệu của gia đình.

Nghiên cứu cũng chỉ ra những hạn chế trong chính sách bảo hiểm đối với NKT. Chỉ khoảng 8% NKT tham gia BHXH bắt buộc, 2,1% tham gia bảo hiểm tự nguyện. Tỷ lệ này quá thấp so với nhóm NKT đang ngày ngày đối diện với bệnh tật, sống chung với khó khăn. Lý do được đưa ra là do chúng ta chưa có chính sách về chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động đối với NKT. NKT cũng không có việc làm ổn định nên tỷ lệ tham gia BHXH vô cùng thấp. Ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, có tới 31% NKT chưa tham gia bảo hiểm y tế, hệ thống trang thiết bị chưa thực sự phù hợp với NKT.

Ngay trong đời sống thường nhật, NKT gặp khó khăn trong tiếp cận các công trình công cộng, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cũng như tham gia giao thông trong nội thành Hà Nội.

Bà Dương Thị Vân - Chủ tịch Hội Khuyết tật thành phố Hà Nội cho rằng, trên thực tế Bộ Xây dựng đã có Thông tư, ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Xây dựng công trình bảo đảm NKT tiếp cận sử dụng”. Tuy nhiên, nhiều công trình công cộng, giao thông, khu đô thị mới, trụ sở làm việc trên địa bàn thủ đô rất hiếm có công trình có khu vực riêng dành cho NKT. Hàng loạt chung cư mới mọc lên nhưng hầu như lối lên sảnh tầng 1 không có đường dốc dành cho xe lăn. Nhiều trạm xe buýt, trạm trung chuyển xe buýt không có đường dành cho xe lăn. Xe buýt, xe khách, tàu hỏa… không thiết kế thân thiện với NKT nên NKT muốn hòa nhập cộng đồng cũng… chịu!

Chúng tôi không muốn bị coi là “người yếu thế”

Trong một hội thảo về quyền lợi NKT diễn ra cuối năm 2016, cô gái Thùy Chi đã dũng cảm đứng lên, bày tỏ hết nỗi lòng của mình trước những rào cản quá nặng của xã hội đối với NKT. Chi mong muốn được cùng tất cả mọi người nói lên sự thật, phản ánh nỗi đau của mỗi NKT: “Bất kể ai đều có quyền được biết, được trao cơ hội, không thể phân chia giữa những người bình thường và nhóm “người yếu thế”. Chúng tôi không muốn bị gọi là những người yếu thế, đi đâu cũng bị từ chối, nhìn đâu cũng thấy bị thương hại…”.

Để nỗ lực vượt qua ba chữ “người yếu thế”, anh Nguyễn Khánh Lâm - một NKT vận động nặng bẩm sinh đã vượt qua sự khó khăn của chính mình để khẳng định tài năng, giành giải Nhì cuộc thi “Tôi biết” viết về đề tài tiếp cận thông tin do Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ CEPEW tổ chức hồi đầu năm 2016.

“Người khuyết tật không chỉ đơn thuần là đối tượng chính sách mà còn là nguồn lực phát triển đất nước khi chúng ta bước vào kỷ nguyên trí tuệ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong lễ khai giảng trường THCS Nguyễn Đình Chiểu năm học 2016-2017.

Không ít NKT tìm đến Trung tâm sống độc lập Hà Nội để thấy mình được sống ý nghĩa, độc lập, không là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Bà Nguyễn Hồng Hà - Giám đốc Trung tâm Sống độc lập Hà Nội khẳng định: “Sống độc lập đối với NKT không có nghĩa họ tự làm tất cả mọi việc hay là sống một mình. Với sự trợ giúp của xã hội và cộng đồng, NKT có thể sống hòa nhập, có khả năng độc lập tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình”.

Tại các trung tâm sống độc lập, NKT có cơ hội trao đổi, chia sẻ và giúp đỡ nhau vượt khó...

Tại các trung tâm sống độc lập, NKT làm công việc tuyên truyền và tư vấn cho NKT đồng cảnh với mục tiêu lấy lại tự tin và ý thức về khả năng và giá trị của mình cho NKT; tập huấn về kỹ năng sống độc lập (quản lý tài chính, cách giao tiếp, nấu ăn...) ; nâng cao năng lực - kỹ năng làm việc... Ở đó, thanh niên khuyết tật được hỗ trợ về giáo dục, việc làm, tình yêu, hôn nhân... Phụ nữ khuyết tật giúp nhau trong phát triển kinh tế, đào tạo hướng nghiệp, phòng chống bạo lực gia đình, nuôi con khỏe dạy con ngoan... Người điếc, câm được hỗ trợ về ngôn ngữ ký hiệu...

Một chàng trai khuyết tật trong Trung tâm sống độc lập Hà Nội khẳng định với tôi rằng: “Dù khuyết tật nặng hay nhẹ, đến đâu chúng tôi cũng muốn khẳng định, rằng chúng tôi có thể cống hiến một phần sức lực nhỏ bé của mình cho xã hội” - Suy nghĩ mạnh mẽ ấy, kiên quyết ấy thốt ra từ một người không hề “yếu thế” chút nào.

Thay đổi cuộc sống NKT bằng những điều nhỏ nhất

Đâu đó, trên dải đất hình chữ S này, nhiều người dân bình thường đang xóa dần khoảng cách với NKT bằng những hành động nhỏ bé để NKT dễ dàng hòa nhập cộng đồng. Đó là cậu bé ngồi đánh giày, sửa giày, dán đế miễn phí cho người khiếm thị, khiếm thính… ngay đầu con hẻm 549 đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP HCM). Hình ảnh cậu bé sửa giày nghèo cười trong veo cạnh tấm bảng: “Nhận sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị...” khiến cuộc sống đẹp hơn.

Gần đây nhất, đêm Giáng sinh 2016, một bạn trẻ khiếm thị của Trung tâm nghệ thuật nhân đạo Thăng Long không khỏi xúc động khi được song ca bài “Sầu tím thiệp hồng” với ca sĩ Mỹ Tâm - một trong những ca sĩ hàng đầu trong nước trên một sân khấu đơn sơ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Không ai trả cátsê cho Mỹ Tâm để cô đứng trên sân khấu với chàng trai khuyết tật, nhưng hành động ấy là món quà tinh thần sưởi ấm những nụ cười buốt giá giữa đêm lạnh của nhóm NKT.

Bằng những hành động ấm áp, nhiều cá nhân, tổ chức đã trao yêu thương, giúp cuộc sống của NKT trở nên ấm áp hơn bằng những món quà thiết thực, ý nghĩa. Nhưng chỉ thế thôi chưa đủ!

Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho NKT sống độc lập, tự quyết định các vấn đề liên quan. Hiện quyền của NKT không chỉ quy định trong Luật NKT mà còn được nhắc đến trong hơn 20 văn bản luật khác. NKT được đảm bảo thực hiện các quyền: Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; được miễn giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm… Thế nhưng, trên thực tế, cuộc sống của NKT vẫn còn nhiều cản trở. NKT cần sự hỗ trợ từ rất nhiều phía.

Hiện nay, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn hạn chế, công tác tham mưu, đề xuất của ngành chuyên môn chưa kịp thời, một bộ phận cán bộ chuyên trách cấp địa phương còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kiêm nhiệm các công việc khác, nên thiếu nghiên cứu sâu để nắm chắc các văn bản chính sách pháp luật về NKT...

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, tăng cường mở rộng sự hỗ trợ cũng như đồng bộ hệ thống an sinh xã hội đối với tất cả nhóm NKT là đòi hỏi cấp thiết của NKT hiện nay. Đặc biệt cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ việc làm cho NKT bên cạnh hỗ trợ họ tham gia các hoạt động văn hóa xã hội. Cần sớm đưa ra những hoạch định chính sách phù hợp hơn trong tình hình mới, về lâu dài có thể xem xét sửa đổi Luật NKT. Mặt khác, cần cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp về công tác NKT vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

TS Hoàng Xuân Lương - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc và miền núi thừa nhận, hiện nay điều kiện tiếp cận thông tin của các nhóm người dễ bị tổn thương còn rất hạn chế. Xã hội vẫn còn kì thị, phân biệt đối xử với những nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương…

Lê Bích

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/xa-hoi/khoang-troi-nhieu-may-den-cua-nguoi-khuyet-tat-36018.html