Khoảng 10 triệu tỷ đồng là nguồn lực để đầu tư

Vấn đề nguồn lực để thực hiện công cuộc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020 đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận khi những ngày gần đây, con số hơn 10 triệu tỷ đồng (khoảng 480 tỷ USD) để tái cơ cấu vừa được công bố.

Để khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, cần phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thông thoáng. Ảnh: HOÀI ANH.

Hơn 10 triệu tỷ đồng: nguồn lực huy động chung

Con số hơn 10 triệu tỷ đồng cần được làm rõ thêm, cần làm cụ thể hóa, về thời gian huy động bao lâu, huy động ở nguồn nào, nếu làm rõ như vậy thì mọi người sẽ hiểu rõ hơn, sẽ không có phản ứng sững sờ, quá ngạc nhiên vì số tiền quá lớn ấy. Ví dụ như việc huy động nguồn lực từ các DNNN, các tài sản cố định của Nhà nước hiện nay, cần tận dụng để phân bổ lại nguồn lực này vào các ngành có khả năng và cần thiết phát triển, đây là điều có thế làm được.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh

Theo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và đảm bảo tăng trưởng xanh, sạch, bền vững.

Hai trụ cột cho kế hoạch tái cơ cấu được xác định gồm: Trụ cột thứ nhất là đổi mới toàn diện phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, xây dựng Nhà nước liêm chính và kiến tạo, để thị trường có vai trò ngày càng quan trọng trong huy động và phân bổ các nguồn lực xã hội; trụ cột thứ hai là tập trung tái cơ cấu và hiện đại hóa các ngành kinh tế và vùng kinh tế, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của từng ngành và của nền kinh tế.

Một vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, các chuyên gia trong những ngày gần đây là vấn đề huy động nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu nhằm đạt được các mục tiêu nêu trên. Với cách hiểu cần tới hơn 10 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu nền kinh tế đã khiến dư luận băn khoăn, lo lắng, điều này xuất phát từ tình hình khó khăn của ngân sách Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, hơn 10 triệu tỷ đồng này không phải là một nguồn lực đầu tư riêng cho đề án tái cơ cấu, mà theo lý giải của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cơ quan soạn thảo đề án tái cơ cấu, thì hơn 10 triệu tỷ đồng thực hiện tái cơ cấu kinh tế thực chất là nằm trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế cho cả giai đoạn 2016-2020.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016 - 2020, dự tính tổng mức huy động toàn xã hội cho đầu tư vào khoảng 32-34% GDP cho giai đoạn này. Trong khi đó, với chỉ tiêu tăng trưởng GDP trung bình là 6,5%/năm, quy mô GDP giai đoạn này theo tính toán sẽ vào khoảng 30 triệu tỷ đồng/5 năm. Như vậy, với tổng mức đầu tư toàn xã hội là 33-35% thì con số nguồn lực huy động đầu tư phát triển kinh tế xã hội vào khoảng hơn 10 triệu tỷ đồng. “Hơn 10 triệu tỷ đồng là con số dự tính chúng ta sẽ huy động cả nền kinh tế giai đoạn 2016 -2020 để đầu tư và đây là một nguồn lực hoàn toàn bình thường trong đầu tư phát triển kinh tế chứ không phải là nguồn lực để tái cơ cấu. Còn tái cơ cấu kinh tế là việc sử dụng hơn 10 triệu tỷ đồng này như thế nào”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Đánh giá về con số hơn 10 triệu tỷ đồng huy động cho phát triển cũng như tái cơ cấu kinh tế, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nhận định, đây là con số tổng hợp cho một quá trình chứ không phải là số nguồn lực cần ngay trong một thời điểm nhất định. Ông nhấn mạnh, đây là bài toán tái cơ cấu, tức là thay đổi, phân bổ lại các nguồn vốn, trong đó Chính phủ trông đợi vào nguồn vốn thu về từ việc thoái vốn tại các DNNN, như vừa qua đã làm với Sabeco, Habeco và một số DN nữa.

Nhà nước sẽ đầu tư 1/3

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để huy động được hơn 10 triệu tỷ đồng này cần phải cân đối nguồn lực chung của đất nước, theo đó, phải huy động các nguồn lực của xã hội chứ không đặt nặng vấn đề ngân sách, bởi nếu trông chờ vào ngân sách thì không có khả năng để làm. Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong số hơn 10 triệu tỷ đồng huy động đầu tư, dự kiến Nhà nước sẽ đảm nhận một phần ba, còn lại sẽ phải huy động từ các nguồn lực xã hội khác, như nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nguồn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết thêm, tất cả các nguồn lực sẽ được lồng ghép trong kế hoạch từ nay đến 2020, trong đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới đã lồng ghép, tính toán 2 triệu tỷ đồng. Đây là một phần của hơn 10 triệu tỷ đồng cho tái cơ cấu và đây cũng chính là nguồn lực của Nhà nước tham gia vào.

Như vậy, bên cạnh 1/3 nguồn lực sẽ được Nhà nước đầu tư, khoảng 7 triệu tỷ đồng còn lại sẽ trông chờ vào việc huy động các nguồn lực xã hội khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh đâu đó vẫn còn tồn tại sự quan liêu, kém minh bạch, tệ nhũng nhiễu, tham nhũng gây mất niềm tin, có nhiều băn khoăn về việc liệu Chính phủ có thể kêu gọi thành công nguồn lực khổng lồ từ xã hội. “Tôi cho rằng nếu Chính phủ cải cách mạnh mẽ, nếu nhìn thấy đầu tư sẽ có lãi và có thể thực hiện được thì chúng ta có thể hy vọng cộng đồng DN sẽ có sự hưởng ứng tích cực. Bên cạnh đó, để tái cơ cấu kinh tế thành công, các bộ phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công khai, minh bạch, vượt qua khỏi lợi ích nhóm. Đơn cử, việc chậm CPH DNNN liên quan đến lợi ích nhóm”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nhận định.

Cho rằng hiện nay chúng ta tháo gỡ nhiều thủ tục nhưng thủ tục chưa vào cuộc sống, vì thế để phát huy nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào phát triển kinh tế, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhấn mạnh, những thay đổi của môi trường kinh doanh, thể chế phải lan tỏa được xuống tầng dưới, đến tận DN, người dân, cần có nhiều ưu tiên ưu đãi khu vực tư nhân thì mới lôi kéo được nguồn lực ở khu vực này.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để khơi thông nguồn lực quan trọng này, trước hết cần phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thông thoáng để người dân sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư một cách an toàn, hiệu quả, đây là điều quan trọng nhất. Đồng thời cần tạo niềm tin của người dân vào sự phát triển của đất nước, để người ta yên tâm bỏ tiền đầu tư, làm ăn. “Việc các cấp, các ngành nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cũng là để thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài, làm sao để nhà đầu tư cảm thấy môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn, đảm bảo tính cạnh tranh để họ quyết định đầu tư vào Việt Nam. Trong thời gian gần đây Chính phủ đã rất quyết liệt ở lĩnh vực này, để làm sao Việt Nam ngày càng thân thiện và có tính cạnh tranh so với các nước top đầu của ASEAN”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Nguồn lực là quan trọng, song thực tiễn phát triển kinh tế Việt Nam thời gian qua cho thấy, huy động nguồn lực không phải là điều tối quan trọng và không phải là quá khó đối với tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo, quan trọng là các nguồn lực ấy có được phân bổ, sử dụng hiệu quả hay không. Dưới góc độ này, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay không phải là nguồn lực ở đâu, mà là chúng ta sẽ tái cơ cấu kinh tế như thế nào. Nhấn mạnh cần cơ cấu lại danh mục tài sản Nhà nước, chẳng hạn Nhà nước nên bán vốn tại Vinamilk, lấy tiền đó đầu tư cho sân bay Long Thành, ông cho rằng làm như vậy chúng ta vừa có thêm nguồn lực đầu tư, vừa khơi thông dòng chảy vốn trong nền kinh tế. “Bản chất của tái cơ cấu kinh tế là làm cho nguồn lực hiệu quả hơn, chứ không phải bỏ thêm nhiều vốn để thúc đẩy tăng trưởng. Đó mới là cách tiếp cận chính của đề án tái cơ cấu kinh tế”, TS Nguyễn Đình Cung khẳng định.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/khoang-10-trieu-ty-dong-la-nguon-luc-de-dau-tu.aspx