Khoán xe công

Bộ Tài chính vừa ban hành quyết định quy định về chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cho các chức danh từ Thứ trưởng đến các lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương). Thành phố Hà Nội cũng đã ra quyết tâm đến cuối năm 2016 sẽ thực hiện khoán xe công. Những chủ trương, việc làm để giảm lãng phí ngân sách như trên rất được người dân đồng tình, hoan nghênh, ủng hộ. Tuy nhiên người ta còn đang băn khoăn làm sao để chủ trương, vấn đề cần được luật hóa, được triển khai rộng rãi, hiệu quả, đảm bảo công bằng.

Ảnh minh họa.

Câu chuyện về khoán công việc, khoán chi phí, cụ thể như khoán điện thoại, xăng xe… từ lâu đã được triển khai, thực hiện ở nhiều nước trên thế giới và ở ta. Thực tế từ cơ chế “khoán” đã cho thấy hiệu quả rõ rệt như năng suất lao động cao hơn, giảm chi phí, chống được lãng phí... Vấn đề rõ ràng ai cũng biết, cũng thấy. Tuy nhiên đề chủ trương, việc làm đi vào cuộc sống, cũng không dễ dàng nếu không có sự quyết tâm thực sự, thiếu quy định, không được triển khai rốt ráo, đặc biệt là thiếu sự gương mẫu đi đầu của những cán bộ chủ chốt tại các cơ quan, đơn vị.

Nói như việc “khoán xe công”, ai cũng thấy là rất lợi. Bởi chi phí nuôi một xe công từ xăng, lương tài xế, hao mòn…theo Bộ Tài chính, mỗi năm cũng mất khoảng 320 triệu đồng. Nếu khoán cho một tiêu chuẩn bình quân 10 triệu đồng/ tháng, một năm ngân sách chỉ phải chi ra 120 triệu. Theo con số thống kê của Bộ Tài chính, hiện cả nước có gần 40.000 xe ô tô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp nhà nước. Trong 40.000 xe công có khoảng 26.000 xe phục vụ công tác chung, khoảng 2.000 xe phục vụ chức danh. Như vậy, số tiền chi cho xe công rất lớn. Nếu thực hiện toàn diện, rộng rãi, theo đúng quy định, tiêu chuẩn, thì hàng năm ngân sách cũng tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng.

Tuy nhiên, để thực hiện khoán rộng rãi như trên cũng thật không dễ. Cách đây 8 năm, Quốc hội cũng đã có chủ trương này. Thế nhưng cũng chỉ có duy nhất một cán bộ nhận khoán và chìm từ đó cho đến nay. Cũng có nhiều nguyên nhân, yếu tố để vấn đề này chưa thông, chưa được triển khai rộng. Nói như một số người, rằng: “Người ta phấn đấu để đến chức vụ đó được đi xe biển xanh, sao tôi lại nhận khoán làm gì?”.

Đây cũng là tâm lý của không ít người, khi mà tư tưởng “cái tiếng, cái miếng giữa làng” xưa nay vẫn còn nặng nề. Chuyện ngay giữa việc đi xe biển xanh và biển trắng khoảng cách đã khác nhau xa lắm. Không ít công sở, cơ quan, nhất là đi trên đường, việc đối xử với xe biển xanh, biển trắng đã khác nhau. Chưa kể khâu “oai”, mà để phục vụ ngay cho công việc. Câu chuyện về chiếc xe tư đem gắn biển xanh của ông Trịnh Xuân Thanh đã là một minh chứng. Còn như với số tiền hơn chục triệu đồng khoán mỗi tháng, với không ít cán bộ cỡ như trên càng lại “không quan trọng”.

Và rồi, so sánh giữa cái lợi của tập thể và cái lợi cá nhân, cái thuận lợi công việc cả công lẫn tư, đa số người ta sẽ “không nhận khoán”, nếu không bị bắt buộc, quy định của pháp luật. Chẳng vậy mà khi rà soát lại theo Quyết định 32/2015 của Thủ tướng về quy định, tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công, mới lòi ra, thừa ra đến 7.000 xe ô tô công.

Để việc khoán xe công đi vào cuộc sống, để lợi ích tập thể thắng lợi ích cá nhân, rõ ràng phải làm mạnh, quyết liệt, phải đưa việc khoán kinh phí sử dụng vào các đối tượng cụ thể, bắt buộc. Xung quanh việc khoán cũng cần xem xét sát từng đối tượng, đặc thù công việc. Và ngay việc khoán cũng nên tính khoán như thế nào, như việc chỉ khoán phần xe đưa đón từ nhà đến cơ quan của cán bộ được tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó cũng lại cần xem xét đến giá cả cho hợp lý, theo từng thời điểm, địa phương để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người được hưởng. Nếu ở Hà Nội, với 10 triệu đồng một tháng thì nhiều khi thu không bù chi, nhưng với địa phương khác, cán bộ gần nhà thì đây đã là một mức hưởng hợp lý, xông xênh.

Được biết tới đây, Quốc hội sẽ xem xét dự thảo Luật Quản lý sử dụng tài sản công (sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008). Cùng những vấn đề về mua sắm, quản lý, ngay việc sử dụng, thụ hưởng của các cá nhân, các đối tượng trong tiêu chuẩn như việc khoán xe công cũng rất cần được đề cập, quy định cụ thể.

Đó là về lâu dài, còn trước mắt, một vấn đề tuy không lớn, dù mới ở chủ trương hay quy định, định đi tiên phong ở một tỉnh, thành như Hà Nội, hay đã có quyết định hẳn hoi như ở Bộ Tài chính vẫn cần phải quyết tâm làm đến nơi, đến chốn, quy định, cụ thể và lãnh đạo Bộ phải gương mẫu nêu gương thực hiện thì mới thành công. Công tác giám sát, phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm minh cũng càng cần được coi trọng.

Khoán xe công cho các vị lãnh đạo- những vị có chức, có quyền, yêu cầu các vị không đi xe công, không phải đưa đón khi đi làm việc tưởng dễ mà khó. Khó nhưng rất cần phải làm. Bởi đây không chỉ chống lãng phí của công mà còn là sự thể hiện sự gương mẫu, gần gũi với đời sống, với nhân dân của các cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo- các công bộc của dân.

Kiên Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/khoan-xe-cong/123275