'Khoán xe công theo cách của Bộ Tài chính chưa phải đã hiệu quả'

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đã nói như vậy khi trả lời báo chí về việc thực hiện khoán xe công tại buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, chiều 18.10 tại Hà Nội.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại họp báo (Ảnh: T.Phú)

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 20.10. Theo chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 26 ngày (không kể ngày nghỉ) và dự kiến họp phiên bế mạc vào chiều ngày 23.11.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác, 1 nghị quyết.

Các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/20210/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch và Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Cùng với đó, sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.

Đó là, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016; Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường và bài học kinh nghiệm, các giải pháp để bảo vệ môi trường; Báo cáo về tình hình Biển Đông.

Báo cáo của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Quốc hội giám sát tối cao về “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày.

Tại buổi họp báo, trao đổi về những điểm đổi mới trong hoạt động của kỳ họp thứ 2, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sẽ đổi mới, nâng cao hiệu quả của hoạt động luật pháp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bám sát Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa mới được ban hành để yêu cầu các cơ quan soạn thảo đảm bảo đúng quy trình. Tiếp đó, quá trình thẩm tra, cho ý kiến về các dự án luật, Quốc hội sẽ mời đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các địa phương về tham gia góp ý, giúp cho chất lượng luật được nâng lên. Quốc hội cũng sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong các lĩnh vực.

“Chúng ta cũng bảo đảm trong quá trình xin ý kiến nếu thấy luật nào chưa yên tâm, còn nhiều ý kiến khác nhau thì Quốc hội sẽ kéo dài thời gian xem xét, thông qua để đảm bảo chất lượng” - ông Phúc nhấn mạnh.

Ông cũng dẫn ví dụ như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp 2. Nhưng nếu ra Quốc hội thảo luận thấy còn nhiều ý kiến thì sẽ kéo tiếp sang kỳ họp thứ 3 để đảm bảo chất lượng.

Điểm đổi mới đặc biệt mà Tổng Thư ký Quốc hội đề cập là kỳ họp sẽ tăng tính thảo luận và tranh luận, đặc biệt khi đại biểu phát biểu trên hội trường.

“Trong những ngày Quốc hội thảo luận về các báo cáo kinh tế - xã hội hoặc các dự án luật, Quốc hội sẽ mời cơ quan soạn thảo, cụ thể là các Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời, trao đổi với các đại biểu.

Chúng tôi cũng sẽ thiết kế để các đại biểu có thể tham gia tranh luận, kể cả những đại biểu không đăng ký trên màn hình. Có thể bằng hình thức giơ biển xin tranh luận. Chủ tọa sẽ tạo điều kiện tối đa để cuộc tranh luận trở nên sinh động, sôi nổi” - ông Phúc thông tin.

Liên quan đến việc nếu nợ công “vượt trần” ai sẽ chịu trách nhiệm? Ông Phúc thẳng thắn cho rằng, “trách nhiệm thuộc về Chính phủ và Quốc hội”.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, vấn đề nợ công vừa rồi tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được thảo luận kỹ trên tinh thần không để “vượt trần”. “Quốc hội không để nợ công vượt trần. Chính phủ cũng cảm kết không để xảy ra điều này”.

Liên quan đến việc khoán xe công, theo ông Phúc nhấn mạnh "chúng tôi hoan nghênh việc các bộ ngành khoán xe công".

Ông Phúc cho hay về phía Văn phòng Quốc hội đã thực hiện sớm chủ trương này từ cách đây 10 năm. Lúc bấy giờ một vị Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có thời gian đi làm hàng ngày bằng xe ôm. Hiện nhiều cán bộ trong các cơ quan của Quốc hội đã nhận khoán xe công. Bản đồng chí Hùng ( ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cũng đang thực hiện khoán xe công.

Theo ông Phúc, thực hiện khoán xe công theo cách của Bộ Tài chính "chưa phải đã hiệu quả lắm", vì vấn đề chính là bớt đầu xe, bớt lái xe, còn khoán như Bộ Tài chính đang thực hiện chỉ từ nhà đến cơ quan. "Với mức khoán 15.000 đồng/km, theo tôi tính cũng gần bằng đi mua xăng cho xe công, không khác gì cả. Trong khi đó ở cơ quan vẫn phải bố trí mỗi thứ trưởng một lái xe", ông Phúc nói và cho rằng cần giải quyết bài toán khoán xe công theo hướng chuyển mạnh sang xã hội hóa.

"Hiện Quốc hội đang xây dựng đề án khoán xe công, nghiên cứu làm sao hiệu quả hơn", ông Phúc cho biết.

Vào cuối tháng 9.2016, Bộ Tài chính ban hành quyết định áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công cho Thứ trưởng Bộ và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính. Theo đó, kinh phí hằng tháng để đưa đón các chức danh này từ nơi ở đến nơi làm việc được tính theo số km khoán và đơn giá theo các hãng taxi 4 chỗ phổ biến trên thị trường. Mỗi cá nhân được khoán kinh phí cho hai lượt đi và về trong ngày làm việc. Đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ôtô được điều chỉnh 12 tháng một lần, tính từ khi Bộ phê duyệt đơn giá khoán.

Tin bài nổi bật

Clip Phiên họp của Ủy ban TVQH.

Xuân Hải

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/khoan-xe-cong-theo-cach-cua-bo-tai-chinh-chua-phai-da-hieu-qua-602401.bld