Khoán xe công: phải bắt buộc

Bộ Tài chính sẽ chính thức khoán kinh phí sử dụng ô tô công đối với các chức danh thứ trưởng và các chức danh tổng cục trưởng hoặc tương đương trong bộ mình - một việc lẽ ra phải được làm đại trà từ năm 2015, nay mới ở dạng thí điểm tại một bộ.

Việc khoán xe công nên được triển khai thực hiện trên diện rộng, và thay vì chỉ mang tính khuyến khích, thì chuyển sang là quy định bắt buộc. Trong ảnh: Ô tô trưng bày tại một triển lãm. Ảnh: Quốc Hùng

Phải nhắc lại rằng, cơ chế khoán xe công không phải quy định Bộ Tài chính tự nghĩ ra và áp dụng nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách. Từ tháng 8-2015, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 32/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý và sử dụng ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Quyết định này nêu rõ từng chức danh, hệ số lương được hưởng chế độ xe công, mức giá mua xe tối đa được hưởng…, trong đó có việc khoán kinh phí sử dụng xe công từ nơi ở đến nơi làm việc đối với các chức danh thứ trưởng, tổng cục trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên. Mức khoán kinh phí cụ thể như thế nào cũng đã có trong Quyết định 32.

Ở đây không bàn đến việc sử dụng xe công đối với các chức danh lãnh đạo cao cấp, từ bộ trưởng hoặc tương đương trở lên vì con số này không nhiều. Số lượng các chức danh sử dụng xe công là thứ trưởng, tổng cục trưởng và tương đương có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên ở tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, Quốc hội, các địa phương, các đoàn thể trung ương và lãnh đạo các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mới là nhiều.

Bộ Tài chính không có con số thống kê số lượng các chức danh dạng này hiện đang sử dụng xe công đưa đón hàng ngày là bao nhiêu nên chưa thể định lượng được mỗi năm ngân sách mất bao nhiêu ngàn tỉ đồng để chi cho việc này, trong tổng số ước tính 12.800 tỉ đồng/năm dành cho việc sử dụng, duy trì 40.000 xe công hiện có trong cả nước.

Khoán xe cho các thứ trưởng cao nhất kinh phí hàng năm bỏ ra không quá 120 triệu đồng/người, trong khi để duy trì hoạt động một ô tô phục vụ chức danh bao gồm cả lái xe mỗi năm bình quân tốn tới 320 triệu đồng/xe.

Vấn đề là việc khoán kinh phí sử dụng xe công lẽ ra phải là quy định bắt buộc đối với các chức danh thứ trưởng hoặc tương đương, nhưng trong Quyết định 32, nó chỉ là một quy định mang tính khuyến khích (trong điều 6, mục cuối cùng): “Trong trường hợp các chức danh nói trên tự túc được phương tiện thì được khoán kinh phí sử dụng xe”.

Do Quyết định 32 không bắt buộc phải thực hiện, nên việc thực hiện khoán xe công cũng chẳng được bộ, ngành, địa phương nào thực hiện. Cũng vì thế, khi bắt đầu áp dụng chính thức các quy định nêu trên, Bộ Tài chính xem như làm thí điểm.

Là bộ quản lý và trực tiếp phân bổ ngân sách cho các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, sự đi đầu của Bộ Tài chính trong việc này rất cần được ủng hộ. Tạm tính sơ sơ, với việc khoán kinh phí sử dụng xe cho các thứ trưởng kinh phí hàng năm bỏ ra cao nhất không quá 120 triệu đồng/ người, trong khi để duy trì hoạt động một ô tô phục vụ chức danh bao gồm cả lái xe mỗi năm bình quân tốn tới 320 triệu đồng/xe. Nếu tính ở phạm vi toàn quốc, mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đồng để phục vụ các chương trình, mục tiêu quốc gia khác.

Tình trạng lạm dụng xe công, bất chấp các quy định hiện vẫn diễn ra thường xuyên. Ví dụ có các chức danh như chủ nhiệm ủy ban thuộc Quốc hội hoặc thứ trưởng đã bàn giao công việc sau khi về hưu hoặc khi hết nhiệm kỳ nhưng vẫn sử dụng riêng một người/xe trong vài tháng sau khi rời nhiệm sở mà không ai nhắc nhở.

Do đó việc khoán xe công lần này nên được triển khai thực hiện trên diện rộng, và cần thiết hơn nữa là nên sửa Quyết định 32, thay vì chỉ mang tính khuyến khích, thì chuyển sang là quy định bắt buộc.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152283/khoan-xe-cong-phai-bat-buoc.html/