Khoán xe công để tiết kiệm ngân sách

Kể từ ngày 1/10, sáu thứ trưởng và năm tổng cục trưởng của Bộ Tài chính bắt đầu nhận khoán xe công; đồng nghĩa với việc Bộ sẽ không cấp xe đưa đón tận nhà cấp thứ trưởng trở xuống như trước.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước (NSNN) đang gặp nhiều khó khăn thì việc cắt giảm những khoản chi không cần thiết, như việc khoán xe công, được xem là giải pháp cần thiết.

Tốn 12.800 tỷ đồng mỗi năm

Theo Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính), tổng số xe công khu vực hành chính sự nghiệp trên cả nước là khoảng 40.000 xe, chưa kể xe của một số bộ ngành và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Chi phí ước tính bỏ ra bình quân để vận hành một ô tô công khoảng 320 triệu đồng/năm, bao gồm lương và công tác phí cho lái xe, nhiên liệu, chi phí sửa chữa, bảo hiểm… Như vậy, tổng số tiền ngân sách bỏ ra mỗi năm cho xe công có thể lên tới 12.800 tỷ đồng.

Khoán xe công cần được nhân rộng tới các bộ, ngành, địa phương.

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá: Mặc dù việc quản lý sử dụng xe công sai mục đích đã giảm nhiều so với trước nhưng số lượng xe công vẫn còn lớn. “Hiện nay, việc mua sắm xe công đã được thắt chặt hơn nhưng ngay cả việc dùng xe cũ thì chi phí để sửa chữa lại rất lớn. Xu hướng lâu nay đang được nhiều chính phủ áp dụng là khoán xe công, nhưng tại sao ở Việt Nam đã triển khai từ nhiều năm nhưng vẫn chưa có sự đổi mới mạnh mẽ?”, bà Nga đặt câu hỏi.

Chủ trương khoán xe công đã có từ lâu, hiệu quả ai cũng thấy nhưng việc triển khai còn chậm. Chính vì vậy, việc Bộ Tài chính “tiên phong” áp dụng chế độ khoán xe cho các Thứ trưởng và cấp Tổng Cục trưởng đã được nhiều người ủng hộ.

Theo Quyết định 1997/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành mới đây, kinh phí sử dụng xe công cho Thứ trưởng và các Tổng Cục trưởng và tương đương thuộc Bộ; để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc được tính theo số km khoán và đơn giá theo các hãng taxi 4 chỗ phổ biến trên thị trường. Mỗi cá nhân được khoán kinh phí cho hai lượt đi và về trong ngày làm việc. Như vậy, nhiều lãnh đạo Bộ Tài chính có thể sẽ sử dụng xe riêng và được chi trả chi phí khoán theo quy định thay vì dùng xe công.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, cơ chế khoán xe công đã được nêu trong Quyết định 32/2015/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, những chức danh trong diện có tiêu chuẩn xe công phục vụ nếu tự nguyện đăng ký sẽ được khoán kinh phí sử dụng ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đến nơi đi công tác. Tuy nhiên, lý giải về việc mới chỉ thực hiện khoán chi phí đưa đón từ nhà đến nơi làm việc, đại diện Cục Quản lý Công sản cho biết việc thực hiện "khoán" này cần phải làm từng bước, thận trọng chứ không thể ồ ạt mở ra, có thể ảnh hưởng tới hoạt động của các đơn vị.

Nên bắt buộc áp dụng thay vì khuyến khích

Ủng hộ cách làm của Bộ Tài chính về khoán xe công nhưng không ít chuyên gia vẫn băn khoăn về cách tính kinh phí cũng như áp dụng quãng đường, số ngày đi làm.

Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam nói: “Khoán xe công là chủ trương tốt. Cách tính mức khoán hiện căn cứ theo quãng đường, ngày làm việc, đơn giá của taxi. Trong số 22 ngày làm việc của tháng, theo quy định của Bộ luật Lao động, liệu lãnh đạo có liên tục đi từ nhà tới cơ quan hay cả tháng đi công tác, đi họp các nơi? Ví dụ một cán bộ đi họp ở quận Ba Đình, nhà gần khu vực đó lại phải vòng về trụ sở Hoàn Kiếm rồi mới đi họp thì không hợp lý”. Theo ông Thanh, về tiêu chí tính toán thì cái nào cũng có ưu và nhược điểm nhưng cần chọn phương pháp thích hợp nhất và thật đơn giản.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng Bộ Tài chính là nơi đi đầu thực hiện nên cần tổng kết đúc rút kinh nghiệm để mở rộng khoán cho các bộ, ngành khác. Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình nói: “Khoán kinh phí phải tính toán được tiết kiệm được bao nhiêu xe, tương ứng là bao nhiêu tiền cho ngân sách”.

Ông Bình nói thêm, việc yêu cầu thứ trưởng, tổng cục trưởng không dùng xe công đưa đón từ nhà tới cơ quan phải mang tính “bắt buộc” vì đưa ra theo hình thức khuyến khích là khó hiệu quả bởi đi xe công mang lại nhiều lợi ích hơn là nhận tiền. “Đi biển xanh người ta cảm thấy được nể trọng hơn, đi đường được tạo điều kiện hơn nên ít người không muốn rời xe biển xanh”.

Minh Phương - Thu Phương

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/khoan-xe-cong-de-tiet-kiem-ngan-sach-20160927223033807.htm