Khó xử lý vì địa bàn giáp gianh?

Vừa qua, báo Lao động Thủ đô nhận được phản ánh về tình trạng người dân địa phương dọc 2 bên đại lộ Thăng Long lấn chiếm lòng đường để phơi thóc, bán hàng rong, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Khi PV tìm hiểu, cơ quan chức năng huyện Quốc Oai cho hay, tình trạng này khó xử lý vì đây là địa bàn giáp gianh.

Thói quen biến đường công thành “của mình”

Theo ghi nhận của PV, hiện tượng bán hàng rong, cụ thể là bán ngô, ốc, bán chim cảnh lấn chiếm lòng đường là có thực. Hiện tượng phơi thóc ở lòng đường cũng đang diễn ra khá công khai. Tại phần đường 2 chiều dành cho xe máy và xe thô sơ, cảnh tượng thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu khi tham gia giao thông là đúng với phản ánh.

Người dân phơi thóc lấn chiếm lòng đường

Anh Chu S.T., nhân viên giao nhận hàng của một công ty tư nhân kinh doanh phụ tùng xe đạp (thuộc phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Khi tham gia giao thông theo chiều từ Láng Hòa Lạc về Hà Nội, tôi thường xuyên gặp cảnh tượng mua bán dưới lòng đường đại lộ Thăng Long, đoạn giáp ranh giữa 2 huyện Hoài Đức và Quốc Oai. Người dân hai bên đường mang ngô, ốc, trai, ổi ra bán, người đi đường dừng lại mua cũng khá nhiều, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông”.

Còn chị Nguyễn T.H. (quận Hoàng Mai) phản ánh, thỉnh thoảng có việc đi qua Quốc lộ Thăng Long, chị vẫn bắt gặp cảnh người dân bán hàng, có hôm đi qua đó vào ngày trời nắng, chị thấy dân địa phương mang thóc lên lòng đường để phơi.

Người dân xã Yên Sơn huyện Quốc Oai bán hàng trên đại lộ Thăng Long.

Có lần vào buổi tối, khi tham giia giao thông trên đại lộ Thăng Long, theo chiều từ Láng Hòa Lạc về Hà Nội, chị chứng kiến cảnh nhiều thanh niên không đội mũ bảo hiểm, phóng xe máy từ các làng ra, phóng vù vù ngược chiều với chị, khiến chị phát hoảng.

Chia sẻ với PV LĐTĐ, chị Tần (xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai), một người tham gia bán ngô, ổi và ốc trên đường đại lộ Thăng Long cho biết: “Nhà em có trồng mấy ruộng ngô và có vườn cây ăn quả. Cứ theo mùa, được gì, em đều đem ra đường để bán. Bán ở đây tiết kiệm được xăng xe, phí chợ, lại tiện. Mỗi ngày 2 sọt ngô, vài rổ ốc, mấy cân ổi, bán dóc tay cũng lãi hơn chỗ khác “đôi trăm””.

Khi PV hỏi chị Tần, buôn bán trên lòng đường có sợ xe cộ, sợ Thanh tra giao thông (TTGT) bắt không, chị Tần thừa nhận là “có sợ”. Thỉnh thoảng, khi TTGT đuổi thì chị chạy, mà việc buôn bán cũng chỉ tranh thủ thôi, khi có hàng mới bán. Kể về đám thanh niên “tóc xanh, tóc đỏ” phóng ẩu trên đường, chị Tần cho biết chị rất sợ bị xe tông vào nhưng vẫn phải bán.

Khó xử lý vì giáp gianh?

Thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai huyện

“TTGT, công an và chính quyền huyện Hoài Đức nói, khi họ có trách nhiệm kết hợp thì họ sẽ cùng huyện Quốc Oai phối hợp giải tỏa, còn việc của chính quyền bên đó chủ yếu là quản lý GT đường bộ trong tỉnh, huyện, còn quốc lộ họ không có nhiệm vụ phải tham gia thường xuyên”, ông Trần Bách Khoa – Đội trưởng Đội TTGT huyện Quốc Oai cho biết.

Trao đổi với ông Trần Bách Khoa, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông huyện Quốc Oai, về tình trạng lấn chiếm lòng đường trên đại lộ Thăng Long, ông Khoa thừa nhận, việc bán hàng rong lấn chiếm lòng đường là có, nhưng không diễn ra thường xuyên. Lý giải phản ánh của người dân về hiện tượng đi xe máy ngược chiều, ông Khoa cho biết, đại lộ Thăng Long chỉ quy định 1 chiều với ô tô, còn xe máy, xe đạp và các phương tiện khác được tham gia 2 chiều, nên người dân địa phương không vi phạm luật.

Còn về việc phơi thóc và rơm rạ ra đường, ông Khoa khẳng định, hiện tại hện tượng này không có, trước có nhưng đã được xử lý. “Nếu có cũng chỉ là ở các đường trong tỉnh, mà dân họ phơi cũng chỉ mấy ngày thôi”, ông Khoa nhận định.

Về tình trạng người dân đem ngô, ốc, hoa quả ra bán ở lòng đường, theo ông Khoa, đa phần những người bán hàng đều là dân nghèo ở địa phương, tranh thủ mùa màng kiếm được gì thì mang ra bán. Người mua hàng thường là những người đi từ tỉnh khác hoặc đi chơi qua, nghĩ đó là đồ tươi, đồ rẻ thì mua.

Lợi nhuận có những cái hơn bán tại ruộng nên nhiều người lựa chọn cách đem ra đường để bán. TTGT, công an, chính quyền địa phương vẫn liên tục đi giải tỏa, nhắc nhở. Khi có chính quyền giải tỏa thì người dân chấp hành đâu vào đấy, nhưng sau đó họ lại tái phạm.

Ông Khoa cho biết, Đội TTGT của huyện Quốc Oai đã rất quyết liệt, trong việc giải tỏa lòng đường. Ông Khoa thường xuyên chỉ đạo, cùng anh em ra đường giải quyết.

Nhưng có một điều bất cập, khi TTGT đuổi bên này (địa phận Quốc Oai) thì người bán hàng rong lại chạy về bên kia (địa phận Hoài Đức) để bán. Địa bàn huyện Quốc Oai và Hoài Đức phân cách bởi một chiếc cầu, bên địa phận Quốc Oai thì xử lý được, qua bên Hoài Đức thì không thể xử lý.

Cũng theo ông Khoa, địa bàn huyện Quốc Oai quản lý là từ km 15 đến km 18, từ km số 15 trở về Hà Nội là thuộc quản lý của huyện Hoài Đức. “Số người bán không nhiều, chỉ một vài người, ở bên làn đường từ Láng Hòa Lạc về Hà Nội, còn phần đường xuôi từ Hà Nội đi cao tốc Láng Hòa Lạc thì hầu như không có.

Muốn bắt người bán hàng thì CSGT phải đi lên chặn đầu để bắt, nhưng người bán hàng cứ chạy qua lại giữa ranh giới 2 địa bàn nên cũng khó xử lý. Những ngày hành chính, Đội TTGT tuần tra thì dân hạn chế bán, nhưng thứ Bảy, Chủ nhật thì dân lại tràn ra đường để bán hàng”, ông Khoa chia sẻ.

Thừa nhận việc để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường để bán hàng rong chính là bất cập về giao thông còn tồn tại ở huyện Quốc Oai. Nhưng theo ông, sở dĩ còn những bất cập đó là sự phối hợp giữa chính quyền 2 huyện Quốc Oai và Hoài Đức chưa được thường xuyên, nhịp nhàng. Đề nghị các cơ quan quản lý vào cuộc để chấm dứt tình trạng đường cao tốc thành chợ dân sinh.

NGUYỄN HẠNH

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/kho-xu-ly-vi-dia-ban-giap-gianh-43708.html