Khó xử lý hình sự hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ

Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực thưc thi bằng biện pháp hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)” do Cục Cảnh sát kinh tế phối hợp với Đại sứ quán Anh, Công ty Luật Rouse Legal tổ chức ngày 3-11, các đại biểu cho rằng rất khó xử lý hình sự các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ do vướng nhiều quy định.

Công chức Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra hàng nhập khẩu. Ảnh: T.H

Theo phân tích của ông Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế- Bộ Công an, chưa bao giờ tình trạng xâm phạm SHTT lại phức tạp như thời gian vừa qua, cũng chưa bao giờ các cơ quan chức năng lại tổ chức nhiều cuộc họp để bàn giải pháp về vấn đề này.

Hàng giả được sản xuất đối với các loại hàng hóa, ngay cả cái tăm, gói bim bim… cũng bị làm giả. Nhãn hàng nào người tiêu dùng ưa chuộng thì càng bị làm giả nhiều, nhất là thực phẩm chức năng. Phần lớn hàng giả vào Việt Nam được sản xuất ở Trung Quốc và một số nước láng giềng. Hàng giả chủ yếu được đưa vào Việt Nam bằng con đường không chính thức, lợi dụng hàng tạm nhập tái xuất…

Đối với thị trường trong nước, quy mô sản xuất hàng giả rất lớn: có những vụ sản xuất 20 tấn thực phẩm chức năng giả; sản xuất hàng chục ngàn chai rượu giả... Trong số các vụ việc vi phạm bị phát hiện không chỉ có các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tư nhân mà còn có cả doanh nghiệp nhà nước vi phạm.

Các đại biểu tham dự hội thảo, như đại diện: Viện Kiểm sát, Tòa án, Cục Hải quan TP.HCM, Công an… đều khẳng định tình trạng sản xuất hàng giả, xâm phạm quyền SHTT rất phổ biến, nhưng khó xử lý hình sự.

Ông Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế- Bộ Công an cho biết, từ năm 2012-2015, các cơ quan chức năng đã thực hiện khởi tố 337 vụ án xâm phạm quyền SHTH, nhưng các cấp tòa án chỉ xét xử xử 12 vụ về hàng; cứ 100 vụ các cơ quan chuyển đến, tòa xử được 3,5 vụ. Qua số liệu này cho thấy vấn đề xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm SHTT đang gặp rất nhiều vướng mắc từ các khâu: phát hiện, điều tra, truy tố…

Trong đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về SHTT còn thiếu và chồng chéo, chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa biện pháp hình sự và biệp pháp xử lý hành chính; cơ chế đảm bảo thực thi chưa hoàn thiện; các chủ thể quyền ở Việt Nam chưa chủ động bảo vệ quyền của mình mà còn trông chờ vào Nhà nước và các cơ quan thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, khi phát hiện vi phạm, việc chứng minh lỗi cố ý của các đối tượng vi phạm rất khó khăn…

Ông Andrew Holt, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Anh và Bắc Ai Len tại Việt Nam cho rằng, vấn đề vi phạm quyền SHTT trở thành hiện tượng phát triển với quy mô ngày càng phức tạp, các cơ quan quản lý của Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc ngăn chặn vi phạm nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao sức canh tranh, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Vương Quốc Anh được xếp hạng thứ 2 trong sáng tạo sở hữu trí tuệ, nên rất quan tâm đến vấn đề này. Tại Việt Nam, đại sứ quán Anh đã có những hỗ trợ tích cực các cơ quan của Việt Nam thực hiện quyền SHTT.

Đưa ra một số vụ điển hình về sản xuất hàng giả, xâm phạm quyền SHTT bị phát hiện tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, Luật sư Nguyễn Thị Nhật Nguyệt, luật sư cộng sự của Rouse Legal cho rằng, qua các vụ vi phạm quyền SHTT bị phát hiện cho thấy, các đối tượng sản xuất hàng giả tổ chức thực hiện theo quy trình khép kín, không để dấu hiệu nào lộ ra bên ngoài, rất khó phát hiện. Có những trường hợp còn liên kết với công ty tại nước ngoài để sản xuất hàng giả.

Qua thực tiễn xét xử các vụ việc xâm phạm quyền SHTT, ông Vũ Thanh Lâm, Phó Chánh tòa hình sự, Tòa án Nhân dân TP.HCM cho rằng, có 2 nhóm tội danh vi phạm đó là sản xuất, buôn bán hàng giả; xâm phạm quyền tác giả và quyền hở hữu công nghiệp. Từ năm 2011 đến năm 2015, Tòa án nhân dân TP.HCM đã thụ lý, xét xử 20 vụ án, với 47 bị cáo. Các mặt hàng bị làm giả chủ yếu liên quan đến thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng và các mặt hàng phục vụ đời sống, các mặt hàng giả các thương hiệu nổi tiếng như giày, túi xách, hàng may mặc…

Không chỉ khó khăn trong quá trình phát hiện, điều tra, ông Vũ Thanh Lâm cho biết, trong quá trình xét xử các vụ án liên quan đến xâm phạm quyền SHTT cũng phát sinh những khó khăn, như: việc cung cấp mẫu sản phẩm chính hãng để giám định và xác định giá hàng phạm pháp. Có những sản phẩm mang nhãn hiệu của hãng nhưng thực tế hãng lại không sản xuất loại mẫu hàng hóa đó; cấu thành cơ bản giữa 2 tội sản xuất buôn bán hàng giả và tội xâm phạm sở hữu công nghiệp chưa có những dấu hiệu đặc trưng cơ bản dẫn đến khó vận dụng khi định tội danh…

Bà Hà Thị Bích Thu, Phó Trưởng phòng thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM cho biết, thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm về SHTT phổ biến, nhưng việc xử lý hình sự không đáng kể chứng tỏ việc xử lý hình sự còn nhiều vướng mắc. Ở góc độ tố tụng, ngoài việc vướng về chứng minh quy mô thương mại trong tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, vướng lớn nhất là công tác giám định, định giá hàng vi phạm… Từ những vướng mắc này, bà Thu kiến nghị, cần có sự thống nhất chung quy định rõ ràng về xâm phạm quyền SHTT trong văn bản pháp quy.

Liên quan đến lĩnh vực XNK hàng hóa, bà Đoàn Thị Phi Vân, Phó Trưởng phòng tham mưu chống buôn lậu – Cục Hải quan TP.HCM cho biết, trong năm 2016 Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện 2 vụ hàng xuất khẩu vi phạm có liên quan đến xâm phạm quyền SHTT, tiêu hủy 4 container thuốc lá vi phạm. Tuy nhiên còn 1 vụ đến nay vẫn chưa xử lý được do vướng về cơ sở pháp lý trong việc xác định hành vi vi phạm. Cơ quan Hải quan cũng mong muốn có hành lang pháp lý rõ ràng để các cơ quan thực thi pháp luật xử lý được nhanh chóng, tránh kéo dài, gây thiệt hại cho các bên…

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kho-xu-ly-hinh-su-hanh-vi-xam-pham-so-huu-tri-tue.aspx