Khổ vì ốc bươu vàng

Thời gian gần đây, nhiều người dân ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội) rủ nhau đi bắt ốc bươu vàng bán cho thương lái. Nghề bắt ốc đã giúp nhiều người dân có thu nhập khá cao, từ 300 đến 500 nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, sau khi sơ chế, vỏ ốc, ruột ốc bị đổ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.

Mặc dù đã được thu gom nhưng vỏ ốc bươu vàng vẫn xuất hiện nhiều tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Ảnh: NGỌC CHIẾN

Xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai có diện tích đất nông nghiệp rất lớn, với gần 650 ha, trong đó có nhiều diện tích đất trũng, thường xuyên bị ngập nước, cho nên từ nhiều năm nay ốc bươu vàng trở thành nỗi kinh hoàng đối với bà con nông dân. Nhiều ruộng lúa vừa cấy xong đã bị ốc bươu vàng phá hoại hoàn toàn chỉ sau một đêm mưa. Sau mỗi trận mưa, trứng ốc bươu vàng nở "đỏ đồng", khiến cho khả năng tàn phá của chúng rất nhanh chóng. Để tiêu diệt ốc bươu vàng, từ nhiều năm nay chính quyền và người dân đã tổ chức bắt trứng và ốc bươu vàng trưởng thành, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trước khi gieo cấy... Tuy nhiên, do tốc độ phát triển của ốc bươu vàng quá nhanh chóng, các biện pháp trên cũng không ngăn cản được sức tàn phá khủng khiếp của ốc bươu vàng, gây ảnh hưởng lớn đến cây trồng của bà con nông dân.

Từ cuối năm 2011, một vài người dân ở xã Cấn Thượng bắt đầu tổ chức thu mua ốc bươu vàng để bán lại cho thương lái. Đến đầu năm 2012, việc thu mua ốc bươu vàng phát triển mạnh, hình thành chợ ốc lớn ngay tại cánh đồng xã Cấn Hữu. Số lượng ốc bươu vàng thu mua khoảng từ năm đến tám tấn, thậm chí mười tấn/ngày. Bà Nguyễn Thị Hòa, sinh sống ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu cho biết, tranh thủ những lúc nông nhàn, người dân đổ ra đồng bắt ốc. Sau khi luộc chín, phần thịt được bán cho thương lái với giá từ 18 đến 23 nghìn đồng/kg. Còn phần ruột ốc bán cho các chủ hồ nuôi cá, các hộ chăn nuôi vịt đẻ trứng... với giá khoảng một nghìn đồng/kg. Tuy công việc vất vả, nhưng mỗi ngày kiếm được từ 200 đến 300 nghìn đồng, thậm chí 500 nghìn đồng, cho nên rất đông người dân tham gia. Riêng tại thôn Cấn Thượng có gần 100 người chuyên đi bắt ốc bươu vàng. Do số người tham gia đông cho nên chỉ trong một thời gian rất ngắn, số lượng ốc bươu vàng tại xã Cấn Hữu và các địa bàn lân cận như Nghĩa Hương, Ngọc Mỹ, Tuyết Nghĩa, Hòa Thạch... bị tiêu diệt nhanh chóng. Nhiều người dân tỏa ra các huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, thậm chí đi đến các tỉnh lân cận Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh... để bắt ốc bươu vàng về bán. Bắt ốc bươu vàng về sơ chế nhanh chóng trở thành "nghề" mới, đem lại thu nhập khá cho nhiều người dân trong xã.

Nhưng do việc bắt ốc bươu vàng để bán phát triển rầm rộ và ý thức của người dân chưa cao đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Mặc dù chính quyền xã đã bố trí địa điểm tập kết rác tập trung xa khu dân cư, có xe của công ty môi trường về thu gom thường xuyên, nhưng nhiều người vẫn đổ vỏ ốc bừa bãi khắp vệ đường, cánh đồng, tràn cả xuống hệ thống kênh mương, cống rãnh thoát nước. Đặc biệt tại khu vực bờ đê, nhiều đống vỏ ốc chất cao như "núi", tràn cả xuống triền đê. Đại diện UBND xã Cấn Hữu cho biết, để tránh gây ô nhiễm môi trường, chính quyền đã nghiêm cấm việc thu mua ốc trong khu vực dân cư và hướng dẫn người dân đổ vỏ ốc tại khu vực tập trung. Trung bình mỗi tháng, Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai vận chuyển khoảng 100 m3 vỏ ốc đi xử lý. Tuy nhiên, tình trạng đổ vỏ ốc bừa bãi vẫn diễn ra, gây ảnh hưởng đến môi trường. Chính quyền đã cử lực lượng ngăn chặn, nhưng một số người dân thiếu ý thức vẫn đổ trộm vỏ ốc ra ngay bờ đê. Đầu tháng 11 vừa qua, chính quyền xã đã tổ chức thu gom, vận chuyển hàng trăm m3 vỏ ốc do người dân vứt bừa bãi đi xử lý. Cho đến nay, tình trạng vỏ ốc đổ bừa bãi đã cơ bản được khắc phục. Nhưng do vỏ ốc bươu vàng tròn, nhẹ, có khả năng trôi nổi trên mặt nước cho nên rất khó có thể thu gom sạch sẽ. Nhiều vỏ ốc có thể trôi theo dòng nước, chui vào hệ thống mương máng, cống rãnh, gây ảnh hưởng đến dòng chảy và môi trường sinh thái. Trong thời gian tới, chính quyền sẽ tiếp tục tiến hành thu dọn, vệ sinh môi trường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay nhu cầu thu mua ốc bươu vàng của các thương lái vẫn rất lớn, nhưng do vụ ốc, từ tháng 3 đến tháng 10 đã qua cho nên "chợ ốc" Cấn Hữu đã tạm thời dừng hoạt động. Vẻ tấp nập đã tạm lắng trên cánh đồng, nhưng nhiều người dân vẫn khẳng định sẽ tiếp tục "hành nghề" khi vào vụ mới. Vì thế, bên cạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tiếp tục tiêu diệt loài sinh vật có hại cho cây trồng, có thêm thu nhập, chính quyền xã Cấn Hữu cần có kế hoạch chuẩn bị sớm để tránh tái diễn tình trạng vỏ ốc bị đổ bừa bãi, gây ảnh hưởng đến môi trường như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý vỏ ốc; ngăn chặn kịp thời khả năng một số người dân vì hám lợi trước mắt có thể nhân nuôi, gây phát tán ốc bươu vàng.

MINH VÂN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/21626302-kho-vi-oc-buou-vang.html