Khổ vì ở nơi “đắc địa”

ANTĐ - Căn cứ vào Quyết định được giao đất từ năm 1976, trường Đại học Bách khoa Hà Nội (trường ĐHBK) bỗng dưng “đòi” lại khu đất của gần chục hộ dân đang ở mặt đường Trần Đại Nghĩa (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) giáp ranh giữa trường và sau trường Đại học Xây dựng khi cho rằng, người dân đã lấn chiếm của nhà trường. Điều đáng nói, các hộ dân đã sống ổn định từ năm 1992 và không có sự tranh chấp của bất kỳ ai sau khi họ khai hoang khu đất um tùm cỏ dại, ô nhiễm...

Cụ Vũ Thị Phước chỉ hàng rào do trường ĐHBK xây dựng từ những năm 2003,
để ngăn cách khuôn viên nhà trường với khu đất của người dân

Bỗng dưng bị đòi đất…

Theo đơn phản ánh của các hộ dân sống tại khu vực sông Sét, thuộc phường Bách Khoa thì phần đất mà các hộ gia đình đang sử dụng có nguồn gốc thuộc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Khoa học kỹ thuật (Trung tâm HTPTKHKT) do Bộ Đại học ký quyết định thành lập vào năm 1990 và giao cho trường ĐHBK quản lý. Khi đó ông Võ Trí Hào được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Trung tâm HTPTKHKT, ông Trịnh Văn Tiến giữ chức Xưởng trưởng. Trung tâm này có nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai sản xuất thực nghiệm hóa chất nên buộc phải có nhà xưởng và chỗ ở cho người lao động. Sau đó, được sự đồng ý của nhà trường, ông Trịnh Văn Tiến cho xây dựng 130m2 nhà xưởng bằng vật liệu khung sắt, mái tôn.

Trong quá trình xưởng hoạt động, ông Trịnh Văn Tiến có tờ trình gửi ĐHBK về việc, Trung tâm xin được lấp phần ao hoang hóa, hố nước đọng phía sau khu xưởng, nằm giáp sông Sét và được chấp thuận. Thời điểm các hộ dân tự bỏ tiền san lấp, khu vực này luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng bởi nguồn nước thải bốc lên từ sông Sét. Đến năm 2000, trường ĐHBK yêu cầu trung tâm trả lại 130m2 đất mở phòng thí nghiệm cho sinh viên. Trung tâm HTPTKHKTđã trả lại toàn bộ diện tích đất trên và hiện trường ĐHBK đã xây lên nhà D9.
Sau khi Trung tâm HTPTKHKT trả lại đất cho trường ĐHBK, xưởng sản xuất chỉ nằm trên phần đất do ông Tiến và các hộ dân tự khai hoang năm 1992. Cùng lúc, trường ĐHBK cũng cho xây tường rào cao gần 3m, ngăn cách phần diện tích các hộ dân đang sử dụng với khuôn viên thuộc quản lý của nhà trường. Hiện phần đất khai hoang mà 6 hộ dân đang sử dụng ổn định, không tranh chấp với bất kỳ ai suốt từ năm 1992. Tuy nhiên, sau khi dự án mở đường Trần Đại Nghĩa hoàn thành, khu đất của 6 hộ gia đình nằm sau trường Đại học Xây dựng và giáp ranh phần đất của trường ĐHBK được ra mặt đường Trần Đại Nghĩa trở thành “đắc địa”, việc tranh chấp đất giữa trường ĐHBK với các hộ dân trên bắt đầu xảy ra.

Trường ĐHBK sẽ phải bỏ ra một khoản tiền “khủng” mới có thể bồi thường, hỗ trợ tái định cư
theo quy định của pháp luật khi thu hồi đất - Ảnh: VVT

Vì… “dấu củ khoai”

Trường ĐHBK cho rằng, diện tích đất của các hộ gia đình trên thuộc sự quản lý của nhà trường, nên liên tục ra thông báo yêu cầu các hộ dân trên trả lại. Đồng thời, trường ĐHBK có đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, đề nghị xem xét cho thu hồi phần diện tích trên. Việc xảy ra khiếu kiện, khiếu nại là nguyên nhân khiến các hộ dân không thể tu sửa dù phần lớn diện tích nhà ở đã xuống cấp và không còn đủ tiêu chuẩn vệ sinh.

Theo cụ Vũ Thị Phước, khu đất mà gia đình đang ở không thuộc trường ĐHBK mà được ông Trịnh Văn Tiến (con trai cụ Phước) và một số anh em bỏ công sức cải tạo từ khu đất hoang, cỏ dại mọc um tùm và cũng là những ao tù, nước đọng ô nhiễm nặng cùng với con sông Sét bốc mùi hôi thối, chẳng ai thèm dòm ngó. Theo bản đồ hiện trạng thửa đất năm 1996 và 2009 đều thể hiện phần đất mà các hộ dân đang sử dụng nằm tách biệt với khuôn viên trường ĐHBK và được ngăn cách bằng bức tường do trường ĐHBK xây dựng. Năm 2006, khi ông Tiến và các hộ dân lại làm các thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ phần diện tích trên thì mới hay trường ĐHBK cũng muốn lấy. Đáng nói hơn là sau khi đường Trần Đại Nghĩa hoàn thành, trường ĐHBK còn làm đơn kiện các hộ dân đã lấn chiếm. Trong khi đó là phần đất hoang hóa, do ông Tiến làm các thủ tục xin cải tạo khu đất hoang này và được ông Võ Trí Hào ký văn bản đóng dấu hẳn hoi.

Liên quan đến những tranh chấp trên, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT, Sở Xây dựng, UBND quận Hai Bà Trưng, UBND phường Bách Khoa… rà soát thực trạng phần diện tích đất mà các hộ dân đang sử dụng. Ngày 14-3-2011, UBND quận Hai Bà Trưng và Sở Xây dựng đã ký văn bản báo cáo thành phố, trong đó nêu rõ: “… phần diện tích gia đình ông Trịnh Văn Tiến và các hộ dân có nguồn gốc từ đất ao do Giám đốc Trung tâm HTPTKHKT xác nhận đồng ý để ông Tiến xây dựng. Công trình xây dựng của gia đình ông Tiến và các hộ dân nhận chuyển nhượng lại đã xây dựng từ năm 1992, quá trình cải tạo, sửa chữa, trường ĐHBK, UBND phường Bách Khoa chưa xử lý kịp thời nên việc đề nghị xử lý công trình theo quy định đối với công trình vi phạm TTXD - ĐT để thực hiện thu hồi đất cho trường ĐHBK là không có căn cứ để thực hiện. Để tiến hành thu hồi của gia đình ông Trịnh Văn Tiến và các hộ dân nhận chuyển nhượng nhà đất, trường ĐHBK phải lập dự án đầu tư, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, có phương án sử dụng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định pháp luật hiện hành...”.

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, ông Nguyễn Trọng Giảng - Hiệu trưởng trường ĐHBK cho rằng, người dân ở đấy nói đất khai hoang là không đúng. Trường ĐHBK Hà Nội chưa bao giờ cho phép san lấp đất ở đấy cả. Còn trung tâm của ông Võ Trí Hào cho phép cũng là không đúng. Dấu “củ khoai” của trung tâm đó không có giá trị pháp lý. Chỗ đất đó bị chiếm dụng chỉ khi làm dự án cống hóa đường Trần Đại Nghĩa. Không đồng tình với quan điểm trên, ông Trịnh Văn Tiến khẳng định, thứ nhất đây là đất hoang hóa không thuộc trường ĐHBK. Còn việc nhà trường không chấp nhận con dấu của Trung tâm HTPTKHKT là không đúng. Trung tâm có con dấu và đầy đủ tư cách pháp nhân, nếu thế từ trước đến nay con dấu của trung tâm sử dụng để tham gia ký kết các hợp đồng, các công trình nghiên cứu khoa học là không có giá trị(?!).

(Còn tiếp)

Thanh Quang

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/ban-doc/kho-vi-o-noi-dac-dia/483617.antd