Khổ vì giao thông ở nhà ga Nội Bài

(VOV) - Chiếc xe buýt vừa dừng lại, hành khách chưa kịp xuống xe đã nhận được hàng loạt những lời mời mọc, săn đón của các chú xe ôm làm việc ngày đêm ngay cạnh bến đỗ

Nhìn đoạn đường cầu cong cong dốc ngược, dưới cái nắng hè gay gắt, chị Trang ngán ngẩm chịu mất 10.000 đồng để đi đoạn đường chỉ mất 5 phút đi bộ. Giải pháp tưởng chừng là hiệu quả... Vào tháng 4/2010 Cảng vụ hàng không Nội Bài ra quyết định: “Cấm xe buýt lên tầng trả khách” nhằm tránh tình trạng ách tắc giao thông trước cửa nhà ga. Vô tình quyết định này đã tạo nên nhiều bức xúc cho hành khách tại sân bay đồng thời cũng là dịp tung hoành của các bác xe ôm có cơ hội níu khách. Trước đó, một hàng rào sắt cao gần 2m đã được lắp dọc đoạn đường trước nhà ga Nội Bài trước nhằm chia khu vực bãi đỗ thành hai phần riêng biệt: Một bên là bãi đỗ của tắc xi và xe buýt, bên còn lại là bãi gửi xe của hành khách, công nhân viên và các xe chở các đoàn khách tới sân bay. Ngày hôm sau khi quyết định được thực hiện, nhiều người ngỡ ngàng khi xe dừng ở bãi đỗ đối diện cửa ga. Nói là đối diện nhưng không thể “sang ngang” đường như ở nhiều tuyến đường khác vì để đề phòng trường hợp người đi bộ đi tắt sang đường, nhà ga đã cho dựng một hàng rào sắt cao chia đôi hai khu vực bãi đỗ. Cầu vượt lên ga là một đoạn đường khá đẹp, và rộng. Từ bãi đỗ xe buýt đến cửa ga sẽ mất chừng 5 phút đi bộ cho quãng đường khoảng 200m. Hành khách muốn lên ga không còn cách nào khác là đi bộ vòng lên cầu vượt hoặc chọn cho mình một phương tiện là xe ôm hoặc taxi nếu có quá nhiều hành lý hay ngại phải đi bộ. Ra khỏi sân bay, nếu muốn bắt xe buýt thì sẽ có một đội ngũ xe ôm hay taxi ở bên này bãi đỗ để bạn lựa chọn. Và thay vì phải thêm khoảng 10.000 đồng đến 15.000 đồng nữa để bắt xe ôm ra bãi đỗ xe buýt, đa phần mọi người chọn cách đi bộ xuống cầu là giải pháp bởi phương án này vừa hợp lý lại rất hiệu quả. Người đi vừa được ngắm cảnh lại vừa được “tập thể dục” miễn phí. Theo lời một nhân viên an ninh tại nhà ga thì giải pháp mà ban lãnh đạo đưa ra đã giúp giải quyết khá hiệu quả tình trạng ách tắc giao thông trước khu vực cửa ra vào sân bay. Nhưng nhìn thực tế tại bến xe buýt, cảnh một nhóm xe ôm đổ xô đến chèo kéo, mời mọc khách đã khiến nhiều người không khỏi ngán ngẩm. …lại làm xe ôm có cơ hội tung hoành Hàng rào vừa lập lên, một đội ngũ xe ôm đủ loại xuất hiện. Phần đông là người ở các xã xung quanh của huyện Sóc Sơn. Những chiếc xe đủ loại cùng đủ kiểu người mỗi khi thấy xe buýt tới bến là xông ra mời mọc, săn đón làm nhiều khách đến sân bay cảm thấy khó chịu. Từ 3 tháng nay, những vị khách sợ nhỡ chuyến, muộn giờ làm hay những người ngại phải đi lên con dốc tuy thoai thoải nhưng khá “thử thách” sức chịu đựng, nhất là với những hành khách phải mang nhiều hành lý cồng kềnh dù không muốn cũng đã trở thành hành khách thường xuyên của những bác tài ở đây. Chị Hoa, môt nhân viên của hãng hàng không Thái Airways International đặt trụ sở tại sân bay cho biết: “Dù đi từ rất sớm nhưng đến chỗ làm vẫn rất sát giờ. Tôi thường xuyên phải đi xe ôm nếu không muốn muộn giờ làm”. Không có xe đưa đón như các nhân viên cơ quan khác có trụ sở ở sân bay, phương tiện chủ yếu của chị Hoa và đồng nghiệp là xe buýt. Chị thấy rất bất tiện từ ngày nhà ga ra quyết định cấm kia bởi bỗng dưng phải mất thêm một khoản không nhỏ để đi xe ôm cho một đoạn đường rất ngắn. Trừ những lúc mưa to gió lớn hay sắp muộn giờ làm, còn lại chị đểu cố để đi bộ với lí do vừa tiết kiệm lại tránh phải đôi co với xe ôm về chuyện giá cả. Nhiều hành khách giữa trời nắng nóng, tâm trạng rất khó chịu, lại gặp ngay mấy tay lái xe bám dai như đỉa khiến họ không khỏi bực mình. Bình thường thì mời mọc khách là thế nhưng nhiều khi, các bác xế còn “chảnh” không thèm chở khách vì trời mưa to. Bãi đỗ xe đã trở thành lãnh địa riêng của cánh xe ôm nên giá cả tùy họ định. Giá cả sẽ cao hơn tùy tình hình. Theo lời một hành khách phản ánh lại, ông đã từng bị lấy 50.000 đồng cho một đoạn đường từ nhà chờ cho đến bến xe buýt mặc dù ban đầu, giá thỏa thuận chỉ là 10.000 đồng. Dù rất bực vì bị lấy giá cao nhưng vẫn phải chấp nhận vì không muốn lỡ việc cộng với thời điểm lúc đó cũng đã khá muộn. Tưởng chừng chỉ mỗi xe buýt bị cấm, nhưng đôi khi, cả xe ôm cũng là đối tượng bị đuổi khỏi cửa nhà chờ sân bay. Cảnh tượng các nhân viên an ninh đuổi xe ôm khỏi bãi trả khách trước cửa ga không khỏi khiến nhiều người chán nản. Anh Thành, một lái xe trong đội ngũ xe ôm chân cầu vượt Nội Bài tâm sự: “Có hôm đang trả khách thì bị đuổi, vội phóng đi không kịp lấy mũ bảo hiểm, vậy là công chạy cả buổi đi tong”. Việc quản lý “chập chờn” lúc có lúc không này đã không ít lần khiến lái xe bị ngã, gây nguy hiểm cho cả người lái và khách đi xe. Một mình một góc tung hoành của xe ôm khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Dù chỉ là một đoạn đường ngắn nhưng lại nhiều xe cộ phóng với tốc độ cao sẽ không thể tránh những nguy hiểm có thể xảy ra. Chị Ninh – một hướng dẫn viên du lịch cho rằng: “Đi xe ôm có khi còn nguy hiểm hơn đi bộ nữa. Thà cứ mở một lối nhỏ ngay chỗ rào chắn sẽ tránh được bao phiền toái cho hành khách đến ga”. Sân bay quốc tế Nội Bài là một trong những điểm trọng yếu trong giao thông nội địa và ra nước ngoài. Chưa kể đến nguy cơ tai nạn tiềm ẩn có thể xảy ra, những cảnh tượng mời chào, xô đẩy bắt khách không mấy đẹp mắt cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của một quốc gia thân thiện, văn minh. Nên chăng, ban quản lý sân bay cần chú ý hơn nữa đến thực tế diễn ra để những hành khách đến ga cảm thấy thoải mái và an toàn nhất có thể./. Hương Vũ

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/kho-vi-giao-thong-o-nha-ga-noi-bai/20106/147685.vov