Khó vẫn phải làm

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chỉ tiêu biên chế năm 2017. Theo đó, với gần 270.000 biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước được phê chuẩn năm 2017, đã giảm đi hơn 3.800 biên chế so với năm 2016.

Trước đó, năm 2016, Chính phủ cũng đã phê duyệt giảm hơn 4.100 biên chế. Liên tục mấy năm gần đây, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, từ Chính phủ cho đến các bộ ngành, địa phương đã rất quyết tâm “tấn công” vào một lĩnh vực khó đó là tinh giản biên chế. Và thực tế cho thấy, rất khó, nhưng khó vẫn phải làm.

Tranh minh họa.

Vấn đề con người, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng cán bộ luôn luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Tại Hội nghị toàn quốc về xây dựng Đảng đầu năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh về nhiệm vụ phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Bởi trên thực tế, nhiều năm qua, tình trạng bộ máy cồng kềnh, cán bộ yếu năng lực, không làm được việc đã được nhiều diễn đàn, nhiều thời kỳ, nhiều khóa từ Đảng, Quốc hội cho đến chính quyền các địa phương, dư luận trăn trở. Câu chuyện có khoảng 30% cán bộ, công chức không làm được việc, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” vẫn cứ luôn là đề tài nóng…

Cũng từ hàng chục năm nay, vấn đề tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế đã luôn được đặt ra. Tuy nhiên, sau nhiều năm, nhiều lần thực hiện, biên chế đã không giảm, thậm chí còn tăng lên.

Năm 2007, Nghị định 132/NĐ-CP ra đời, đã có khoảng trên 69.000 người ra khỏi biên chế theo các chính sách. Thế nhưng từ con số năm 2007 có 346.379 cán bộ, công chức, năm 2014 đã là 396.371 người, tăng 49.992 người (14,43%). Lại vẫn những nguyên nhân như bổ sung chức năng nhiệm vụ, thành lập mới tổ chức, chia tách…và ở mỗi đơn vị thì vẫn lại câu chuyện ai giảm, giảm ai?

Càng thấy được sự khó này, Đảng, Nhà nước càng thể hiện quyết tâm. Ngày 17/4/2015 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 39-NQ/TƯ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị quyết đã chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm, như việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương chưa làm hết thẩm quyền và trách nhiệm; còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán trong quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Bộ Chính trị đã yêu cầu, kiên quyết không tăng tổng biên chế của hệ thống chính trị. Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021), xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10%...

Cùng với Nghị định 108/CP/NĐ-CP ngày 20/11/2014, ngày 10/12/2015, Chính phủ đã có Quyết định 2218/QĐ-TTg về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 39, trong đó, giao nhiệm vụ, phân công cụ thể cho từng lĩnh vực, các cấp, bộ, ngành.

Chính phủ cũng đã chỉ rõ: Từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước khác ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021) và từng năm, trong đó phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu là 10% biên chế của từng Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Quyết tâm là vậy, kế hoạch là vậy, người dân rất trông chờ, nhưng việc thực hiện cũng chẳng dễ dàng. Cho đến tháng 8/2016, Hà Nội đã giảm được 46 phòng, ban tại 22 sở, giảm 121 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở (trong số 401 đơn vị).

Với 3 đợt tinh giản, đã có 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng, 151 biên chế, 704 hợp đồng có chỉ tiêu được tinh giản, tuy nhiên đa số cũng vẫn là người về hưu.

Còn với TP Hồ Chí Minh, quyết tâm đến cấp giám đốc sở nếu không hoàn thành nhiệm vụ cũng bị tinh giản, nhưng cho đến tháng 7/2016, TP Hồ Chí Minh cũng mới chỉ tinh giản được 129 biên chế.

Trong khi chỉ tiêu tinh giản là gần 14.000 người. Khi kiểm tra về vấn đề này, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã kết luận: Giảm biên chế như vậy là chậm.

6 tháng đầu năm 2016, cả nước đã tinh giản được 10.000 biên chế. Tuy nhiên như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, quá thấp so với yêu cầu giảm 1,5 % mỗi năm, tương đương với 40.000 biên chế trên tổng số hơn 2,6 triệu công chức, viên chức.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo “tăng tốc”: Các địa phương, Bộ, ngành phải tích cực thực hiện Nghị quyết 39, tăng tốc độ giảm biên chế thời gian tới.

Giảm ai, ai giảm, khi trừ những người đến tuổi về hưu, trong hơn 2,6 triệu công chức, viên chức đều chằng chịt những mối quan hệ? Có mấy ai hai năm liền chỉ hoàn thành nhiệm vụ, hay có năm không hoàn thành nhiệm vụ?

Dù thực tế dư luận lâu nay có khoảng 30% công chức, viên chức không làm được việc nhưng đa số, hay hầu hết cuối năm đều được bình xét lao động tiên tiến, hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lại đang dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ ra trường chưa có việc làm, tiếp tục ra trường hàng năm. Đây đều là những bức tường khó đối với chỉ tiêu, quyết tâm giảm 10% biên chế trong 7 năm kia.

Khó, nhưng cần phải làm, làm quyết liệt. Không thể nước đến chân mới nhảy hay dồn kế hoạch cho những năm sau. Bộ máy hành chính nhà nước đã quá cồng kềnh.

Mỗi năm ngân sách đã phải chi ra khoản tiền rất lớn cho việc nuôi bộ máy, trong khi chính những người làm công, ăn lương này lại không đủ sống, không nuôi nổi gia đình, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Kiên Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/kho-van-phai-lam/129118