Khó tẩy "những vết sẹo" ở Hà Nội hôm nay!

ANTĐ - Là một kiến trúc sư (KTS) nổi tiếng nhất của thế hệ 7X, không phải nhờ “chăm lên tivi”, mà bởi số lượng giải thưởng trong và ngoài nước cho những công trình xây dựng phục vụ cộng đồng, Hoàng Thúc Hào còn được biết đến như một chuyên gia, “vệ sĩ” của kiến trúc đô thị.

- Chào KTS Hoàng Thúc Hào! Chúc mừng anh vừa đoạt 4 giải kiến trúc. Sao anh không bay sang Chicago nhận giải Green Good Design, vì tốn kém thời gian và tiền ư?

- Ôi, đừng trêu tôi khi hay sai hẹn vì đón con (Cười). Tôi đã đoạt giải này năm 2012 và đây là lần thứ hai. Sang nhận giải, phải tự túc kinh phí, nguyên do chính là tôi quá bận.

- Anh có thể chia sẻ về các tác phẩm vừa nhận giải?

- Giải Green Good Design trao cho công trình nhà cộng đồng ở Tả Phìn Sapa (làm bằng gạch không nung, gỗ tái chế). Tại giải quốc gia về kiến trúc (do Hội KTS Việt Nam và Bộ VH-TT&DL tổ chức 2 năm/lần), tôi nhận 2 giải Ba. Chung cư mỏng, chống lại kiểu “nhà hộp”, có kiến trúc hai mặt tiền tự nhiên, thông gió, chiếu sáng tốt, hiện là công trình đẹp nhất cửa ngõ vào TP Bắc Giang. Rubic xanh là tòa nhà ven biển Bãi Cháy (Quảng Ninh), các tầng so le nhau như ta xoay khối rubic. Giải Khuyến khích dành cho biệt thự nhà hướng Tây ở khu Mỹ Đình, mái dày chắn nắng đồng thời sử dụng pin mặt trời.

- Anh có vẻ tự hào về các công trình đoạt giải đều là kiến trúc đang hiện hữu. Vậy là có tính thực dụng từ ý tưởng?

- Bởi có nhiều cuộc thi, trao giải, tác phẩm rất lâu sau vẫn ở trên giấy. Tôi dành quan tâm lớn cho kiến trúc đẹp, thân thiện mỗi trường phải xuất hiện, tỏa vào đời sống. Song không ít các thiết kế đầy tâm huyết của tôi, được giải cao rồi... không thấy nhà tổ chức cho xây dựng. Hay là họ chỉ “sưu tập ý tưởng”, xem các KTS nghĩ gì, khả năng sáng tạo đến đâu?

- Khả năng “phá vỡ thực tại” thì đúng hơn, ví như “Quy hoạch hồ Gươm và vùng phụ cận” mà anh được giải Nhì (không có giải Nhất) của UBND TP Hà Nội?

- Vâng, không có thiết kế nào vượt tôi, nhưng cuộc thi chỉ trao giải Nhì (kèm 30.000USD).

- Hồ Gươm là hồ thiêng nhất của đất địa linh nhân kiệt đang ngày càng nhỏ lại, dù Hà Nội hiện giờ mênh mông?

- Tôi đã đến hơn 30 quốc gia trên thế giới, mà không biết tới khi nào mới đi hết Thủ đô nước mình. Quy hoạch của tôi nhằm trả lại cho cộng đồng không gian vùng lõi thiêng.
Quanh hồ có quá nhiều trụ sở công, Hà Nội mở rộng song người dân Hà Nội, các tỉnh và khách quốc tế vẫn chỉ đổ về trung tâm cũ, đường hoa, triển lãm, hội chợ, bắn pháo hoa đều bên hồ Gươm. Hễ tổ chức sự kiện, lễ lạt giao thừa, là phải cấm đường để lấy không gian công cộng. Không mơ bỏ hết nhức nhối, tôi chỉ mong giải tỏa một phần, nhất là tòa nhà “hàm cá mập”, làm chuỗi không gian mở liên hoàn. Trung tâm văn hóa cộng đồng sẽ dựng ở đoạn đường gần đền Ngọc Sơn. Hãy tìm lại, gìn giữ hồ Gươm muôn đời là không gian lịch sử, ký ức; đó không thể là trung tâm thương mại, quản lý hành chính.

- Nhưng nó vẫn chỉ ở trên giấy?

- Do các nhà lãnh đạo chưa quyết tâm biến những thiết kế ý nghĩa thành hiện thực.

- Như dự án cải tạo đê Bưởi nhận giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2010?

- Đê Bưởi bao quanh kinh thành Thăng Long, cần gìn giữ như một trong các dấu tích ít ỏi còn sót lại của thành phố cổ này. Tôi muốn đê thành đường hoa, tạo nước chảy tự nhiên tràn xuống như thác nước. Một công trình đa nghĩa văn hóa, lịch sử lại thi công nhanh, đơn giản, tiết kiệm. Ban chỉ đạo Đại lễ 1000 năm Thăng Long mời tôi lên UBND TP trình bày dự án. Các vị giáo sư, chuyên gia nghe, tán thành. Năm sau, đê Bưởi vẫn thành đường bê tông vô cảm.

- Quy hoạch làng gốm Bát Tràng của anh (1994) cũng bị... nằm trên giấy, dù được giải của Viện Hàn lâm Kiến trúc quốc tế?

- Sáng tạo, chất xám của những KTS tâm huyết gìn giữ, xây dựng Hà Nội đẹp, ngày một ít, khi áp lực cuộc sống, thời gian của đời người không cho phép ai dù tài, đam mê, cứ đeo đuổi đơn phương mãi. Làng Bát Tràng từ lúc đốt than tới khi đồng loạt đốt lò ga, thải phế phẩm ra sông, chỉ khác trước là có trâu kéo xe cho khách du lịch, chẳng còn vẻ nên thơ mỹ thuật của một làng nghề cổ bên sông Hồng. Điều an ủi tôi hồi ấy là được Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời ăn cơm tại nhà riêng, trên phố Phan Đình Phùng. Nhờ giải uy tín ấy mà tôi trúng cử 2 khóa Ban chấp hành Hội LHTN Việt Nam.

- Chức danh Ủy viên Hội đồng Kiến trúc xanh, Ủy viên Hội đồng Kiến trúc, Ủy viên BCH Hội KTS Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam đương nhiệm giúp anh được gì trong “chiến dịch gìn giữ Hà Nội”?

- Củng cố sự can đảm làm một KTS vì cộng đồng chứ không phải KTS vì hợp đồng.

- Anh yêu hồ Hà Nội. Làm thế nào bây giờ khi hồ ao mất dần?

- Hồ ao là tài sản độc đáo nhất Thủ đô. Bao năm, lãnh đạo Hà Nội vẫn chưa chú trọng đưa hồ ao thành yếu tố sống còn trong quy hoạch nhận diện đô thị. Chúng bị lấn chiếm, san lấp, bị kè một cách cơ học mà không có ý tưởng tạo cảnh quan. Ngày xưa, Hà Nội có hệ thống hồ ao đan xen chi chít, giúp thoát nước bề mặt nhanh. Thủ đô mở rộng gần 5 năm, thiếu gì quỹ đất mà cứ để tình trạng lấp ao, lấn hồ, hồ ao thành nơi tù đọng nước bẩn, rác thải. Hồ ao bị lấp vì nhiều công trình san ủi mặt bằng không cốt nền, gây úng cục bộ bởi không được làm bù lại hệ thống thoát nước ngầm cho phần bị lấp, sự quản lý đô thị kém, mạnh ai nấy làm.

- Tôi đã đọc bài viết của anh “Hà Nội, Lọ Lem và những vết sẹo khó tẩy“ (Tạp chí Tia sáng 2010). Con người có thể xóa nốt ruồi, tẩy sẹo ở mỹ viện, “thẩm mỹ viện” nào tẩy được sẹo cho Hà Nội?

- Hà Nội đang mất với tốc độ lớn, những vẻ đẹp quý báu vì kiến trúc tạp nham, không có chiến lược, quy hoạch đồng bộ. Tôi đã sang Bắc Kinh nhiều lần, mỗi lần sang lại thấy khác bởi nét xấu đi, thoáng hơn.

Cổ kính? Thành Hà Nội bị cắt xẻo lung tung, di tích ít. Phố cổ và phố kiến trúc Pháp lai căng, mất gốc, còn mấy nhà trên 100 năm đâu. Nhà ống, xe máy nhiều, có thể “tẩy” được, nếu quyết tâm. Nhưng nhà bề ngang 4m, dài15m, mặt đứng ra sao? Đập hết, không có tiền đền bù. Quỹ đất nhiều mà giãn dân chậm, nhập cư ồ ạt kéo dài, cao ốc, nhà lô cốt vẫn xây ở khu Hoàn Kiếm, Ba Đình. Hà Nội quá đông dân, sự phát triển mất kiểm soát, điều kiện không theo kịp mọi phương diện: kinh tế, dân cư, quy hoạch kiến trúc, quản lý đô thị, môi trường. Ví dụ, một công trình phải làm bù 10m3 cống, chủ đầu tư chỉ làm 5m3 ngầm, dưới đất thì ai kiểm tra? Không trả lại hệ thống ngầm tương đương ao, hồ bị lấp nên vừa mưa đường đã ngập, thoát nước chậm. Trong cổ tích, nàng Lọ Lem chỉ cần gặp hoàng tử là sạch vết nhọ, trở nên xinh đẹp, Lọ Lem Hà Nội hôm nay không phải là “vết bẩn”, mà đã thành sẹo, vô phương cứu chữa!

- Anh là một KTS có tâm hồn nghệ sĩ. Vậy tư duy của anh là...?

- Một KTS, công việc chiếm 1/2 là kỹ thuật, phần còn lại là năng lực tưởng tượng, cách nhìn không gian. Sáng tạo đến đâu, do cách nhìn. Công ty 1+1 > 2 của tôi ở 26 Lê Ngọc Hân (www.112.com.vn), hoạt động 10 năm nay luôn theo tôn chỉ nhân cái đẹp, xanh mới, cho cộng đồng. Kiến trúc là hòa quyện của kỹ thuật, và nghệ thuật. Công trình ở Việt Nam chỉ đạt dấu ấn sáng tác khi biết kết hợp kỹ thuật phương Tây với tinh thần văn hóa phương Đông. Đấy là điều mà KTS Nhật Bản làm được, họ đóng góp cho thế giới những cách nhìn không gian mới.

- Còn các KTS Việt Nam có tư duy cấp tiến giúp gì cho các nhà quản lý, hoạch định chiến lược Hà Nội tầm nhìn đến 2020, 2030, 2050?

- Kiến trúc đẹp và văn hóa không hẳn do giàu nghèo. Đây là vấn đề vĩ mô, lỗi ở quy hoạch. Với chung cư đã có, phải sửa lại hệ thống thông gió và chiếu sáng tự nhiên, các chung cư mới phải quan tâm không gian cho cộng đồng. Tính sáng tạo về kiến trúc có thể trưng trổ ở các dự án lớn. Tiếc thay, lâu nay, chủ đầu tư chỉ quan tâm lợi nhuận, tính tiền thi công bằng số m2 bán, cho thuê, sự thực dụng quá đáng còn đâu chỗ cho sáng tạo, bay bổng. Những người duyệt dự án đa phần không có chuyên môn về xây dựng, kiến trúc và tầm nhìn xa.

- Anh chê cả những khu cao cấp như Ciputra, The Manor?

- Làm biến mất cả một làng đào Nhật Tân quý báu để xây một Ciputra với kiến trúc không biết của Âu, Á hay đạo Hồi, quy hoạch như trại lính, thật đáng tiếc. The Manor giả Pháp, không đặc trưng Việt Nam.
Tôi muốn và đang chú tâm kiến trúc những công trình đẹp ở phía sông Hồng, hồ Tây, Cầu Giấy. Dân ta hay “bắt chước”, hiệu ứng đám đông mục sở thị thấy đẹp, họ sẽ xây, cái đẹp sẽ “lây lan”. Tôi ước mong cải tạo tuyến đi bộ, quảng trường, không gian cộng đồng, gìn giữ ao hồ còn lại và quan tâm âm thanh, âm nhạc đô thị. Tôi không đơn độc, AG Club do tôi sáng lập 3 năm nay hoạt động đều, nhiệt huyết và đều là những KTS biết yêu Hà Nội. Chúng tôi đã mời nhà văn Nguyên Ngọc, KTS Salvador nổi tiếng người Tây Ban Nha và sắp tới là GS Ngô Bảo Châu đến nói chuyện. Chúng tôi hy vọng lãnh đạo Hà Nội trân trọng những đóng góp vô tư, sáng kiến hiến cho thành phố của lớp KTS trẻ Hà Nội, cống hiến nhiệt tình mà không cần/ nhằm được giao công trình.

- Chúc cho ước mong của anh thành hiện thực và tìm ra phép màu “xóa sẹo” cho Hà Nội thân yêu của chúng ta!

Sinh năm 1971 tại Hà Nội, thạc sĩ Hoàng Thúc Hào và vợ - họa sĩ Vũ Thu Hiền hiện là giảng viên trường ĐH Xây dựng, khoa Kiến trúc. Vừa nhận giải Green Good Design 2013 (của Mỹ và châu Âu cho kiến trúc xanh) và 3 giải quốc gia, nhưng Hoàng Thúc Hào không vui. Anh đang nặng lòng khi Hà Nội thân yêu ngày một rời xe vẻ đẹp vốn có của mình.

VI THÙY LINH (Thực hiện)

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/blog-nghe-si/kho-tay-nhung-vet-seo-o-ha-noi-hom-nay/500641.antd