Khó quản lý người di cư

(ANTĐ) - Những năm gần đây, lượng người di cư từ các tỉnh, thành khác về Hà Nội đã tăng đột biến, kéo theo nhiều hệ lụy. Trong đó, bên cạnh các tác động về kinh tế, xã hội, dân di cư đông chính là khó khăn, trở ngại đáng kể trong thực hiện các chính sách, mục tiêu dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của Thủ đô.

Xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm không chỉ là địa phương có dân số đông nhất Hà Nội mà còn là nơi có số dân di cư xếp vào top đầu của thành phố. Tính đến hết quý II năm 2010, toàn xã có hơn 62.000 dân thì riêng đối tượng dân di cư đã chiếm quá nửa. Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Chi cục DS-KHHGĐ mới đây, bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Nhuế cho biết, trung bình mỗi năm xã Cổ Nhuế có khoảng 4.000 - 5.000 người mới đến, tương đương với dân số của một xã nhỏ. Vì thế, việc quản lý đối tượng dân di cư thực sự là bài toán vô cùng phức tạp, đặc biệt là công tác dân số. Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Kim Hoa - Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, không chỉ với xã Cổ Nhuế mà ở hầu hết các xã, phường có lượng dân di cư đông, việc thực hiện các mục tiêu dân số gặp rất nhiều khó khăn bởi tuyên truyền và thực hiện chính sách DS - KHHGĐ cho dân di cư rất khó đạt hiệu quả. Nguyên nhân là do dân di cư sống trên các địa bàn xã, phường thường ít khi sống ở một địa điểm cố định trong một thời gian dài nên không thể quản lý được. Hơn nữa, các đối tượng dân di cư thường chỉ khai báo tạm trú, tạm vắng với cơ quan công an địa phương, còn cán bộ dân số ở xã, phường không thể nắm hết được, nhất là trong bối cảnh hầu hết các xã, phường đều thiếu cộng tác viên dân số. Chẳng hạn, theo quy định của ngành dân số thì 1 cộng tác viên dân số phụ trách 150 hộ dân, trong khi toàn xã Cổ Nhuế có đến hơn 62.000 dân nhưng chỉ có 51 cộng tác viên (bình quân 1 cộng tác viên phụ trách khoảng hơn 1.000 người, tương đương gần 300 hộ dân). Thực tế kiểm tra tại xã Cổ Nhuế cho thấy, có những cặp vợ chồng trẻ ở nơi khác vừa chuyển đến sinh sống được 2 tháng đã sinh con thứ 3 mà cán bộ dân số đành... bó tay. Số trường hợp là dân di cư sinh con thứ 3 trở lên cũng không thể thống kê được bởi lẽ rất nhiều cặp vợ chồng di cư mới sinh con nhưng họ không làm giấy khai sinh tại xã đang tạm trú (thường về quê làm khai sinh cho con) nên khó quản lý hành chính. Một khó khăn khác lớn hơn, theo bà Đỗ Mai, cộng tác viên dân số thôn Đống 1, xã Cổ Nhuế: “Mỗi lần tổ chức các buổi sinh hoạt, tuyên truyền các kiến thức về DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản nhưng hầu như chỉ có các đối tượng di dân là sinh viên tham gia còn các hộ gia đình di cư chẳng có mấy người đến”. Theo bà Hoa, người di cư đến Hà Nội phần lớn ở trong độ tuổi trẻ với tỷ lệ người từ 15-39 tuổi chiếm đến 60%. Một mặt, lượng dân di cư trong độ tuổi dân số vàng này đem lại tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương mới, song một mặt nó tạo ra những thách thức lớn trong các vấn đề quản lý về an ninh, trật tự xã hội cũng như làm thay đổi cơ cấu dân số nơi họ nhập cư. Đối tượng dân di cư nhìn chung có trình độ học vấn và chuyên môn, điều kiện sống, sinh hoạt, nhận thức về các kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản... không cao, khả năng cung cấp dịch vụ cho các đối tượng này cũng còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, sức khỏe sinh sản là một trong những vấn đề nhạy cảm của người di cư song việc cung cấp dịch vụ này cho người di cư ở hầu hết các xã, phường hiện nay chưa đáp ứng được. Ở xã Cổ Nhuế, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương đã triển khai nhiều mô hình, nhiều hình thức tuyên truyền đến tận các thôn xóm, tập trung vào đối tượng dân di cư tự do như tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn về các biện pháp KHHGĐ cho dân di cư, tư vấn áp dụng các biện pháp tránh thai và phòng chống bệnh lây qua đường tình dục… Tuy nhiên, công việc huy động, vận động này hiện nay vẫn đang gần như trông cậy toàn bộ vào đội ngũ cộng tác viên dân số cơ sở, nên dù rất cố gắng cũng không thể quản lý, huy động, tư vấn được cho toàn bộ 100% đối tượng dân di cư. Do đó, việc quản lý các cặp vợ chồng là dân di cư trong độ tuổi sinh đẻ không thể chỉ khoán trắng cho ngành dân số mà cần có sự tham gia phối hợp của chính quyền địa phương và các cấp, ngành. Hiện tại, để thực hiện hiệu quả chính sách dân số ở các xã, phường có lượng người di dân đến nhập cư đông, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã chỉ đạo và phối hợp với cơ quan chức năng ở các địa phương việc tăng cường vận động đến tận cộng đồng, tập trung vào các chủ nhà trọ, chủ xưởng, với mục tiêu đưa mỗi đối tượng này trở thành một cộng tác viên dân số. Từng bước nâng cao khả năng hỗ trợ người di cư tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Bên cạnh đó, ngành đang nghiên cứu xây dựng cơ chế theo dõi, quản lý và thông báo về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ của người di cư giữa địa bàn đến và đi.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=83556&channelid=5