Khó như làm vợ hai

- Câu đay nghiến cuối cùng của chồng cũ trước khi chia tay “Để xem rồi cô lấy được thằng nào hơn tôi!” chỉ là câu anh ta nói cho thỏa dạ tức tối, nhưng đã trở thành nỗi băn khoăn lớn nhất cho con đường đi tìm hạnh phúc "tập hai" của tôi. Tôi sẽ lấy một người hơn hẳn anh ta là quyết tâm sau khi ly hôn của tôi.

TIN BÀI KHÁC:

Tôi là một cô gái khá xinh đẹp và thuộc tuýp người phụ nữ của gia đình. Sau khi kết hôn với T (người chồng cũ), chúng tôi thuê một căn hộ ra ở riêng. Cuộc sống vợ chồng son hạnh phúc chẳng được bao lâu khi anh vẫn sống như thời trai trẻ, suốt ngày nhậu nhẹt tối ngày. Những bữa cơm hai vợ chồng ăn chung với nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh bảo đó là công việc của anh, và nó gắn với các mối quan hệ làm ăn, công việc lại chỉ có thể suôn sẻ trên bàn nhậu. Và vì thế tôi cảm thấy bị bỏ rơi, tủi thân vô cùng. Tôi cũng đã cố gắng thông cảm cho chồng, nhưng những buổi tối một mình ở nhà vò võ đợi chồng khiến tôi mệt mỏi, chán chường.

Sau hai năm sống một mình, cảm giác cô đơn buồn tủi khiến tôi cũng mong lắm một bờ vai để mình có thể dựa vào tin tưởng. Vậy là với sự động viên của bạn bè, gia đình, tôi cũng nuôi hi vọng sẽ làm lại cuộc đời với người đàn ông khác. Với nhan sắc mặn mà và nhất là hoàn cảnh tuy ly hôn nhưng chưa vướng bận con cái của mình, chuyện các chàng trai đến tán tỉnh tôi không phải không có. Và tôi cố “tuyển” cho được người hơn hẳn chồng cũ của mình.

Rồi tôi gặp anh, một người đàn ông cũng đã ly hôn và có một đứa con trai. Về điều kiện kinh tế và tính cách, anh ấy hơn hẳn người cũ của tôi. Là một người đàn ông thành đạt và giàu tình cảm, trong khi tôi lại là một cô gái yếu đuối cần một chỗ dựa, từ sự đồng cảm, chúng tôi quyết định đến với nhau, dù sao thì cũng là “rổ rá cạp lại”.

Nhưng rồi đúng như người ta nói: làm vợ đã khó, làm vợ 2 còn khó hơn. Gia đình anh ấy chào đón tôi một cách miễn cưỡng và có ý dò xét tôi “có gì hơn nàng dâu trước của họ?”. Và tôi rõ ràng đã bị so sánh với người phụ nữ trước đó của anh.

Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần, nhưng khi đối diện cuộc sống gia đình với một người đã có gia đình tôi vẫn thấy rất bỡ ngỡ, và nhiều thứ không lường trước được. Mọi người trong nhà anh đều không mấy thiện cảm và nhìn tôi với con mắt xét nét, khắt khe. Đôi lúc tôi cảm thấy sợ bước chân về nhà chồng kinh khủng, đôi lúc muốn bỏ quách cho xong. Nhưng tôi thương chồng, vì anh ấy vẫn đang cố gắng giúp tôi hòa nhập với gia đình, và anh rất yêu thương, trân trọng tôi.

Tôi lập kế hoạch “ăn bánh bơ, đội mũ phớt”, cố chinh phục gia đình anh. Tôi chủ động hỏi chuyện mẹ chồng, nuốt cảm giác tủi thân, ngồi nghe bà kể lể dù là những câu chuyện về nàng dâu trước đó. Tôi tập tành nấu những món ăn miền Trung của gia đình anh ấy và thiết đãi cả nhà.

Biết là nếu chấp nhận làm “tập 2” thì phải rộng lượng, bao dung và "chịu thiệt thòi", nhưng là phụ nữ, ai chả ghen, dù đã chuẩn bị tư tưởng đến cỡ nào đi nữa thì cũng không hẳn là không cảm nhận được sự buồn tủi, ghen tị. Với vợ cũ của anh, chị ấy đã là người ngoài cuộc và thật ra chẳng có gì là nguy hiểm. Nhưng quả thực, điều kinh khủng nhất lại chính là những nỗi dằn vặt mà người phụ nữ đó đã để lại cho chồng tôi bây giờ. Đó chính là đứa con trai 6 tuổi đang sống với mẹ nó.

Rất nhiều đêm anh thức đến sáng để trò chuyện với vợ cũ và con trai. Avatar của anh cũng để hình thằng bé. Thỉnh thoảng chúng tôi đi dạo phố, ngang những cửa hàng đồ chơi trẻ con, anh đều chép miệng đứng ngẩn ngơ, mân mê những món đồ con nít, bảo “giá có thằng bé ở đây”. Tôi biết anh rất yêu con, nó giống anh như tạc, trông nó rất đáng yêu nhưng tôi ghen. Tôi đã tự an ủi bản thân rất nhiều lần: họ là bố con, anh ấy phải quan tâm con mình… nhưng tôi vẫn chưa đủ bao dung. Có lẽ tôi ghen và ích kỷ, nhưng tôi không thể nào thoát ra khỏi cảm giác lo sợ mơ hồ liệu vì tình cảm và trách nhiệm của một người cha, có khi nào anh sẽ xao lòng?

Kiều Thanh

Bạn đọc muốn gửi tâm sự về chuyên mục “Chuyện chung, chuyện riêng” xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Chuyên mục là nơi sẻ chia tâm sự của bạn đọc nên tòa soạn không chấm nhuận bút)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/ban-doc-phap-luat/45229/kho-nhu-lam-vo-hai.html