Khó khăn trong xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp

Gần đây, tình trạng xâm phạm về quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đang ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng quyền lợi của các thương hiệu đã được bảo hộ. Với mức xử phạt còn chưa cao, chưa có tính răn đe, khiến nhiều đối tượng sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục hành vi xâm phạm.

Với mục tiêu bảo vệ quyền SHCN cho các chủ thể được bảo hộ là tài sản của doanh nghiệp, cá nhân được pháp luật thừa nhận, nhiều năm qua Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) phối hợp các đơn vị chức năng, tổ chức nhiều đoàn thanh tra, xử lý các vụ việc xâm phạm quyền SHCN. Theo thống kê từ Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, hằng năm số lượng các vụ vi phạm về quyền SHCN vẫn tăng. Tính đến tháng 9-2016, Thanh tra Bộ KH và CN đã triển khai 48 cuộc thanh tra về SHCN trên phạm vi toàn quốc, phát hiện nhiều cơ sở vi phạm về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh… Qua đó, đã tiến hành xử phạt với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng, buộc tiêu hủy và loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hơn 205 nghìn sản phẩm xâm phạm quyền SHCN, giả mạo nhãn hiệu như: dược phẩm, bánh kẹo, nước giải khát, sản phẩm thời trang…

Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, việc xử lý các vi phạm hiện nay vẫn chỉ nằm ở “bề nổi”, chưa thật sự có những biện pháp xử lý mang tính răn đe, do đó, nhiều đối tượng vẫn tiếp tục thực hiện các hành vi xâm phạm quyền SHCN. Hiện nay, với mức phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền SHCN cao nhất là 500 triệu đồng, dường như vẫn chưa đủ tính răn đe, bởi lợi nhuận thu được từ việc bán hàng giả, hàng nhái lớn hơn rất nhiều so với số tiền bị xử phạt. Nhiều đối tượng sẵn sàng nộp phạt nếu bị cơ quan chức năng bắt giữ, để tiếp tục thực hiện hành vi xâm phạm. Mặt khác, mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các quy định, nhưng mới chỉ dừng ở nguyên tắc, chưa đủ chi tiết, cho nên để áp dụng đưa vào các chế tài xử lý vi phạm thường thiếu hiệu quả. Các vụ việc đang bị hành chính hóa, ít được giải quyết ở tòa án hoặc tranh chấp dân sự thông thường. Bên cạnh đó, tại Việt Nam đang có nhiều đơn vị có chức năng, thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm, nhưng lại thiếu nguồn nhân lực để thực thi. Nhất là mức độ quan tâm của xã hội với vấn đề bảo hộ còn hạn chế, các chủ thể quyền chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản, thường ỷ vào cơ quan chức năng. Đội phó Đội chống hàng giả, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an Hà Nội) Thiếu tá Nghiêm Tuấn Anh cho biết, để các cơ quan chức năng có cơ sở xử lý những hành vi xâm phạm quyền SHCN, chủ sở hữu phải có đơn đề nghị. Do đó, mặc dù bằng mắt thường có thể nhìn thấy rất nhiều nơi đang bán hàng giả, hàng nhái, nhưng do các chủ sở hữu không có đề nghị, cho nên cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý. Hơn nữa, còn nhiều chủ thể quyền chưa có ý thức xử lý các sản phẩm giả mạo, do e ngại mất thời gian, sợ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.

Theo Chánh Thanh tra Bộ KH và CN Trần Minh Dũng, hiện nay, các cơ quan chức năng đang áp dụng nhiều biện pháp để xử lý như: xử phạt hành chính, buộc tiêu hủy các sản phẩm và có thể sẽ xử lý hình sự. Tuy nhiên, vấn đề xử lý hình sự vẫn còn nhiều vướng mắc, đã nhiều lần Thanh tra Bộ KH và CN đề xuất cần phải xử lý hình sự đối với các đơn vị sản xuất hàng giả số lượng lớn. Hiện tại, các cơ quan chức năng xử lý vi phạm bằng các biện pháp hành chính, nhưng các biện pháp mới chỉ dừng ở mức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của một số ít chủ thể quyền, chưa đủ sức răn đe các hành vi vi phạm pháp luật về SHCN. Rất cần quy định rõ những tội về sản xuất hàng giả theo các mức độ cụ thể, cùng với chế tài mạnh thì việc xử lý các vụ việc mới có tính răn đe cao.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/item/31178102-kho-khan-trong-xu-ly-vi-pham-quyen-so-huu-cong-nghiep.html